Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ giảm đau, hạ sốt trong điều trị COVID-19

Ngày đăng: 16/08/2021 - 824 lượt đọc

Người bệnh COVID-19 thường có triệu chứng nóng sốt, ho đau họng, đau đầu tức ngực sườn. Bên cạnh dùng thuốc, nên kết hợp xoa bóp bấm huyệt để hỗ trợ điều trị. Đây là liệu pháp an toàn hầu như không có tác dụng phụ.

COVID-19 cũng như ôn dịch có triệu chứng tương đồng. Theo Đông y, xoa bóp bấm huyệt giúp giảm đau nhanh, điều hòa khí huyết hạ nhiệt, khôi phục trạng thái cân bằng cho người bệnh. 

Sau đây là một số huyệt cơ bản có thể sử dụng bấm huyệt, châm cứu, massage, day ấn, xoa dầu ấm vào huyệt.

 

Người bệnh COVID-19 giai đoạn mới mắc bệnh hoặc phục hồi

Người bệnh có biểu hiện sốt ho ớn lạnh, đau họng, ho đàm, thở mệt, nhức mỏi... nên tiến hành với các huyệt sau đây:

Thiếu thương: Huyệt ở cách góc ngoài góc móng tay cái khoảng 0,1 tấc (thốn).

Công năng: Sơ tiết hỏa nghịch 12 kinh, thanh nhiệt thuận khí hóa đàm, điều hòa khí huyết. Khi nhiệt tà được giải thì nóng sốt, đàm hỏa cũng giảm. Từ đó chứng sưng đau rát họng, nhức mỏi cũng giảm.

Khúc trì: Huyệt ở lõm vào nơi nếp gấp của khuỷu tay.

Công năng: Khu phong, giải nhiệt tà, hóa độc, thư cơ… Khi nhiệt tà thanh giải, gân cơ thư thái thì khí huyết lưu thông. Các chứng nóng sốt ớn lạnh, đau đầu chóng mặt, cao huyết áp, nổi mụn phát ban giảm. Đồng thời các chứng liên quan nhiệt độc cũng giảm.

Xích trạch: Huyệt nằm ở nếp gấp khủyu, chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu.
Công năng: Thanh nhiệt ở thượng tiêu, tiết phế nhiệt, giáng hỏa; trị các chứng ho nóng sốt, đau họng, ho đờm, tức ngực, sườn. Các chứng liên quan đến phế hỏa cũng giảm.

Điểm huyệt xích trạch giúp người bệnh COVID-19 giảm các chứng ho nóng sốt, đau họng, ho đờm, tức ngực, sườn.

Liệt khuyết: Huyệt nằm ở lằn cổ tay, phía động mạch quay đi lên1,5 tấc. Công năng tuyên phế, khu phong tà, thông điều mạch nhâm, tuyên thông phế khí. Phòng trị các chứng ho thở, ho đau tức ngực sườn, đau vùng cổ gáy rất kiến hiệu.

Phế du: Huyệt nằm dưới gai đốt sống thứ 3, đo ngang ra 1,5 tấc.

Công năng: điều hòa phế khí, thanh nhiệt, hòa vinh thông huyết, trị chứng đau tức vùng sau vai gáy lưng trên, giảm ho tức ngực sườn.

Phong trì: huyệt ở chổ lõm sau gáy, phía ngoài cơ thang ngay sát đáy hộp sọ.

Công năng: Phòng trị các chứng ngoại tà ôn bệnh, nội thương âm hư can hỏa thịnh, sinh chứng đau đầu chóng mặt, đau vùng sau gáy.

Hợp cốc: Huyệt nằm ở điểm cao nhất khi khép ngón tay cái và trỏ vào nhau.

Công năng: Chủ trị các bệnh tật ở vùng đầu mặt, bệnh về ngoại tà, nội thương, tâm phế, dạ dày, đường ruột...

 

Người bệnh COVID-10 có đàm thấp tắc trở kinh phế gây ho khó thở nhiều

Nên phối hợp các huyệt: Đại chùy, phong môn, đản trung.

Đại chùy: Ở sau gáy, dưới gai đốt sống cổ 7.

Phong môn: dưới mỏm gai của đốt sống lưng thứ 2 đo ngang ra khoảng 1,5 tấc.

Đản trung: Huyệt nằm ở giữa ngực, điểm giữa đường nối hai vú (với nam).

Công năng các huyệt trên: Thông phế khí, hóa đàm thông trệ, hạ hỏa, thư giãn gân cơ, tăng cường sức đề kháng.


Điểm huyệt đản trung giúp người bệnh COVID-19 dễ thở, giảm ho sốt, thư giãn gân cơ, tăng cường sức đề kháng.

Người bệnh âm hư hỏa thịnh, đau đầu chóng mặt, huyết áp cao

Nên phối hợp các huyệt: Ấn đường, ty trúc không, thái dương, bách hội, a thị huyệt.

Ấn đường: Huyệt nằm ở chính giữa hai đầu lông mày.

Ty trúc không: Huyệt ở cuối đuôi lông mày.

Thái dương: Huyệt nằm ở hai bên thái dương ngoài đuôi mắt 1 tấc.

Bách hội: Huyệt nằm chính giữa đỉnh đầu;

Công năng của các huyệt: Thanh nhiệt dưỡng âm, thư giãn cơ giảm đau nhanh... Từ đó giảm căng thẳng thần kinh, khôi phục lại trạng thái cân bằng cơ thể

A thị huyệt: Nơi nào đau là huyệt, không có vị trí nhất định. Công năng: Thông kinh lạc, giảm đau cục bộ, thư giãn gân cơ thần kinh.

Day huyệt thái dương

Lưu ý:

Các huyệt trên có thể dùng bằng cách châm cứu, bấm huyệt hoặc tự day ấn massage, xoa dầu ấm vào huyệt. Công năng hỗ trợ cơ thể giải nhiệt tà, dưỡng âm, điều hòa khí huyết. 

Ngoài ra còn thúc đẩy khả năng tự phục hồi cho người bệnh COVID-19. Từ đó hỗ trợ chữa chứng ôn dịch cũng như COVID-19 rất tốt. Nên tiến hành đều đặn hằng ngày, mỗi huyệt làm 1 – 2 phút, ngày vài lần. 

Tuy nhiên phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Những trường hợp nặng cần khám điều trị chuyên khoa.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận