Những 'cấm kỵ' khi uống nước mía, biết mà tránh kẻo sinh bệnh

Ngày đăng: 13/11/2019 - 905 lượt đọc

Mặc dù nước mía rất tốt cho sức khỏe và đem lại nhiều lợi ích nhưng những người này không nên uống nước mía vì sẽ gây hại cho cơ thể.


Ảnh minh họa: Internet

Trong nước mía có thành phần chủ yếu là đường saccaro, ngoài ra còn chứa nhiều can-xi, crôm, côban, đồng, magiê, mangan, phốtpho, kali và kẽm. Bên cạnh đó, nước mía còn cung cấp sắt và vitamin A, C, B1, B2, B3, B5, B6 cùng với khá nhiều các phytonutrient, chất chống ôxy hóa, protein và chất xơ hòa tan khác cần thiết cho cơ thể.
Các chất dinh dưỡng này giúp làm khỏe thận, bao tử, mắt, tim, đường ruột và các cơ quan sinh dục. Nó cũng giúp làm giảm các cholesterol xấu do đó phòng chống bệnh ung thư, cân bằng lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường, giảm sốt, giảm cân, thanh lọc thận cùng nhiều bệnh lý khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do là thức uống siêu ngọt nên nước mía lại tối kỵ đối với những đối tượng như: người già, trẻ em dưới 4 tuổi, người thừa cân béo phì, đặc biệt người bị bệnh tiểu đường. Đối với người có thể trạng bình thường, mặc dù uống nước mía khá tốt song nếu uống với số lượng nhiều, triền miên sẽ không tránh khỏi việc tăng cân.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên uống loại nước này với số lượng vừa phải, không dùng trong thời gian kéo dài.

Không được uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc
Chất policosanol có trong nước mía giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía. Bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, khiến công dụng của nó trở nên vô nghĩa.

Người có đường ruột yếu, hay đầy bụng, đi lỏng không được uống nước mía thường xuyên
Nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên đối với người có đường ruột yếu, hay đầy bụng và đi lỏng thì không nên sử dụng nước mía thường xuyên. Cũng chính vì hàm lượng đường cao nên uống quá nhiều nước mía sẽ dẫn đến béo phì vì dư thừa năng lượng.

Không uống khi muốn giảm cân
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đường chiếm 70% lượng dinh dưỡng trong nước mía, còn lại là chất béo, đạm và bột. Vì vậy, nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ gây tăng cân, béo phì. Những người đang muốn giảm cân và người có nguy cơ bị tiểu đường cũng không nên uống nước mía.

Không dùng nhiều khi mang thai
Để giảm cảm giác nghén, nhiều bà bầu thường chọn mía làm món ăn vặt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm rất nhiều chất từ các nguồn thực phẩm khác nhau, trong khi thành phần cơ bản của nước mía là đường. Nếu nạp quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.

Nguy cơ gây ung thư
Đối với những máy ép mía không đảm bảo vệ sinh, ngoài việc làm nước mía có màu đục, chất lượng kém, còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đến sức khỏe. Trong máy ép sẽ có những kim loại nặng tích tụ có thể sẽ gây độc tính và nguy hiểm hơn là tiềm ẩn khả năng gây ung thư rất cao.

Dễ bị nhiễm khuẩn
Khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước thường không đảm bảo sạch sẽ, nên nước mía có thể dễ dàng nhiễm khuẩn, ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa
Một hệ lụy tất yếu của việc sử dụng nước mía kém vệ sinh thường xuyên chính là ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Cho dù một số người khỏe mạnh hơn, không bị hoặc ít khi bị đau bụng, tiêu chảy do uống nước mía bẩn, nhưng như thế không có nghĩa là không bị ảnh hưởng. Những chất bẩn và các vi khuẩn trong đó vẫn có thể tích tụ và gây hại cho hệ tiêu hóa. Nó có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh cho dạ dày và hệ tiêu hóa bất cứ lúc nào.

Nguồn: 24h.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song