Năm 2020: Hà Nội tăng cường TGPL cho người nghèo, trẻ em

Ngày đăng: 06/01/2020 - 888 lượt đọc

“Năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động tư vấn pháp luật tại cơ sở, nhất là tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã dân tộc, xã miền núi, các xã xa trung tâm TP” - Bà Nguyễn Tú Anh, GĐ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội thông tin tại Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý và công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020 diễn ra ngày 3-1.

Trợ giúp pháp lý: Tăng cả về chất và lượng

Thông tin kết quả công tác năm 2019, bà Nguyễn Tú Anh GĐ Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội cho biết: Trong năm, Trung tâm đã tiếp 343 lượt người đến yêu cầu tư vấn tại trụ sở trung tâm và các chi nhánh với 343 vụ việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hành chính, hôn nhân và gia đình. Cùng với đó tổ chức 492 cuộc tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, trường học và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP Hà Nội với 37.710 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn tiến hành tư vấn trực tiếp cho 9.988 lượt người với 9.988 vụ việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, môi trường, lao động việc làm, bảo hiểm, khiếu nại, tố cáo, hành chính, chính sách ưu đãi, lĩnh vực pháp luật khác.

Về hoạt động tham gia tố tụng, trung tâm đã phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Trung tâm luôn đáp ứng nhanh chóng và kịp thời các yêu cầu cử người tham gia tố tụng, đảm bảo 100% người có yêu cầu TGPL được TGPL miễn phí.

Trung tâm TGPL nhà nước đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 612 người trong 612 vụ việc. Trong đó, hình sự (548 vụ), dân sự (59 vụ), khiếu kiện hành chính (5 vụ).

Trong tổng số những người được trợ giúp pháp lý, có 37 người có công với cách mạng, 75 người thuộc hộ nghèo, 99 trẻ em và 93 người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 185 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 66 người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 4 người cao tuổi có khó khăn về tài chính, 39 người khuyết tật có khó khăn về tài chính, 2 người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính.


Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước TP Hà Nội phát biểu tổng kết hoạt động năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội.


Truyền thông mạnh mẽ để người dân biết về TGPL

Năm 2018, Luật TGPL có hiệu lực thi hành đã mở rộng thêm diện đối tượng được TGPL. Để giúp các đối tượng thuộc diện được trợ giúp biết đến quyền lợi của mình, Trung tâm đã tăng cường truyền thông về TGPL. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với các Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH để thực hiện truyền thông về TGPL cho người có công với cách mạng. “Đây là một điểm mới trong công tác truyền thông về TGPL năm 2019”, bà Nguyễn Tú Anh cho biết.

Từ công tác truyền thông, người dân biết về TGPL của nhà nước ngày càng nhiều. Số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng nhiều so với các năm trước, chất lượng vụ việc ngày càng được nâng cao, tạo được niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là của đối tượng được TGPL.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2020 Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội sẽ tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật tại cơ sở cho các đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí như người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em, nhất là tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã dân tộc, xã miền núi, các xã xa trung tâm TP.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động TGPL trong hoạt động tố tụng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn TP, các Phòng Tư pháp, các tổ chức đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội người khuyết tật, Hội người mù, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội phụ nữ, các trường học... để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Nghiên cứu xây dựng chế định Luật sư công

Dự và phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) biểu dương những kết quả đạt được của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội trong năm 2019. Theo Cục trưởng Nguyễn Thị Minh, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã rất năng động trong lãnh đạo điều hành hoạt động TGPL của địa phương và ngày càng khẳng định hơn vai trò trong giúp đỡ TGPL cho những người yếu thế.

Công tác TGPL theo đó đã đúng hướng, các vụ việc trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện năm sau tăng hơn năm trước, đặc biệt năm 2019 tăng 50%. Chất lượng trợ giúp viên pháp lý cũng tăng lên. Nhiều vụ án TGPL đã giảm hình phạt cho bị cáo, chuyển tội danh với khung hình phạt, đặc biệt có vụ được tuyên vô tội tại tòa. Thành tích đáng ghi nhận trên một phần do trình độ trợ giúp viên pháp lý được tăng lên, phối hợp giữa các cơ quan liên ngành được tốt hơn.

Cục trưởng Nguyễn Thị Minh đề nghị, năm 2020, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội sẽ phát huy hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của đối tượng cần trợ giúp pháp lý.

Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cũng thông tin, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu về chế định luật sư công. “Trợ giúp viên pháp lý hiện nay điều kiện tiêu chuẩn kỹ năng hành nghề giống hệt luật sư nhưng không gọi là luật sư mà gọi là trợ giúp viên pháp lý. Trong khi không phải người dân nào cũng hiểu trợ giúp viên pháp lý trình độ cũng như luật sư. Có người còn lầm tưởng trợ giúp viên pháp lý là giúp việc cho luật sư. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật luật sư để trợ giúp viên pháp lý được gọi là Luật sư công, phù hợp với thông lệ quốc tế và các nước trong khu vực”, bà Nguyễn Thị Minh nói.

“Với chủ trương như hiện nay, chúng ta cần tập trung vào vụ việc để tăng sự lan tỏa bởi khi chúng ta trợ giúp pháp lý cho người vướng vòng lao lý mà họ được bảo vệ quyền lợi, giúp họ tốt thì sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, Trung tâm cũng cần thu hút đội ngũ luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý với chúng ta để tăng sự lan tỏa đến người dân”, bà Minh nhấn mạnh.

Nguồn: Pháp luật xã hội

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song