Gặp nữ giám đốc doanh nghiệp cao chưa đầy mét

Ngày đăng: 01/11/2019 - 1008 lượt đọc

Không chấp nhận đầu hàng trước số phận, mà nỗ lực học hành, chăm chỉ làm ăn và mở doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động, chị Nguyễn Thị Thu Hiền tự nhận thức rằng: Nếu không vượt qua rào cản sẽ bị 'khuyết tật' về mọi mặt trong suốt một kiếp người.

Bà Đinh Thị Hợp luôn luôn đồng hành cùng con gái - Chủ doanh nghiệp Suri Nguyễn Thị Thu Hiền.

Nỗ lực tự vươn lên

Sinh ra trong một gia đình có ba chị em, Nguyễn Thị Thu Hiền, trú phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là chị cả, nhưng ngay khi cất tiếng khóc chào đời, chị đã phải đối diện với số phận nghiệt ngã khi bản thân mắc phải căn bệnh còi xương tuyến yên. Nhờ sự nỗ lực chăm sóc, chạy chữa khắp nơi của cha mẹ cùng sự cố gắng của bản thân, tới tuổi trưởng thành, chị Hiền mới đạt được chiều cao 88 cm và nặng 22,5 kg. Đối diện người phụ nữ khuyết tật là chủ một doanh nghiệp và nghe chị kể về hành trang bước vào đời, tôi càng thêm khâm phục chị hơn. Bởi ẩn chứa sau vẻ ngoài khiêm tốn ấy là một người phụ nữ giàu nghị lực, vượt lên số phận, không chỉ tự nuôi sống chính bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người khác.

Ông trời không lấy của ai tất cả. Ngược với thân hình khiếm khuyết, chị Hiền có đôi mắt hiền hậu, khối óc khá thông minh, được bạn bè đồng trang lứa quý mến giúp chị hòa đồng ngay từ những bước chân chập chững đầu tiên khi tới trường tìm kiếm con chữ. Nhận thức rõ hoàn cảnh của mình không có sức khỏe, nên từ những ngày còn bé, chị đã xác định nếu mình không học thì không làm được gì cả. Hơn nữa, chị ngẫm ra rằng, mình không học thì bạn bè và mọi người sẽ vẫn học, không làm thì mọi người vẫn làm và như thế càng tụt hậu so với mặt bằng chung. Chị không muốn phải đón nhận sự thương hại của những người xung quanh. Chị tâm sự: “Tôi luôn có suy nghĩ mình chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời. Nếu bản thân cứ mãi nghĩ đến sự khuyết tật bẩm sinh mà tự ti, không phấn đấu thì suốt đời không vươn lên được. Người khuyết tật không vượt qua rào cản này thì càng tăng thêm gánh nặng cho xã hội mà thôi”. Do vậy, chị Hiền luôn nỗ lực với mục đích tự giúp chính bản thân để mọi người thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Song, để thực hiện được mong ước, hoài bão, phấn đấu vươn lên, chị Hiền gặp không ít khó khăn, có những lúc tưởng như chẳng thể nào vượt qua được. Nhưng chị luôn xác định mục tiêu và không cho phép mình lùi bước. “Người thân luôn bên cạnh, thầy cô luôn động viên, bạn bè luôn sẵn sàng giúp đỡ; họ trao gửi yêu thương, giúp tôi tăng thêm niềm tin vào cuộc sống. Chính vì thế, tôi càng phải cố gắng hơn để đáp lại sự kỳ vọng của mọi người. Có những lúc gặp bế tắc nhưng tôi luôn xác định, mình mệt thì nghỉ ngơi, mỏi thì dừng chân chứ không bỏ cuộc, không đầu hàng bởi nếu buông xuôi sẽ mất tất cả” - chị Hiền chia sẻ.

Bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi, chị Hiền đã tự trang bị cho mình các kiến thức cần thiết làm hành trang bước vào đời. Năm 2004, chị Hiền tốt nghiệp Trường ĐH Lao động xã hội. Có tấm bằng trong tay, chị trở về quê hương, nhận báo cáo của các doanh nghiệp tư nhân về kê khai thuế hàng tháng, kiếm kế sinh nhai. Chưa bằng lòng với những gì đã có, cuối năm 2004, chị lại một lần nữa đặt ra quyết tâm và thi đậu vào ngành Tài chính kế toán của Trường ĐH Vinh. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2008, có trong tay 2 tấm bằng đại học, chị tiếp tục công việc của mình, phần tự nuôi sống bản thân, phần góp sức giúp đỡ cha mẹ nuôi các em ăn học.

