Buổi liên hoan văn nghệ đặc sắc chào mừng Nhà giáo Việt Nam

Ngày đăng: 14/11/2020 - 1476 lượt đọc

Khi những ánh nắng bớt dần hanh hao, khi những cơn gió heo may ùa về mang theo chút se lạnh đầu đông, cũng là lúc tháng 11 về. Tháng 11, tháng của biết bao thương nhớ, bao nỗi niềm bồi hồi xao xuyến. Tháng của ngày lễ trọng đại thiêng liêng mà tất cả các thế hệ học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc hướng về những người thầy, người cô kính yêu của mình.

Hiểu được đạo lý sâu sắc đó, ngày 13 tháng 11, tập thể học viên hai lớp Y sĩ y học cổ truyền và Tác động cột sống – Xoa bóp bấm huyệt nâng cao K83 đã tổ chức buổi Liên hoan văn nghệ nhằm tri ân những người thầy, người cô đang trực tiếp giảng dạy mình đến từ Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Trường Cao Đẳng Y Dược Thăng Long.

Toàn cảnh Hội trường buổi liên hoan văn nghệ

Tham dự có GS.TS. Trương Việt Bình, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Dược Thăng Long; Đại diện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam; Tập thể Cán bộ, giáo viên Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng; các giáo viên trực tiếp giảng dạy hai lớp học đến từ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Cao đẳng Y Dược Thăng Long cùng toàn thể học viên hai lớp.

Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao qúy. Người thầy được ví như những “kỹ sư tâm hồn” – được xã hội tôn vinh và gửi gắm cả thế hệ tương lai. Người thầy là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang trên vai mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức… cho các thế hệ tương lai.

Với những người học bình thường, thầy cô là những người mang lại nguồn tri thức, chấp cánh những ước mơ để học sinh có thể bay cao, bay xa, thực hiện hóa những ước mơ và trở thành những con người có ích trong xã hội.

Còn đối với những người học là người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, người thầy không chỉ cần có kiến thức, nghiệp vụ sư phạm là đủ mà ở họ cần có một cái tâm, một tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những thiệt thòi của người học, để từ đó giúp họ thắp sáng lên niềm tin, ước mơ, ý chí và nghị lực trong cuộc sống.

Chính vì vậy, tình thầy trò trong những môi trường giáo dục đặc biệt ấy nó rất lớn lao không gì có thể so sánh được. Và tình thầy trò đó được thể hiện rất rõ qua một chương trình văn nghệ vô cùng đặc sắc do chính những người học viên khiếm thị dàn dựng và biểu diễn để dành tặng cho những người thầy, người cô của mình.

Tiết mục tam ca “Bài ca người giáo viên nhân dân” mở đầu chương trình

Xuyên suốt chương trình là những bài hát ca ngợi nghề giáo viên, ca ngợi tình thầy trò, mái trường thân yêu, tình yêu quê hương đất, con người, như: Bài ca người giáo viên nhân dân; Con đường đến trường; Đảng cho ta một mùa xuân; Tiếng hát giữa rừng Pác Pó;  Tình ta biển bạc đồng xanh; Gửi về quan họ; Nối vòng tay lớn …

Tiết mục song ca “Tình ta biển bạc đồng xanh”

Mỗi tiết mục trình diễn là một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành tặng các thầy, cô giáo trong ngày kỉ niệm Nhà Giáo Việt Nam này.

Tiết mục đơn ca “Đảng cho ta một mùa xuân”

Trong đó phải kể đến một tiết mục vô cùng đặc sắc như bài hát chèo “Mái trường thân yêu” do chính học viên Nguyễn Văn Liên sáng tác và trình bày. Bài hát nói về mái trường Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng yêu dấu, nơi đã in dấu biết bao kỉ niệm đẹp của nhiều thế hệ học viên khiếm thị, nơi được coi là mái nhà chung của người khiếm thị Việt Nam, đã đào tạo hàng ngàn người khiếm thị trên khắp cả nước giúp họ có công ăn việc làm và có cuộc sống ổn định.

Tiết mục hát chèo: Mái trường thân yêu

Không chỉ dành tặng cho thầy cô những tiết mục văn nghệ đặc sắc, tập thể học viên hai lớp còn dành tặng cho thầy cô của mình những bó hoa tươi thắm, những lời cảm ơn, tri ân sâu sắc qua bài phát biểu của anh Ngô Trọng Hiếu, đại diện học viên hai lớp.

Đại diện học viên hai lớp phát biểu

Đại diện học viên hai lớp lên tặng hoa thầy cô

Phát biểu tại buổi liên hoan văn nghệ, GS.TS. Trương Việt Bình đã rất vui và xúc động trước tấm lòng của anh chị em học viên dành tặng cho thầy cô. Ông cũng mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm trong việc tổ chức những lớp đào tạo dài hạn nhằm giúp người mù Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và theo kịp trình độ của các nước trong khu vực và thế giới. Để đáp lại tình cảm của học viên, ông đã hát tặng ca khúc “Em yêu anh như câu hò ví dặm”.

 GS.TS. Trương Việt Bình, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Dược Thăng Long, phát biểu tại buổi liên hoan văn nghệ

 

Cũng tại buổi liên hoan văn nghệ, thầy Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và động viên tinh thần của Ban Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Trường Cao Đẳng Y Dược Thăng Long, sự nhiệt tình tâm huyết của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy hai lớp và đặc biệt cảm ơn tình cảm rất đáng trân trọng của tất cả anh chị em học viên đã dành cho thầy cô trong ngày lễ trọng đại này.

Thầy Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm, phát biểu tại buổi liên hoan

Buổi liên hoan văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam đã khép lại với ca khúc Nối vòng tay lớn trong niềm vui hân hoan của tất cả mọi người.

Phạm Mai