Khó khăn của người khiếm thị trong tiếp cận tài liệu học tập

Ngày đăng: 13/05/2020 - 4570 lượt đọc

Việc tiếp cận tài liệu trong học tập của người khiếm thị hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn và điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập của họ

Phát triển thư viện người khiếm thị giúp họ có điều kiện tiếp cận tri thức.

Ảnh: nguồn Internet

Giáo dục là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mỗi con người nói chung cũng như người khiếm thị nói riêng. Để họ có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội, khẳng định năng lực của mình và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm trong lĩnh vực giáo dục đối với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Từ đó, đã có rất nhiều những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để họ có được một môi trường giáo dục tốt nhất, cụ thể như:

Theo khoản 3 điều 27 Luật người khuyết tật Việt Nam thông qua ngày 17/06/2010  quy định “người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu;  người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia”.

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của chiếm tranh, nên tỉ lệ người khiếm thị ở Việt Nam là rất cao. Số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, chiếm khoảng gần 2% dân số. Đây là nhóm đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Tuy không có khả năng nhìn nhưng họ vẫn có nhu cầu học tập, tiếp cận tri thức, văn hóa, được cập nhật những tri thức mới… Song trên thực tế, không thể phủ nhận một điều rằng việc tiếp cận các tri thức thông qua tài liệu hiện tại đối với người khiếm thị là một khó khăn lớn. Mặc dù hiện nay, đã có hệ thống chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, nhưng chi phí in ấn tài liệu dưới dạng này là rất tốn kém và để chuyển hóa tất cả các kho tàng tri thức sang dạng chữ nổi Braille là một điều khó có thể thực hiện được.

Giáo viên hướng dẫn học sinh viết chữ nổi

Ảnh: nguồn Internet

Đối với người khiếm thị họ chỉ có thể tiếp cận được một số tài liệu nhất định như sách chữ nổi, sách nói hoặc dùng một số phần mềm đọc màn hình để đọc tài liệu bản word. Tuy nhiên, hiện nay các tài liệu như sách giáo khoa, giáo trình và một số tài liệu khác dưới định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận được là không nhiều. Nhất là đối với người khiếm thị học ở bậc cao đẳng, đại học khi học đến các môn chuyên ngành điều đó lại càng khó khăn hơn nữa. Các tài liệu liên quan đến môn chuyên ngành, thì kể cả trong một số thư viện sách nói dành cho người khiếm thị hiện nay cũng hầu như không có. Còn thư viện của các trường cao đẳng, đại học có người khiếm thị đang theo học cũng không thể tìm được các dạng tài liệu mà người khiếm thị có thể tiếp cận được.

Từ những khó khăn trên, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trong học tập của người khiếm thị cũng như việc theo được chương trình đào tạo mà nhà trường yêu cầu. Đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả chất lượng đầu ra trong giáo dục với người khiếm thị.

Lễ trao bằng cử nhân cho sinh viên khiếm thị của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Ảnh: nguồn Internet

Chính vì vậy, chúng ta cần chuyển đổi các tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình sang nhiều định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận được. Để từ đó, xây dựng những thư viện sách dành riêng cho người khiếm thị, với đa dạng các đầu sách từ sách giáo khoa chương trình phổ thông cho đến giáo trình đại học và các tài liệu tham khảo khác để đáp ứng nhu cầu về mặt tài liệu cho họ trong quá trình học tập. Chỉ có như vậy, vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu trong học tập của người khiếm thị mới được giải quyết một cách hiệu quả. Từ đó, quá trình học tập của họ sẽ bớt gian nan hơn và đảm bảo sự công bằng trong giáo  dục đối với người khiếm thị.

 Ngọc Song