Thời tiết nắng nóng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh sốc nhiệt

Ngày đăng: 20/05/2019 - 1042 lượt đọc

Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở cả 3 miền với chỉ số UV rất cao có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Vì vậy, việc phòng tránh sốc nhiệt là vô cùng quan trọng.

Những ngày qua, Hà Nội và toàn miền Bắc đang gánh chịu hình thái thời tiết vô cùng khắc nghiệt do nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ.
Theo các chuyên gia, nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ai cũng có thể  bị sốc nhiệt nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ.
Theo BS.CK2. Trần Đắc Nguyên Anh-Phó khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2, sốc nhiệt xảy ra khi trẻ ở trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài, nhất là khi trẻ không được cung cấp đủ nước và mặc nhiều quần áo. Tình trạng này thường gặp khi trẻ chơi dưới trời nắng nóng, đi bộ dưới trời nắng gắt, chơi thể thao trong phòng quá nóng và không thông thoáng.
Đôi lúc, cha mẹ để trẻ chờ trong xe ôtô để dưới trời nắng vì nghĩ rằng mình đi một tí sẽ quay lại ngay (vào siêu thị mua một món hàng nào đó chẳng hạn) nhưng thời gian đi lại lâu hơn mình dự kiến. Lúc quay lại thì đã xảy ra chuyện (lúc này nhiệt độ trong xe có thể > 50°C). Sốc nhiệt là tình trạng đe dọa tính mạng khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao (> 40°C). Sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể. Đây là một tình trạng cấp cứu.

Thời tiết nắng nóng đề phòng sốc nhiệt.

Làm thế nào nhận biết trẻ bị sốc nhiệt?
Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, kiệt sức. Nếu trẻ lớn hơn thì có thể bị chuột rút ở chân hoặc lưng.
Hầu hết các bé kiệt sức vì nóng sẽ có các triệu chứng sau đây:
- Nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao >39,5°C (phải đo nhiệt độ hậu môn) hoặc cao hơn nhưng không đổ mồ hôi; Da nóng, đỏ, khô; Nhịp tim nhanh; Bồn chồn; Lú lẫn, mất định hướng; Chóng mặt; Nhức đầu; Nôn; Thở nhanh; Hôn mê

Phụ huynh phải làm gì khi trẻ bị sốc nhiệt?
Cần đưa trẻ ra khỏi ngay môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo. Đắp khăn mát cho trẻ hoặc xối nước lên người trẻ. Cho trẻ uống nước (không có cồn, caffeine hoặc chất kích thích) nếu trẻ có thể uống được. Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh và không thở. Cho trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ vẫn không khỏe.

Một số biện pháp phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ:
- Không hoạt động lâu trong thời tiết quá nóng.
- Uống đủ nước (uống nhiều lần trong quá trình hoạt động, không uống một lúc. Nhớ mang theo đủ nước khi đi xa phòng trường hợp kẹt xe dưới trời nắng).
- Mặc áo quần thông thoáng, sáng màu.

Thanh niên cũng “gục” vì say nắng
 Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), nắng nóng tác động đến sức khoẻ rất nhiều. Nắng nóng không chỉ làm trẻ em, người già đổ bệnh mà ngay cả những thanh niên cũng “gục” vì say nắng, có trường hợp xuất huyết màng não vì nắng nóng, thậm chí tử vong. Năm nào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu.
 Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hoá nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt, đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.
 Những biện pháp chống sốc nhiệt hiệu quả được khuyến cáo là tránh làm việc ngoài trời nắng thời điểm gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. 
Hãy luôn uống thật nhiều nước, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, lại thiếu các phương tiện chống nắng cần thiết, không bù đủ nước so với lượng mồ hôi mất ra sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.
 Ngoài ra, để phòng say nắng khi ra ngoài nắng cần mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi, có mũ che đỉnh đầu, che kín gáy. Với những người có đặc thù công việc phải thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý.

Nguồn: suckhoedoisong.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song