Tiền lương giờ làm thêm: Công đoàn đề xuất 2 cách tính

Ngày đăng: 07/08/2019 - 953 lượt đọc

Liên quan tới nội dung tăng giờ làm thêm trong dự án sửa đổi Luật Lao động, Tổng LĐLĐ VN bày tỏ quan điểm đồng thuận khi đảm bảo cách tính lương làm thêm theo luỹ tiến. Theo đó, 2 phương án tính toán đã được đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đình Quảng - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐ VN, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho biết: “Về nguyên tắc, quy định về giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động”.

Điều này nhằm tránh việc doanh nghiệp lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc người lao động không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống.

Đồng tình với thực tế áp lực đơn hàng, tiến độ sản xuất của doanh nghiệp nhưng ông Lê Đình Quảng giữ quan điểm gắn việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ với việc tính tiền lương làm thêm giờ tính theo lũy tiến.

“Khách quan cho thấy, việc quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ theo lũy tiến sẽ góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực mà huy động làm thêm giờ tràn lan như hiện nay” - vị phó Ban Quan hệ lao động giải thích.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Trên cơ sở đó, ông Lê Đình Quảng cho biết thêm về 2 phương án tính lương cho giờ làm thêm: “Phương án 1: Vào ngày thường, tiền lương ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 250% cho giờ làm thêm thứ 3, 300% cho giờ làm thêm thứ 4”.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ VN cho rằng lương làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 350% cho giờ làm thêm thứ 3, 400% cho giờ làm thêm thứ 4.

Với phương án 2, đề xuất của Tổng LĐLĐ VN đặt mục tiêu trong 200 giờ làm thêm đầu tiên, cách tính như quy định hiện hành đang áp dụng, tức là ngày thường; ngày nghỉ; ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương. Trong trường hợp làm thêm tiếp tới giờ 201 đến giờ thứ 300, tiền lương ít nhất bằng 250%.

Trả lời về đề xuất cho rằng nên để cơ chế "mở" trong đàm phán xây dựng tiền làm thêm trên cơ sở giữa người lao động và doanh nghiệp, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Về khách quan, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động luôn tồn tại quan hệ không bình đẳng. Phần yếu thế luôn thuộc về người lao động. Người lao động không dễ thương lượng được mức lương lũy tiến như mong muốn”.

Do đó, vị phó trưởng Ban Quan hệ lao động cho rằng việc tự thoả thuận giữa 2 bên về tiền lương làm thêm rất khó, nếu như không có một “khung” pháp lý quy định chung.

“Thực tế, những năm qua cho thấy, mặc dù pháp luật quy định là “tự nguyện, thỏa thuận” nhưng nếu người lao động không chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp, người lao động sẽ đối diện với việc chấm dứt hợp đồng làm việc, bị khấu trừ các khoản phụ cấp, chuyên cần…” - ông Lê Đình Quảng lo ngại.

Nguồn: Dân trí
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song