Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ III và Hội nghị tổng kết 30 năm chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm

Ngày đăng: 12/09/2022 - 1136 lượt đọc

Trong 2 ngày 07 và 08/9, tại Thành phố biển xinh đẹp và năng động Đà Nẵng, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ III và Hội nghị tổng kết 30 năm chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm

Toàn cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; đại diện các Sở, ban ngành, UBMTTQ thành phố Đà Nẵng cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn TW Hội, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, các tỉnh thành hội và 75 thí sinh đến từ 43 tỉnh thành hội trong toàn quốc.


Toàn cảnh Hội thi

Được tổ chức từ năm 2017, định kỳ 2 năm một lần Hội thi Tay nghề Tẩm quất xoa bóp đã trở thành ngày hội sinh hoạt chuyên môn nghề nghiệp của những người khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt. Với mục đích nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ kỹ thuật viên khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt, tìm kiếm và tôn vinh những kỹ thuật viên vững về kiến thức, có tay nghề xuất sắc. Đồng thời Hội thi cũng là sân chơi lành mạnh và bổ ích để những kỹ thuật viên khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt có điều kiện được giao lưu, học hỏi, củng cố kiến thức, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, Trưởng Ban Giám Khảo Hội thi Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thi

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thi, Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, Trưởng Ban Giám khảo Hội thi cho biết: Hội thi Tay nghề Tẩm quất xoa bóp là sân chơi bổ ích cho những người khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt rèn luyện phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình. Hội thi cũng là cơ hội cho các cơ sở tẩm quất xoa bóp của các tỉnh thành hội đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề, lựa chọn được những kỹ thuật viên có tay nghề giỏi tham dự vòng chung kết Hội thi tay nghề toàn quốc. Đồng thời Hội thi cũng là cơ hội để chúng ta tuyên truyền hình ảnh về khả năng học nghề, hành nghề của các kỹ thuật viên là người hỏng mắt trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với tư cách là một đơn vị chuyên môn của Hội Người mù Việt Nam, khi nhận nhiệm vụ, Trung tâm đã phối hợp với Ban Lao động sản xuất, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trong việc ban hành quy chế xây dựng những văn bản có liên quan, cũng như xây dựng đề cương phần thi lý thuyết và những nội dung thi thực hành cũng như quy trình của Hội thi để giúp các thí sinh khi tham dự vòng thi chung kết lần thứ III được thuận lợi nhất.
Để Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp lần thứ III diễn ra thành công tốt đẹp, Thạc sĩ Phạm Xuân Trường đề nghị Ban Giám khảo, Ban Thư ký, các tiểu ban và toàn thể thí sinh tham dự thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế của Hội thi. Đặc biệt, các thí sinh cần cố gắng phát huy năng lực, sở trường, kỹ năng nghề nghiệp và tính sáng tạo để hoàn thành bài thi với kết quả cao nhất.


Bàn thi lý thuyết

Theo đó, Hội thi sẽ diễn ra với hai hình thức là thi lý thuyết và thi thực hành, trong phần thi thực hành, các thí sinh sẽ phải trải qua 3 bàn thi, mỗi bàn tương ứng với một quy trình kĩ thuật khác nhau bao gồm: Bàn 1: Thực hành xoa bóp bấm huyệt vùng đầu, cổ, gáy và chi trên. Bàn 2: Thực hành xoa bóp bấm huyệt vùng lưng. Bàn 3: Thực hành xoa bóp bấm huyệt vùng chi dưới, mặt trước và mặt sau.


Bàn thi thực hành phần đầu, cổ, gáy, chi trên

Nhằm đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc công bằng cho cuộc thi, mỗi phần thi sẽ được chấm bởi một giám khảo và một thư kí giám khảo khác nhau. Điểm kết quả sẽ là tổng điểm cộng của các bàn thi và sắp xếp giải từ cao xuống thấp.

Lễ Tổng kết và Trao giải sẽ diễn ra vào lúc 7h tối ngày 08/09.


Bàn thi thực hành vùng chi dưới, mặt trước, mặt sau

Cũng trong khuôn khổ chương trình, tại Hội nghị Tổng kết 30 năm chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá việc tổ chức thực hiện, hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.


Toàn cảnh hội trường Hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 30 năm qua, chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã được Hội Người mù Việt Nam triển khai nghiêm túc, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Nhiều cơ sở sản xuất đã ra đời tạo thêm việc làm cho người mù. Hội viên và gia đình hội viên được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể, trong 30 năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã được Nhà nước giao cho quản lý số tiền 51.651.460.000 đồng, xây dựng 8.412 dựa án, cho 94.176 lượt hộ vay, thu hút 82.628 lao động, triển khai tại 51 tỉnh, thành hội, cho 400 quận huyện, thị hội vay, doanh số cho vay đạt hàng trăm tỷ đồng.
Một số hình ảnh tại Hội thi:

Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tỉnh thành hội tham dự Hội nghị

Các thí sinh ngồi bên ngoài phòng thi chờ Ban Tổ chức gọi tên theo danh sách

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thi tham gia giao lưu cùng các thí sinh

Thành viên Ban Giám khảo tham gia giao lưu cùng các thí sinh

Giao lưu tay nghề giữa các thí sinh của các đơn vị

Phạm Mai


Bình luận

Viết bình luận