Đừng nhìn vào sự khác biệt bề ngoài

Từ kiến thức lĩnh hội tại hai trường đại học, cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm trong thời đi làm công cho các doanh nghiệp, chị Hiền luôn trăn trở với mong muốn lập cho mình một sự nghiệp riêng. Chị cho rằng, không có gì là không thể, để rồi vào năm 2010, chị đi đến quyết định thành lập doanh nghiệp lấy tên là Suri, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Doanh nghiệp Suri của nữ giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền chuyên sản xuất các đồ bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá, vận tải, san lấp mặt bằng và dịch vụ thể thao giải trí. Có thể khẳng định, ngành nghề chị kinh doanh chả mới mẻ gì nếu không muốn nói đã có nhiều đơn vị đã đi trước, đón đầu.

Song bằng sự chịu khó, nhiệt tình trong công việc, chị từng bước xây dựng được mối quan hệ khách hàng mật thiết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ chị trong việc tiêu thụ sản phẩm. Người phụ nữ kém may mắn so với bạn bè cùng trang lứa nhớ lại: “Do đi lại hạn chế nên việc mở rộng phát triển thị trường đối với doanh nghiệp của tôi cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, cũng có những đối tác còn nghi ngại, liệu sản phẩm của người khuyết tật có “khuyết tật” không. Nhưng phần đông các đối tác ủng hộ nhiệt tình khiến tôi càng phải cố gắng nhiều hơn để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, giao hàng đúng hẹn, không làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc của họ. Nhờ đó, công việc ngày càng thêm nhiều lên, giúp doanh nghiệp Suri phát triển bền vững”.

Cũng theo chị Hiền, hiện nay công ty Suri đang tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động chính. Doanh thu hàng năm của Suri trung bình đạt hơn 5 tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập cho cá nhân chị hàng tỷ đồng/ năm. Chị bày tỏ: “Mong muốn của mình là tìm một ngành nào đó có chiều sâu, bền vững chứ không vì sự thông cảm mà khách hàng đến với mình. Mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của người khuyết tật, đừng nhìn vào sự khác biệt vẻ bề ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng đang trăn trở, tìm ngành nghề phù hợp hơn để tạo thêm công ăn, việc làm dành riêng cho người khuyết tật”.

Bà Đinh Thị Hợp (mẹ chị Hiền), chia sẻ: Suốt 12 năm học phổ thông và 7 năm học đại học, bố mẹ phải bố trí công việc để đưa đón chị Hiền. “Cháu sinh ra không được may mắn nên vợ chồng tôi cố gắng lo cho con được bằng bạn, bằng bè. Cha mẹ luôn đóng vai trò là hậu phương vững chắc để Hiền nhìn thẳng về phía trước”. Thương con thiệt thòi, nhưng ông bà Hợp lại phấn khởi vì chị Hiền rất lạc quan, yêu đời. Gia đình luôn động viên để chị cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Bà Hợp không chỉ là người mẹ mà còn đóng vai trò như một người bạn luôn đồng hành, giúp con trong cuộc sống.

Vừa bận rộn với những hóa đơn, chứng từ thanh toán, chị Nguyễn Thị Thu Hiền vừa trò chuyện: Trước đây đi học, chính sách chưa được như bây giờ, mọi cái gần như phải tự lực. Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản, định kiến cả hữu hình và vô hình. Trong suy nghĩ của nhiều người thì người khuyết tật học để làm gì, như người bình thường còn chả làm được nói gì người khuyết tật. Chị nói: “Tôi mong muốn mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của người khuyết tật chứ đừng nhìn vào sự khác biệt của vẻ bề ngoài. Với tôi, cuộc sống như một tấm gương soi, mình chỉ nhận được kết quả tốt đẹp khi mình mỉm cười”.

Tôi nghĩ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cũng chính là tấm gương soi để chúng ta, những người khỏe mạnh bình thường soi vào, tự rút ra điều gì đó cho bản thân mình. Mọi sự cố gắng rồi sẽ được đền đáp, được tôn trọng và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chị Nguyễn Thị Thu Hiền còn tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật, Chủ nhiệm CLB thanh niên - sinh viên khuyết tật của tỉnh Thanh Hóa. Cá nhân chị cũng đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, địa phương như: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Bằng khen của Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam, Bằng khen của Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Bằng khen của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là nữ khuyết tật đầu tiên trong cả nước được nhận giải thưởng KOVA. Chủ doanh nghiệp Suri là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam”...


Nguồn: Báo Mới
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song