9X mồ côi mở tiệm bánh mì thịt 0 đồng mong người nghèo được ăn no bụng

Ngày đăng: 27/11/2019 - 902 lượt đọc

Chàng trai mồ côi mở tiệm bánh mì giá... 0 đồng giữa lòng TP.Đà Nẵng giúp đỡ người bán vé số, xe ôm, người nhặt ve chai… và xem đó là cách để báo hiếu vì ba mẹ đã khuất.


Chăm lo bữa ăn cho cô, chú những người lao động nghèo, Vĩnh lại nhớ ba mẹ đã khuất
ẢNH: HUY ĐẠT

Giữa tháng 11.2019, những người hành nghề bán vé số, xe ôm, lượm ve chai… tại trung tâm TP.Đà Nẵng truyền tai nhau về tiệm bánh mì đặc biệt giá bán 0 đồng  của nhóm bạn đa phần là sinh viên.
Tiệm bánh mì đặc biệt nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Gia Tự (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Dưới cơn mưa bất chợt của tiết trời giao mùa, anh Đào Văn Vĩnh (27 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) cùng các bạn sinh viên đang tất bật chuẩn bị cho “bữa ăn 0 đồng”.

Chủ tiệm bánh mì 0 đồng là trẻ mồ côi
Giữa tiếng nói nói, cười cười trong căn nhà trọ số 117/10 đường Ngô Gia Tự (TP. Đà Nẵng), với đôi bàn tay thoăn thoắt của những người trẻ, hàng trăm ổ bánh mì nóng giòn lần lượt được đưa ra khỏi lò nướng. Vừa cắt miếng thịt thơm phức, Vĩnh cho biết bản thân mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sinh ra ở tỉnh Thừa Thiên –Huế nhưng lại lớn lên ở tỉnh Quảng Nam. Mất mẹ từ bé nên những việc nội trợ Vĩnh đều làm được.
Vĩnh kể còn nhớ ngày mẹ mất Vĩnh vừa tròn 9 tuổi. Những ngày tháng tuổi thơ vất vả trong cảnh bố Vĩnh gà trống nuôi con, giúp Vĩnh thấu hiểu nỗi cực nhọc của người lao động ở miền quê Quảng Nam.


Chủ tiệm bánh mì 0 đồng là Đào Văn Vĩnh, chàng trai trẻ mồ côi cha lẫn mẹ ẢNH: HUY ĐẠT

Số phận lại một lần nữa tàn nhẫn với Vĩnh, bước vào năm học lớp 12 thì căn bệnh ung thư cũng đã cướp đi bố Vĩnh mãi mãi. Bốn chị em Vĩnh chỉ còn biết tự mình vượt lên số phận bất hạnh.
Rời quê nhà, chàng trai 18 tuổi cùng chị gái không một xu dính túi, tìm đường ra Đà Nẵng để nhập học Trường cao đẳng Thương mại (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng).
“Vừa học, vừa đi làm thêm, tôi làm tất cả những công việc để có tiền trang trải chi phí ở thành phố, cùng chị gái nuôi 2 đứa em nhỏ. Đến lúc nộp học phí, không có tiền, tôi đã nghĩ phải dừng lại việc học. Thế nhưng, ngày đó tôi nhận được sự giúp đỡ từ chú Tuấn Mập – Sài Gòn, thông qua một người hoạt động từ thiện ở quê nhà. Tôi không biết chú Tuấn là ai hết, chỉ nghe cô chú nói chú hoạt động trong lĩnh vực ăn uống. Số tiền 10 triệu đồng đó đã cứu tương lai của 4 chị em…”, Vĩnh tâm sự.


Bữa ăn 0 đồng gồm bánh mì thịt chả kèm 1 hộp sữa

 Trong suốt thời gian là sinh viên, Vĩnh luôn tham gia những hoạt động từ thiện của trường và ấp ủ những dự định từ thiện của riêng mình. Vĩnh kể, sau khi ra trường, Vĩnh cùng một số người thân tổ chức các chương trình từ thiện. Món quà mà Vĩnh mang đến cho người nghèo là những bữa cơm, bánh mì và sữa.
“Trước đây tôi cùng vài người quen, mở tiệm cơm 2.000 đồng phục vụ người nghèo, quán duy trì được gần một năm nhưng do yếu tố công việc không cho phép về mặt thời gian. Nên gần đây, cả nhóm quyết định chuyển sang bán bánh mì và sữa giá 0 đồng cho người nghèo”, Vĩnh nói.


Vĩnh cho biết các cô, chú đến ăn trưa tại tiệm đa phần là người ngoại tỉnh, xa quê ra Đà Nẵng thuê trọ để ở, mưu sinh bằng những công việc rất vất vả  ẢNH: HUY ĐẠT

 

Cô vé số, chú xe ôm... mọi người vui vẻ rủ nhau đến ăn trưa tại tiệm bánh mì

Cũng theo Vĩnh, gọi là tiệm bánh mì và bán với giá 0 đồng bởi vì mong muốn những người nghèo vui vẻ khi được giúp đỡ, giúp họ không khỏi mặt cảm vì ở đây bán chứ không xin. Bản thân có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay cũng chính từ sự giúp đỡ thầm lặng của mạnh thường quân.
Đến nay, mở tiệm bánh mì cũng chỉ muốn chia sẻ những lo toan trong cuộc sống với những người nghèo. “Ngày trước, ai cho em một bữa ăn để có sức bước lên giảng đường, em đều nhớ như in cái cảm giác đó… Hạnh phúc, vui vẻ và đặc biệt là yên lòng. Số tiền ăn đó có thể chi tiêu vào việc khác”, Vĩnh nói.

