Phát hiện sớm - Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em: Hy vọng và tương lai

Ngày đăng: 02/07/2021 - 1260 lượt đọc

Nhiều nơi trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay còn có những hạn chế trong việc đáp ứng các nhu cầu về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ em có khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, tinh thần và bệnh tật trong độ tuổi từ 0 đến 6.

Khám – đánh giá khuyết tật cho trẻ tại Trạm Y tế xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

 

Theo báo cáo 2013 của UNICEF, trẻ em khuyết tật là nhóm bị hạn chế khả năng được chăm sóc y tế, khả năng tiếp cận giáo dục cũng thấp hơn nhiều so với trẻ bình thường, và dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng. Khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần tác động rất lớn đối với sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống, kinh tế gia đình và an sinh xã hội.

Nếu khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp sớm (PHS-CTS) sẽ có thể mang lại cho trẻ một cuộc sống hoàn toàn khác biệt theo chiều hướng tích cực về phát triển cũng như hòa nhập xã hội.

Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh giai đoạn quan trọng mà não bộ có tính mềm dẻo cao và có thể kích thích được trong những năm đầu đời (trong độ tuổi từ 0 đến 6) đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ khi được tham gia quá trình can thiệp. Do đó trẻ nhỏ được tiếp cận các hỗ trợ về sức khỏe và phát triển càng sớm càng tốt.

PHS-CTS khuyết tật trẻ em bao gồm các bước sàng lọc phát triển, khám đánh giá và can thiệp ở các lĩnh vực y tế, giáo dục và trị liệu được cung cấp cho trẻ em và gia đình từ sơ sinh - 3 tuổi, kéo dài đến 6 tuổi.

Các can thiệp để hỗ trợ các nhu cầu đặc biệt cho trẻ như ngôn ngữ, vật lý trị liệu, tâm lý, điều dưỡng, dinh dưỡng, y tế và nhiều hỗ trợ khác nữa sẽ giúp cải thiện sự phát triển của trẻ, tận dụng tối đa các khả năng và kỹ năng được phát triển trong

Các dịch vụ can thiệp sớm phải phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ và nhu cầu của gia đình bao gồm phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển giao tiếp, xã hội hoặc sự phát triển cảm xúc, phát triển thích ứng...

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đến người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Quốc hội đã ban hành “Luật Người khuyết tật” vào tháng 6/2010, phê chuẩn “Công ước Quốc tế về người khuyết tật” vào tháng 10/2014.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020” năm 2012 với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Đề án là sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em từ 0 đến 6 tuổi.

Đào tại kỹ thuật viên Ngôn ngữ trị liệu tại Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh.

 

Ở Việt Nam, PHS-CTS được bắt đầu từ những năm 90, được lồng ghép vào chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Bộ Y tế. Năm 2001, can thiệp sớm cũng được đề cập đến trong “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010” của Bộ Giáo dục với mục tiêu hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Từ những năm 2000, nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước như: Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn quốc tế - Mỹ, Tổ chức Tàn tật quốc tế, Tổ chức CRS, Tổ chức Global Civil Sharing, CCIHP, VietHealth... đã phối hợp với các đối tác triển khai chương trình PHS-CTS rải rác ở một số địa bàn tại các tỉnh.

Năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm” được biên soạn công phu với sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về trẻ khuyết tật trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với sự hạn chế về nguồn lực tài chính và con người, các hoạt động về PHS-CTS mới chỉ được thực hiện tại một số địa bàn có sự hỗ trợ của các dự án do các tổ chức quốc tế và trong nước triển khai, với độ bao phủ tương đối thấp, thời gian chưa dài, các dịch vụ can thiệp chưa toàn diện.

