Tạo sự hòa nhập cho trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật

Ngày đăng: 30/07/2019 - 844 lượt đọc

Dự án 'Thay đổi kiến thức, nghiên cứu và hành động thông qua phương pháp tham gia cho trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật tại Việt Nam' (TDKRA) sau thời gian triển khai ba năm (từ năm 2017) tại các địa phương: Quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế); TP Cần Thơ đã thu được những kết quả tích cực.

Những tác động từ dự án đã giúp những trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật trở nên tự tin hơn, sẵn sàng thể hiện quan điểm, chính kiến và mong muốn hòa nhập hơn nữa với xã hội.
“Các em đã lớn lên, các chị đã tự tin hơn”
Đó là nhận định của đại diện Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ khi nói về Dự án TDKRA tại Đối thoại về hòa nhập dưới góc nhìn của trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật Việt Nam do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức sáng 26-7, tại Hà Nội. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do Dự án TDKRA triển khai.

Quang cảnh đối thoại

Sau ba năm Dự án TDKRA được thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, nhiều trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật đã trở nên tự tin hơn, có nhiều đóng góp cho hoạt động của người khuyết tật cũng như dám nêu ra quan điểm, chính kiến của bản thân. Đại diện Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ cho rằng, bản thân trẻ em gái và phụ nữ đã chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội do những định kiến về giới nhưng trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật còn vấp phải rất nhiều rào cản và khó khăn hơn nữa. Hầu như những đối tượng này luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, không dám hòa nhập với cộng đồng. Trẻ em gái thì không dám đến trường, nếu đi học thì cũng khó để xin việc làm, phụ nữ thì không dám nghĩ đến việc lập gia đình, tìm cho mình một tổ ấm riêng.
Khi Dự án TDKRA (một dự án nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu viên hàng đầu từ các trường đại học của Canada và Nam Phi liên kết với tổ chức của người khuyết tật tại Việt Nam) triển khai tới Cần Thơ, các em gái dường như lớn lên với những hiểu biết quan trọng về hòa nhập và các chị là phụ nữ khuyết tật đã tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều.

Các trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân tại đối thoại.

Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, huyện A Lưới là một huyện miền núi, vùng biên, đa số là dân tộc thiểu số sinh sống nên trẻ em và phụ nữ khuyết tật hầu như không có điều kiện, cơ hội để tiếp xúc, tìm hiểu những thông tin hòa nhập vì vậy dự án đã biến những trẻ em, phụ nữ khuyết tật từ những người rất nhút nhát, không dám trình bày ý kiến hay thảo luận giữa đông người trở nên tự tin hơn, sẵn sàng thuyết trình ý tưởng, quan điểm về xây dựng cuộc sống cho người khuyết tật.
Giúp trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật hòa nhập
Những kết quả khả quan mà Dự án TDKRA mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, việc dự án chỉ được triển khai ở ba địa phương khiến cộng đồng người khuyết tật ở nhiều địa phương khác chưa được hưởng lợi. Theo anh Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự án nên tiếp tục triển khai với quy mô rộng, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hoạt động khác như: Y tế, việc làm, sinh kế cho người khuyết tật để tạo sự bền vững.


Tham quan những bức tranh do chính những trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật thực hiện.

Đánh giá cao những lợi ích mà Dự án TDKRA mang lại, theo bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Bắc Từ Liêm, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật vẫn đóng vai trò trung tâm trong mọi dự án hay hoạt động liên quan đến thúc đẩy hòa nhập cho chính đối tượng này. Thêm vào đó, sự liên kết giữa các tổ chức xã hội trong nước với quốc tế, giữa Hội Người khuyết tật các địa phương sẽ tạo ra một cộng đồng lớn để ở đó, trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật có thể tự tin hòa nhập và bước ra xã hội với một tâm thế mới.
Một bức tranh của một em học sinh khuyết tật 12 tuổi được chia sẻ trong cuốn sách hình dung về hòa nhập “Thay đổi kiến thức khuyết tật, nghiên cứu và hành động” do Dự án TDKRA thực hiện đã miêu tả lại một giờ ra chơi khi một số em đang chơi với nhau ở giữa của bức tranh nhưng một số dường như đang bị cô lập. Khi được hỏi về nội dung bức tranh này, tác giả N.Q.P, một em học sinh khuyết tật đã nói: Những điều con muốn nói trong bức tranh là con mong rằng những người bình thường sẽ hòa đồng với những người khuyết tật như con.
Rõ ràng, vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong việc thực hiện hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật-những đối tượng yếu thế. Hy vọng rằng, những góc nhìn và các triển khai mới mẻ của Dự án TDKRA sẽ tiếp tục được nhân rộng, là cơ sở cho việc ra đời nhiều dự án khác về tạo sự hòa nhập cho trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song