Cô gái khiếm thị và chàng trai bại não: Cuộc sống đầy ắp niềm tin và ước mơ khi ở bên nhau

Ngày đăng: 07/10/2022 - 1020 lượt đọc

Dù bản thân có những khiếm khuyết về cơ thể, nhưng tình yêu của hai con người đặc biệt ấy dành cho nhau là hoàn hảo, trọn vẹn nhất.

Cô gái mất thị lực vì căn bệnh quái ác
Sinh ra ở huyện miền núi Hữu Lũng (Lạng Sơn), Lê Thị Vân (21 tuổi) học hết lớp 7 thì phải nghỉ học. Biến cố ập đến với cô bé thôn quê xinh đẹp ở tuổi 13 khi bỗng một ngày cảnh vật trước mắt em cứ mờ dần.

Bố Vân buộc con gái vào lưng, chạy xe máy hơn 100 km xuống Hà Nội để chữa bệnh. Rồi em trở lại trường học nhưng chỉ một thời gian sau, mọi thứ quanh em khi sáng, khi nhạt nhòa rồi tắt hẳn. Lúc này căn bệnh teo gai thị đã cướp đi hoàn toàn thị lực của cô gái bé bỏng. Năm 2015, Vân nghỉ học, chấp nhận số phận.

Từ đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, Vân trở lại cáu kỉnh. "Mình chán nản, tuyệt vọng vì tự thấy bản thân là thứ bỏ đi, vô dụng, cuộc đời chấm hết nên mình thu hẹp bản thân, không trò chuyện với ai. Mình cũng chẳng muốn làm gì nữa, chỉ nằm một chỗ, ngủ triền miên đến mức bị vôi hóa cột sống", Vân nhớ lại kí ức ám ảnh ấy.

Sau 2 năm chìm trong nỗi buồn và những giọt nước mắt, Vân nhận thấy người đau khổ, vất vả chính là bố mẹ mình. Thế là Vân tự kéo mình bước ra khỏi mặc cảm, làm quen với bóng tối. Cô học những điều nhỏ nhất để tự lo cho mình từ đánh răng, ăn cơm đến làm những công việc rửa bát, quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo,...

Năm 18 tuổi, thấy bạn bè đồng trang lứa đã học xong được đến những vùng đất mới, khát khao khám phá bản thân, trải nghiệm đó đây trỗi dậy trong cô.

Vân- cô gái xứ Lạng gặp biến cố mất dần thị lực từ năm 13 tuổi, từ buồn chán đến khao khát được khám phá thế giới xung quanh.

Vân bắt đầu bằng việc học cách sử dụng Internet, tìm hiểu những khóa học dành cho người khuyết tật. Năm 2019, Vân xin bố mẹ xuống Hà Nội khi hay tin tại đây có một trung tâm dạy nghề dành cho người khiếm thị. Tại đây, cô gặp nhiều người khuyết tật khác, nhận thấy mình không phải là người cá biệt, có biết bao người đồng cảnh nhưng họ làm được nhiều việc.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, như bao người khác, Vân trở về quê hương, nương tựa gia đình. Một lần lướt mạng xã hội, Vân quen anh Trần Hiệp, chàng trai Hà thành bị bại não nhưng nghị lực phi thường.

Chàng trai bị bại não sau trận sốt khi mới 7 tháng tuổi
Anh Trần Quốc Hiệp (36 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán tổn thương não sau trận sốt viêm não Nhật Bản khi mới 7 tháng tuổi. Bố mẹ anh bế con đi chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng họ phải chấp nhận việc con trai là đứa trẻ bại não, cả cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn do toàn bộ hệ thống cơ co quắp.

Kể từ đó, mọi sinh hoạt của anh đều cần người hỗ trợ. Tuổi thơ của anh nhìn thế giới qua khung cửa sổ, thấy bạn bè đến lớp, đi chơi, anh Hiệp chỉ biết ước ao.

Lên 4 tuổi, anh được ông nội mua bộ bảng chữ cái để dạy đọc chữ thành thạo. Sau đó, bố mẹ tiếp tục hướng dẫn Hiệp tính toán cơ bản ở quán tạp hóa của gia đình. Hiệp cứ thế lớn dần lên, từ tự ti, buồn tủi rồi dần suy nghĩ tích cực hơn.


