Hỗ trợ sinh kế phù hợp tạo việc làm cho 1.000 người khuyết tật

Ngày đăng: 27/04/2021 - 831 lượt đọc

Đó là mục tiêu của Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2030, nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng và vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố giai đoạn 2021-2030.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và trợ giúp người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân và vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

UBND TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ trẻ em khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập hoặc chuyên biệt đạt 90%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật đạt 100%.

UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố giai đoạn 2021-2030. 

Tỷ lệ hộ gia đình có người khuyết tật thuộc hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà cấp 4 xuống cấp hư hỏng nặng được hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở đạt 100%.

Số người khuyết tật có nhu cầu và đủ điểu kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế phù hợp để tự tạo việc làm đạt 1.000 người.

Tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về trợ giúp tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương đạt 50%.

Tỷ lệ người khuyết tật được tập huấn kỹ năng sống đạt 50%. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau đạt 100%. Tỷ lệ người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp luật khi có nhu cầu đạt 100%.

Trong lĩnh vực tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng, Đà Nẵng đề ra mục tiêu 100% các công trình công cộng xây dựng mới, cải tạo sửa chữa là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, các công trình văn hóa, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm và hướng dẫn thực hiện các chính sách liên quan đến công tác bảo trợ xã hội cho người khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật của các sở ngành, hội, đoàn thể, địa phương, đội ngũ nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên tại cộng đồng.

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song