Hôm nay, ngày: 26 tháng 11 năm 2018 Tổ chứcHội thảo thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện hiệp ước Marrakesh tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin, tài liệu cho người khuyết tật

Ngày đăng: 26/11/2018 - 1480 lượt đọc

Ngày 20/11, Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện hiệp ước Marrakesh tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin, tài liệu cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, bà Akiko Fujii – Phó Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Natanoot Suwannawut – Hội Người mù Thái Lan, đại diện các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, lãnh đạo TW Hội cùng Hội Người mù 9 Tỉnh, Thành hội phía Bắc và Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù đã đến dự.

          Hiệp ước Marrakesh nhằm tạo điều kiện tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người mù, người kém mắt hoặc người không có khả năng đọc chữ in cung cấp khung pháp lý cho phép tạo, phân phối và trao đổi xuyên biên giới các tác phẩm ở định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi, âm thanh, sách điện tử hoặc bản in chữ lớn dành cho người không có khả năng đọc chữ in. Đây cũng là văn kiện pháp lí hiệu quả góp phần thúc đẩy việc thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật đã được nước ta phê chuẩn vào năm 2015.

Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo này, đại diện UNDP, bà Akiko Fujii phát biểu: Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thông qua và tham giá Hiệp ước Marrakesh thực hiện mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là cơ hội tuyệt vời chúng ta kỉ niệm ngày 3/12, tạo điều kiện để trao quyền cho NKT để họ được tiếp cận toàn diện và công bằng thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ, đáp ứng quyền cơ bản của NKT. Hội thảo cũng là bước quan trọng trong việc thúc đẩy tiến tới Việt Nam ký kết và tham gia vào hiệp ước ý nghĩa này”.

Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quá trình vận động, thúc đẩy phê chuẩn và ký kết hiệp ước, Tiến sĩ Natanoot Suwannawut đến từ Hội Người mù Thái Lan cho biết: Quá trình vận động, thuyết phục qua các sự kiện, hội thảo, hội nghị của Hội Người mù, Ủy ban quốc gia về trao quyền cho NKT Thái Lan được thực hiện trong 2 năm. Trước hết là sửa đổi đạo luật bản quyền được thông qua năm 1994, chương trình nghị sự được gửi và thông qua tại cuộc họp nội các; trình luật sở hữu trí tuệ mới, Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập hiệp ước.

Ngay từ đầu giai đoạn vận động và suốt quá trình thuyết phục, Hội Người mù Thái Lan sẽ tham gia với tư cách là thành viên chủ chốt. Ngoài ra, việc phê chuẩn hiệp ước tại Ấn Độ, Mông Cổ cũng có những cách thức, thuận lợi và khó khăn riêng biệt. Các nước đã tiến hành nhiều hoạt động như: tăng cường truyền thông, thành lập thư viện online, chính phủ cấp  máy đọc Daisy miễn phí, nâng cao năng lực in chữ nổi, tăng cường tập huấn CNTT và điện thoại thông minh; hoặc tổ chức các sự kiện nhân ngày cây gậy trắng với chủ đề về quyền được đọc, viết của người mù.

Chia sẻ về các bước chiến lược thúc đẩy phê chuẩn hiệp ước, Tiến sĩ Natanoot Suwannawut cho biết:“Cần hiểu rõ cơ chế thực hiện trong nước và xây dựng chiến lược riêng mình với sự giúp đỡ của UNDP và các tổ chức khác, tham gia vào việc sửa đổi các văn bản luật để phù hợp với hiệp ước. Hội Người mù cần tham gia vào quá trình ra quyết định. Tham vấn cơ quan cao cấp rằng không hề có tác động tiêu cực nào đối với an ninh và lợi ích quốc gia; Tuyên truyền qua các kênh truyền thông chính thống và nhấn mạnh rằng hiệp ước có vai trò quan trọng với quốc gia chứ không chỉ riêng người mù. Kết hợp chiến dịch với các hoạt động khác của đất nước liên quan đến công ước quốc tế về quyền của NKT…”

Nhiều đại biểu từ các Bộ, ban ngành đã đến dự vào phát biểu ý kiến 

Với tư cách là 1 trong 3 đơn vị tham gia tổ chức hội thảo, Hội Người mù Việt nam đã gửi đến tham luận về thực trạng tiếp cận thông tin và tài liệu của người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in tại Việt Nam.

          Theo đó, hiện nay, ngoài những thuận lợi và kết quả đã đạt được như chính sách, văn bản pháp luật về người khuyết tật dần được hoàn thiện và chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng; các Bộ, ngành, cấp hội, các trung tâm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, in ấn sách giáo khoa, tài liệu chữ nổi, sách nói, sách in chữ lớn,  phát triển CNTT... hỗ trợ việc học tập, tìm hiểu của người mù thì vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Luật chỉ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố chuyển đổi sang chữ nổi và ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì không phải xin phép mà chưa đề cập vấn đề này với đối tượng khác.

          Ngoài ra, số lượng sách báo, tài liệu in chữ nổi còn rất hạn chế. Lượng sách giáo khoa chữ nổi cấp Tiểu học chỉ đáp ứng 50% , sách THPT và THCS còn ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Đại diện Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội đưa ra một số kiến nghị và giải pháp: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng phê chuẩn hiệp ước Marrakesh đồng thời điều chỉnh quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với nội dung của hiệp ước; khảo sát, nắm bắt thực trạng và nhu cầu của NKT trong việc tiếp cận sách báo, tài liệu; có chính sách khuyến khích kêu gọi chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm tạo thuận lợi cho NKT tiếp cận thông tin tài liệu; nâng cao trình độ văn hóa, tin học cho NKT; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền, khả năng và nhu cầu tiếp cận tài liệu của NKT; xây dựng cơ sở dữ liệu thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin, tài liệu để các tổ chức và NKT có thể truy cập, sử dụng nguồn sách báo, tài liệu…

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đại diện các tổ chức: Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội … đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc ký kết, tham gia vào bản hiệp ước ý nghĩa này. Đồng thời đóng góp một số ý kiến để thúc đẩy quá trình ký kết như tăng cường công tác truyền thông đại chúng, kêu gọi các ban ngành, tổ chức tham gia, hợp tác, hỗ trợ.

Hiệp ước Marrakesh  được ký tại Marrakesh, Maroc vào tháng 6/2013, có hiệu lực từ 30/9/2016. Hiện đã có 45 bên ký kết bao gồm 70 quốc gia. Tại Châu Á, các nước đã tham gia hiệp ước gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Singapore và Srilanka. Theo số liệu được cung cấp của Tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2014 và của Hiệp hội người mù thế giới WBU năm 2013 trên thế giới có 285 triệu người khiếm thị, trong đó có 39 triệu người mù và 90% sống tại các nước đang phát triển. Việc phê chuẩn và thực hiện hiệp ước có ý nghĩa rất quan trọng đối với người khiếm thị nói riêng và cộng đồng người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in nói chung.

                                                                                                                                                                                        Theo Đời Mới

                                                                                                                                                                                      Nguyễn Triệu (st)