Hiệp- chàng trai bại não nhưng đầy ý chí, luôn muốn tự chủ cuộc sống.

Năm 2009, nhờ người quen giới thiệu, Hiệp tham gia Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai và Trung tâm Sống độc lập Hà Nội. Đến năm 2017, Hiệp tiếp tục trở thành thành viên của Câu lạc bộ Người trưởng thành sống với chứng bại não (CLB CP) trực thuộc Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV).

Trở thành tham vấn viên cho người đồng cảnh ngộ, anh truyền động lực học tiếng Anh tới mọi người dù chưa từng đến trường lớp.

Chuyện tình đẹp như cổ tích của hai người khiếm khuyết
Sau khi kết bạn trên mạng xã hội, anh Hiệp và Vân đều có ấn tượng đặc biệt với đối phương. Nếu như anh Hiệp ấn tượng với cô bé xinh xắn, dễ thương, đôi mắt đẹp, thì Vân vô cùng cảm phục những hoạt động tích cực anh chia sẻ.

Vân cảm nhận chàng trai này nói chuyện có duyên, lại vô cùng nhẹ nhàng, gần gũi. Cô bộc bạch: "Kể từ khi mới quen thôi, anh đã cho mình cảm giác thân thuộc. Ngoài bố mẹ, gia đình, chưa ai tốt với mình, dịu dàng và truyền cho mình sức mạnh tinh thần nhiều như vậy".

Hơn nữa, cặp đôi tìm thấy sự đồng điệu về mong muốn tự chủ cuộc đời. Những câu chuyện giữa hai người mỗi ngày một dài hơn.

Cô gái khiếm thị và chàng trai bại não tìm thấy nhau.

Dịp 20/10 năm ngoái, Hiệp hẹn lên nhà Vân chơi. Anh cùng một người bạn bại não khác vượt qua chặng đường hơn 100km ngoằn ngoèo nhưng không ngại gian nan. Đến bậc cửa nhà Vân, mẹ cô trêu: "Cháu mà tự leo được lên nhà thì cô gả Vân cho luôn".

Sau hôm đó, Hiệp nhắn tin xin phép mẹ Vân được ở bên con gái cô. Anh hứa với mẹ bạn gái rằng sẽ chứng minh có thể chủ động trong cuộc sống, là chỗ dựa chứ không phải gánh nặng cho Vân và xin phép mẹ cho Vân xuống Hà Nội đi làm.

Tháng 5 vừa qua, Hiệp trở lại Hữu Lũng đón người yêu. Anh cũng xin bố mẹ cho mình ra ngoài sống riêng để làm chủ cuộc đời. Bố anh vì lo lắng cho con nên không đồng ý. Nay sau hơn 3 tháng con trai ra ngoài sống độc lập, cả gia đình đã vui mừng ủng hộ.

Để giúp đỡ cặp đôi xây dựng tổ ấm riêng, chị Đinh Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam dành một căn phòng cho hai người sinh sống.

Hàng ngày, anh Hiệp thường thức dậy rồi đi chợ lúc 7h sáng sau đó bắt đầu công việc bán hàng online nhận đơn đến 5h chiều, Vân đóng gói. Đến giờ nấu cơm, anh tranh thủ hướng dẫn bạn gái nấu ăn. Trong các sinh hoạt hàng ngày, Vân làm đôi chân cho người yêu ngồi xe lăn, còn Hiệp là đôi mắt của cô.


Cuộc sống mỗi ngày của cặp đôi bình dị, đầy ắp tiếng cười.

Kể từ khi về bên nhau, cũng có những giận hờn, tranh cãi, nhưng hơn tất cả, cả hai vẫn luôn tìm cách tháo gỡ để hiểu và ngày càng yêu nhau hơn. Họ cũng nhận thấy trong mình có những suy nghĩ ngày càng tích cực, cuộc sống đầy ắp niềm tin và ước mơ.

"Khi doanh thu từ cửa hàng ổn định, kinh tế vững hơn, chúng tôi sẽ làm đám cưới", Hiệp hạnh phúc nói về dự định của cả hai.

Nguồn: Soha

Sưu tầm: Đinh Quỳnh Trang


Bình luận

Viết bình luận