'Như đang báo hiếu cha mẹ'
Cũng như quán cơm 2.000 đồng, khi tiệm bánh mì khai trương, Vĩnh may mắn được nhiều bạn tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học đến giúp đỡ. Thường ngày, có khoảng từ 4 - 5 bạn sinh viên có mặt từ mờ sáng để giúp Vĩnh trong việc chế biến thịt, chả… để trao tận tay những người nghèo.
Theo Vĩnh, thức dậy từ sáng sớm, Vĩnh ra chợ mua thực phẩm cần thiết, sau đó các bạn sinh viên sẽ đến phụ giúp vào lúc 7 giờ sáng hằng ngày. Đến 8 giờ 30 phút cho đến 9 giờ thì tiệm bánh mì bắt đầu hoạt động đến khi bán hết 150 - 200 suất bánh mì kèm sữa.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hiền (22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết, là sinh viên năm cuối, đang trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp nên Hiền sắp xếp công việc nhà để hằng ngày có thể đến bán bánh mì ở tiệm bánh mì 0 đồng.
“Tham gia hoạt động hiến máu cứu người, bản thân nhận thấy cuộc sống là sự sẻ chia giữa con người với con người. Em phục vụ từ thiện tại đây từ lúc tiệm cơm 2.000 đồng còn hoạt động, đến nay thì vẫn thường xuyên đến để phụ giúp mọi người chung tay trao những bữa ăn ấm áp đến người nghèo”, Hiền nói.
Bị tật ở chân trái, khi trái gió trở trời thường xuyên đau ê ẩm, thế nhưng hằng ngày ông Lê Văn An (69 tuổi, trú Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) vẫn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Nhận bánh mì cùng hộp sữa từ các bạn tình nguyện viên, ông An khen bánh mì ở đây ngon, vừa miệng.
Ông An cho biết kết thúc chuyến xe ôm tại khu vực trung tâm, trưa về tranh thủ ghé vào tiệm bánh mì 0 đồng để nhận bánh mì ăn qua bữa trưa. “Bữa ăn miễn phí đã giúp người lao động như chúng tôi bớt phần nào những lo toan hằng ngày. Cảm ơn những bạn trẻ…”, ông An nói.
Bà Nguyễn Thị Phấn (63 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết bà cùng vài người ở miền quê ra TP.Đà Nẵng để thuê trọ để ở và mưu sinh bằng nghề bán vé số. Trên đường đi bán vé số, đến giờ trưa, bà Phấn tranh thủ ghé vào tiệm bánh mì để nhận bữa ăn trưa cho các chị em.
“Tôi đi bán gần đây, nên ghé qua nhận bánh mì và sữa cho 3 người nữa, họ đi bán ở khu vực khác. Nhận bánh mì xong tôi di chuyển lên gần công viên 29 tháng 3 rồi mọi người cùng ăn. Vào thứ 2, 4, 6 thì nhận cơm miễn phí, những ngày còn lại chúng tôi đều ăn ở đây (tiệm bánh mì)”, bà Phấn tâm sự.


Nhóm tình nguyện viên là các bạn sinh viên đã hỗ trợ, giúp đỡ Vĩnh rất nhiều trong việc chuẩn bị bữa ăn gồm bánh mì và sữa

 

Theo Vĩnh, mỗi ngày quán phục vụ hơn 150 suất bánh mì kèm sữa, nếu như đến 15 giờ, khi những người lao động nghèo dường như đã quay trở lại công việc, thì các tình nguyện viên sẽ đưa bánh mì vào lò nướng. Sau đó, mang đến Bệnh viện Đà Nẵng để trao tận tay những bệnh nhân, người nuôi bệnh phục vụ bữa ăn nửa chiều của những người ở đây.
Nói về hoạt động thiện nguyện trong tương lai, Vĩnh cho biết từ khi bắt đầu hoạt động, cả nhóm tự bỏ kinh phí chứ không gọi vận động. Thế nhưng, đã có nhiều người xuất phát từ tâm đã đến ủng hộ. Nhóm cũng chỉ nhận hiện vật như bánh mì, thịt, sữa, nước…  và trao tận tay người nghèo ngay chứ không nhận tiền.
“Khi được chăm lo cho bữa ăn của các cô chú, thấy cô chú vui vẻ thì trong lòng lại nhớ ba mẹ. Nhiều anh chị cũng là người mồ côi cha mẹ, tự thân nỗ lực mưu sinh kiếm sống. May được trời thương, cuộc sống đỡ vất vả nên quay lại giúp người khó khăn bằng "bánh mì 0 đồng", nhất là những người đáng tuổi cha mẹ mình, như một sự báo hiếu đối với đấng sinh thành đã khuất…”, Vĩnh tâm sự.

Nguồn: thanhnien.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song