Làm thế nào để giảm bớt lượng muối trong khi ăn uống?

Ngày đăng: 07/10/2018 - 1131 lượt đọc

Hạn chế ăn đồ chế biến sẵn, giảm lượng gia vị mặn khi chế biến món ăn... là những cách để giảm bớt thói quen ăn mặn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo mỗi người không nên ăn quá 5 g muối mỗi ngày (tức chỉ nên dùng dưới 1 muỗng cà phê muối/ngày). Nhưng thực tế tại Việt Nam, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia mức tiêu thụ muối trung bình của người VN hiện nay đang ở mức 10-15 g/người/ngày, gấp 2-3 lần so với khuyến nghị.

Theo ThS-BS Trần Thị Hồng Loan (chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Viện Dinh dưỡng Nutifood) để giảm bớt tác hại của việc ăn mặn gây ra cho sức khỏe, chúng ta cần thực hành ăn giảm muối theo phương châm: Cho bớt muối- Chấm nhẹ tay- Giảm ngay đồ mặn”.

Tập thói quen ăn nhạt sẽ ngăn chặn các bệnh cao huyết áp, tim mạch... Ảnh: Internet

Theo đó, BS Loan cho hay: "Cần giảm lượng muối, nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt khi nêm nếm thức ăn. Đối với người thường xuyên ăn mặn nên bỏ ngay hoặc giảm dần việc chấm muối (muối tiêu, muối ớt, muối tôm), hạn chế chan thêm nước chấm (nước tương, nước mắm…) hay nước sốt khi ăn. Không để thêm lọ muối, lọ nước mắm… trên bàn ăn đề phòng cảm giác “thèm ăn mặn” và tiện tay lấy dùng".

"Tập cho các bé thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ, cũng là một cách để giảm lượng muối ăn hàng ngày và bảo vệ sức khỏe", BS Loan cho biết thêm. Việc giảm ăn muối nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác của bạn có thể làm quen và thích nghi dần với việc giảm vị mặn.

Không chỉ thế, BS Loan cũng khuyên các bà nội trợ nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt cá khô, mắm, tương, chao, giò chả, xúc xích, dăm bông, đồ hộp, dưa cà muối chua, mì ăn liền… Vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối hoặc chứa hàm lượng natri cao để có thể bảo quản được lâu. Nếu muốn tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn thì có thể lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng muối ít hơn bằng cách xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm.

Ngoài ra, mì chính là gia vị cho vị ngọt nhưng trong thành phần có chứa natri- tương tự thành phần chính của muối ăn. BS-CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết: "Ta cần biết hàm lượng nitrat có trong các gia vị như sau: Một muỗng canh cà phê muối có 4 g, một muỗng canh nước mắm thì có 1 g, một muỗng cà phê nước tương chứa 0,75 g muối nitrat, một muỗng cà phê hạt nêm có 0,25 g, trong khi một muỗng cà phê bột ngọt đã có tới 1,25 g muối. Có thể thấy lượng natri trong bột ngọt bằng 1/3 lượng natri trong muối". Do đó, theo BS Diệp, có rất nhiều người khi bị cao huyết áp, họ tin rằng do ăn nhiều muối nhưng không biết rằng trong đó có thể có sự xuất hiện của mì chính/bột ngọt.

Việc giảm ăn mặn sẽ giúp bạn chống lại nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và thậm chí là ung thư dạ dày.

                                                                                                                                                                                      Theo Báo Mới

                                                                                                                                                                                    Lại Thu Huyền (st)