Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp (Ninh Bình): Triển khai mô hình phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí

Ngày đăng: 29/07/2021 - 1078 lượt đọc

Nhiều năm qua Bệnh viện chỉnh hình (CH) và phục hồi chức năng (PHCN) Tam Điệp đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho hàng ngàn lượt người là các đối tượng chính sách; phẫu thuật chỉnh hình cho hàng ngàn ca là người khuyết tật, người bị tai nạn; chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện không ngừng được nâng lên. Mới đây bệnh viện được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí”. Đề án được xem là bước ngoặt, giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có cơ hội được tư vấn và điều trị.

Bác sĩ Vũ Văn Trình cùng ê kíp mổ, mổ xử lý giò kéo dài bàn chân cho bệnh nhân.

Thực trạng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí

Hiện nay, do áp lực của cuộc sống, áp lực của kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng người tâm thần và rối nhiều tâm trí có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại các khu vực thành thị. Theo số liệu rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2010 là 5.430 người tâm thần. Trong đó, tâm thần phân liệt có 2.407 người (chiếm 45,5%), rối loạn tâm thần 1.900 người (chiếm 32,1%), còn lại là các loại đối tượng tâm thần khác. Người tâm thần trong diện hộ nghèo là hơn 2.700 người (chiếm hơn 48% số người bị tâm thần); có 410 người tâm thần được chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Số lượng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí gia tăng, có nhiều nguyên nhân khác nhau như: bạo lực học đường, các sang chấn tâm lý lứa tuổi thanh, thiếu niên, quấy rối tình dục vị thành niên, trầm cảm ở phụ nữ có thai và nuôi có nhỏ đang có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế của gia đình và cộng đồng, người có bệnh tâm thần thường bị đối xử phân biệt và chưa thực sự nhận được sự quan tâm của xã hội. Một số người bị cộng đồng kỳ thị và được xem là gánh nặng của gia đình và xã hội…Vì vậy, phần lớn người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường không thừa nhận các rối loạn tâm thần mà họ mắc phải, một số người sau khi điều trị ổn định về sinh sống tại cộng đồng đã xin trở lại các trung tâm điều dưỡng người tâm thần, hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội vì không thể hòa nhập cộng đồng bởi sự phân biệt và kỳ thị. Thêm vào đó, việc điều trị tâm thần, rối nhiều tâm trí đòi hỏi thời gian kéo dài và kiên trì, một số gia đình có người tâm thần điều trị tại bệnh viện gặp khó khăn về tài chính, thậm chí khánh kiệt về tài chính, không thể điều trị tiếp cho người bệnh rồi bỏ cuộc…Các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình cũng dự báo, đến năm 2020, ước tính số người tâm thần và rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh này khoảng gần 19.750 người. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, khẩn trương vào cuộc, đưa ra các giải pháp. 

Trước thực trạng trên, ngày 7/11/2018, UBND tỉnh Ninh bình đã có Quyết định số 1461/QĐ-UBND về việc Phê duyệt "Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp".

Rối nhiễu tâm trí, bệnh nguy hiểm không nên coi nhẹ

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, rối nhiễu tâm lý là hiện tượng biểu thị tình trạng lệch lạc về sức khỏe tâm thần, thường xảy ra ở lứa tuổi học đường. Đây là căn bệnh có nhiều dấu hiệu phức tạp, diễn biến trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến các kết quả chẩn đoán, dễ nhầm lẫn sang các bệnh thực thể khác hoặc bị bỏ qua. Khi người mắc đang ở thể nhẹ thường không có dấu hiệu, triệu chứng cụ thể, như nhức đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, lo lắng quá mức, giảm trí nhớ... Còn khi đã chuyển sang giai đoạn nặng, các triệu chứng trên thể hiện rõ rệt hơn, thường xuyên hơn, ảnh hưởng lớn đến những sinh hoạt hằng ngày, nhất là vấn đề học tập của học sinh. Ở giai đoạn này, nếu vẫn chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng hốt, dần dần xa lánh bạn bè, người thân kèm theo các ý nghĩ cực đoan.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, rối nhiễu tâm lý đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho con người. Tổ chức này cũng dự báo hiện tượng này sẽ tăng từ 12% (1999) lên đến 20% (2020). Trẻ em và phụ nữ trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ là những đối tượng dễ mắc nhất. Một nghiên cứu mới đây của RTCCD, cho thấy có đến 20% trẻ em ở độ tuổi lớp 2, lớp 3 (7-8 tuổi) bị rối nhiễu tâm lý, cứ 5 bà mẹ nuôi con nhỏ thì có 1 người được chẩn đoán là rối nhiễu tâm lý. Rối nhiễu tâm trí đang là mối đe dọa sức khỏe của người dân, hầu hết bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại các bệnh viện khi bệnh đã điển hình, phát hiện muộn. Hơn nữa, ngành y đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ bác sĩ tâm thần ở các tuyến, đặc biệt tuyến huyện và tuyến xã đã gây nên rất nhiều khó khăn cho công tác khám và điều trị.

Triển khai có hiệu quả mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí

Theo Đề án "Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp" đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt, Đề án nhằm thực hiện việc can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; mặt khác giúp cho các gia đình phát hiện sớm người thân bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời, tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời. Theo Đề án mà UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt, đối tượng trị liệu sẽ là trẻ em có những biểu hiện về rối loạn phát triển thần kinh như: Khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rồi loạn tăng động giảm chú ý; Trẻ em rối loạn stress sau sang trấn tâm lý, là nạn nhân của sự xâm hại bạo lực gia đình và học đường; Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ huynh của trẻ khuyết tật; Người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao tâm thần.

Trước nhiệm vụ mà UBND tỉnh Ninh Bình giao, ông Vũ Văn Trình, Giám đốc Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp cho hay: "Việc UBND tỉnh Phê duyệt "Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp là niềm vinh dự, nhưng cũng là trọng trách lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, trang bị về kiến thức, kỹ năng trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tinh thần cho đối tượng và gia đình đối tượng trong việc phát hiện, ngăn ngừa can thiệp và điều trị rối nhiễu tâm trí tại gia đình và cộng đồng. Bệnh viện sẽ tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội để bảo vệ, trợ giúp đối tượng tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc phù hợp. Bệnh viện sẽ tư vấn, điều trị rối nhiễu tâm trí cho đối tượng tại gia đình, cộng đồng, giúp đối tượng tái hòa nhập sau thời gian điều trị".

Như vậy, ngoài chức năng chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật, người bị tai nạn… Bệnh viện CH và PHCN Tam Điệp sẽ có thêm nhiệm vụ phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Nguồn: baodansinh.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận