Người khuyết tật có thêm niềm vui khi gắn bó với việc làm

Ngày đăng: 04/03/2021 - 861 lượt đọc

Hơn 22 năm hoạt động, Hợp tác xã Ánh sáng thuộc Hội người mù quận Hà Đông, Hà Nội, đã "thắp sáng" niềm tin, giúp đỡ hàng chục người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Người khuyết tật được làm việc

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998, đến nay, Hợp tác xã Ánh sáng vẫn hoạt động hiệu quả với 30 hội viên là người khuyết tật. Hợp tác xã Ánh sáng lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với người khuyết tật và các nghề thủ công, gồm tăm và chổi chít, đồng thời phát triển sản xuất gắn với thị trường.

Chia sẻ với Phóng viên Dân trí, ông Bạch Quang Khải - Chủ tịch hội người mù quận Hà Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ánh sáng - cho biết: "Tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là quá trình rất khó khăn. Ngoài những chính sách từ phía Nhà nước, tổ chức chúng tôi đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tạo môi trường, động viên người khuyết tật tự tin tham gia các hoạt động sản xuất để có thu nhập chính đáng".

Theo ông Bạch Quang Khải, hợp tác xã có các thành viên ở nhiều dạng tật khác nhau, như: Khuyết tật vận động, khiếm thị, câm điếc bẩm sinh với độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi. Ngoài hoạt động và làm việc tại hợp tác xã, một số hộ hội viên còn nhận hàng và sản xuất tại nhà. Hợp tác xã sẽ có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho hội viên.

Ông Bạch Quang Khải người đứng đầu Hợp tác xã Ánh sáng suốt hơn 20 năm qua

"Đến với Hợp tác xã Ánh sáng, hội viên sẽ được đào tạo nghề làm chổi đót. Mỗi người sẽ được phân một công việc phù hợp với khả năng. Thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi người từ 2 - 3 triệu đồng. Để khuyến khích người khuyết tật, chúng tôi phụ cấp ăn trưa và 25.000 đồng/ngày cho những  hội viên đi làm hơn 20 ngày/tháng" - ông Bạch Quang Khải thông tin.

Là một người  khuyết tật, ông Bạch Quang Khải hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, sự khó khăn của những người đồng cảnh ngộ. Ông luôn tâm niệm rằng, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm mang lại thu nhập ổn định và nâng đời sống vật chất cho hội viên.

Tạo nguồn thu nhập của người khuyết tật

Theo ông Bạch Quang Khải, người khuyết tật đến đây không chỉ được học nghề, có thu nhập và được làm việc mà còn có cơ hội được giao lưu, học hỏi và phục hồi chức năng.

Bước tới Hợp tác xã Ánh sáng có địa chỉ tại phố lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội), không khí rộn ràng, vui vẻ tiếng nói cười của anh chị em. Những đôi bàn tay khéo léo, nhịp nhàng đang bện chổi với niềm đam mê và sự hồ hởi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. 

Tại nơi đây, mỗi năm hàng nghìn chiếc chổi, ra đời được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh thành trên khắp cả nước.

Tại đây, mỗi năm có hàng nghìn chiếc chổi được làm ra từ đôi bàn tay của những người khuyết tật

Ông Nguyễn Đình Mạnh, 61 tuổi, trú tại Dương Nội, (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Tôi thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2 - 2,5 triệu đồng. Làm việc tại Hợp tác xã Ánh sáng đã được gần 10 năm, tôi không chỉ thấy bản thân vui vẻ hơn mà còn thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt".

Là một người khiếm thị, ông Nguyễn Đình Mạnh rất phấn khởi khi tìm được công việc làm chổi phù hợp với mình. Rất ít khi mọi người thấy ông nghỉ việc, cho dù mắt không thấy, nhưng ngày nào ông cũng bắt xe ôm hoặc con trai chở đến hợp tác xã.

Từ ngày có việc làm, chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình được ông tự trang trải như tiền điện, tiền nước, tiền xe đi lại… Ở cái tuổi 61 nhưng đôi bàn tay của ông Nguyễn Đình Mạnh vẫn còn rất khỏe, bện những chiếc chổi chắc chắn.

Chị Hoàng Thị Hoa, trú tại La Khê, Hà Đông, là xã viên của Hợp tác xã Ánh Sáng đã 14 năm tâm sự: "Tôi đi lại khó khăn, trước đây đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, cảm thấy bản thân rất tự ti. Từ ngày vào đây làm việc, tôi có thu nhập phụ giúp gia đình nên vui vẻ và yêu đời hơn, cảm thấy bản thân có ích cho xã hội".

Chị cho rằng, mọi người ở hợp tác xã coi nhau như những người thân trong gia đình, chia sẻ buồn vui hay giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Ban đầu học nghề cũng khó khăn, xong nhờ sự cố gắng và giúp đỡ của mọi người, không chỉ học được nghề mà chị còn làm được nhiều công việc khác phụ giúp gia đình.

"Sản phẩm chúng tôi làm ra được nhiều người đánh giá là bền, chắc chắn, dày dặn hơn những sản phẩm ngoài thị trường, đây là tâm huyết của chúng tôi muốn gửi đến cộng đồng" - chị Hoàng Thị Hoa tâm sự.

Ông Khải thường xuyên có mặt ở xưởng sản xuất để đôn đốc và động viên anh chị em làm việc 

Nhờ có Hợp tác xã tạo công ăn việc làm, với mức thu nhập ổn định đã giúp chị cũng như anh chị em vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để sống có ích đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

So với người không khuyết tật, mức thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã có thể là khiêm tốn. Tuy nhiên trong điều kiện khuyết tật, mức thu nhập như trên lại là nguồn động viên lớn tới những thành viên của Hợp tác xã.

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song