Tự xác định vai trò là đối tác hỗ trợ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho trẻ khuyết tật để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật và gia đình, VietHealth triển khai các hoạt động PHS-CTS với các mục tiêu: xây dựng năng lực PHS-CTS cho các địa phương; cung cấp dịch vụ PHS-CTS cho trẻ khuyết tật; truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan, ban ngành các cấp với các hoạt động PHS-CTS; xây dựng tính bền vững của các hoạt động PHS-CTS.

Các hoạt động đào tạo phục vụ cho mục tiêu xây dựng năng lực bao gồm: đào tạo chuyên ngành vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu (ngành phục hồi chức năng) cho các cán bộ y tế; đào tạo về giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập cho các giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo về quản lý ca và chăm sóc trẻ khuyết tật cho cán bộ ngành Lao động thương binh xã hội; tập huấn triển khai Thông tư về xác định khuyết tật cho Hội đồng xác định khuyết tật tuyến xã; tập huấn về giới và phòng tránh xâm hại cho các cán bộ tham gia chương trình... Cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ngành Lao động thương binh và xã hội, Giáo dục và Y tế đem lại hiệu quả cao và toàn diện trong việc chăm sóc, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục đặc biệt, và chế độ chính sách cho trẻ khuyết tật.

Bên cạnh việc tổ chức cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ khuyết tật bởi các cán bộ được đào tạo tại các cơ sở y tế và giáo dục, các phụ huynh cũng được trang bị kiến thức, kỹ năng về PHS-CTS một cách phù hợp và truyền cảm hứng, niềm tin để có thể trực tiếp can thiệp cho trẻ tài nhà, đồng thời phối hợp với các cán bộ chuyên môn tăng cường chất lượng can thiệp và chăm sóc cho trẻ.

Trong suốt thời gian triển khai PHS-CTS, VietHealth đã đào tạo kiến thức và thực hành cho hàng nghìn cán bộ của các ngành Y tế, Giáo dục và Lao động thương binh và xã hội; tiến hành sàng lọc phát triển cho khoảng 300.000 trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6, khám và đánh giá phát triển cho gần 15.000 trẻ để để chẩn đoán và phân loại khuyết tật, cung cấp các dịch vụ can thiệp cho hơn 6.500 trẻ khuyết tật.

Ngoài ra, bằng việc phối hợp hoạt động với các ngành, tham gia các diễn đàn vận động chính sách cấp tỉnh và Trung ương, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, VietHealth đã góp phần chia sẻ và thúc đẩy các thực hành về PHS-CTS được triển khai và lồng ghép vào kế hoạch thường niên của các ngành tại một số tỉnh và thành phố để đạt được mục tiêu về duy trì tính bền vững.

Với sự thay đổi và tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong can thiệp đối với trẻ khuyết tật, VietHealth đang hỗ trợ, đồng hành với Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, phối hợp với các chuyên gia và đối tác rà soát cập nhật lại tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em” của Bộ Y tế.

Một số yếu tố cần được quan tâm, đầu tư, tháo gỡ để hoạt động PHS-CTS có thể phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn bao gồm: sự kỳ thị đối với trẻ khuyết tật và gia đình; nhận thức về tầm quan trọng cũng như các dịch vụ sẵn có về PHS-CTS của gia đình trẻ khuyết tật, các thành viên cộng đồng và xã hội, cơ quan quản lý; sự phối hợp liên ngành các cấp đặc biệt là cấp Trung ương để có thể tạo ra được cơ chế liên kết hiệu quả các hoạt động PHS-CTS của các ngành; chuẩn hóa các công cụ đánh giá cũng như các dịch vụ can thiệp; tăng cường quản lý chất lượng và thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; áp dụng công nghệ; thúc đẩy các dịch vụ kế tiếp sau khi trẻ kết thúc PHS-CTS.

Với các hoạt động về PHS-CTS, VietHealth đã và đang phấn đấu đóng góp vào việc cung cấp dịch vụ và chăm sóc trẻ khuyết tật, để mang lại hy vọng và tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ khuyết tật, gia đình của trẻ, cộng đồng và xã hội.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song