'Bước chân con chậm, nhưng nếu không có mẹ, con chỉ đứng im thôi'

Ngày đăng: 20/10/2020 - 894 lượt đọc

Ngày bé Tú Anh hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ đẻ ra con mắt như thế này?”. Đôi mắt của con chẳng thể nhìn rõ nhưng người mẹ không chấp nhận đầu hàng số phận, luôn nắm chặt tay đưa đường dẫn lối cho con.

Trời thu Hà Nội, mưa lạnh trút xuống, lớp cửa kính ở căn nhà E6 khu tập thể Thành Công mờ đục trong màn mưa. Phía trong căn nhà, chị Lê Thị Thủy (49 tuổi) cần mẫn đưa chiếc kéo lên từng thớ vải, cạnh chị là cô con gái Vũ Tú Anh (26 tuổi) tay thoăn thoắt luồn từng cây kim mũi chỉ.

Chốc chốc, Tú Anh gí đôi mắt sát vào khung vải để nhìn rõ hơn các chi tiết xung quanh, chị Thủy buông vội cây kéo rồi nhanh chóng xếp lại ngay ngắn các hộp đựng hạt cườm gần con gái nhất có thể.

Tú Anh không thể nhìn rõ mọi vật do mắc dị tật mắt từ khi còn nhỏ - ẢNH: HÀ THANH

Có mẹ, có con, chúng ta cùng đi!

Tú Anh bị dị tật mắt bẩm sinh. Sinh con ra thấy con bị tật mắt lác, mẹ cô nghĩ sau này con lớn lên sẽ hết. 6 tháng con bị sốt cao, người mẹ nhìn thấy rõ hạt trắng trong mắt con.

Hoảng hốt, chị đưa con đến Bệnh viện Mắt trung ương, bác sĩ kết luận: con có dị tật mắt bẩm sinh, rung giật nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ, đục thủy tinh thể. Bác sĩ can thiệp mổ ngay.

Trải qua hai lần mổ đầu tiên, rồi thêm hai đợt can thiệp sau đó, nhưng đến nay thị lực một bên mắt là 1/30, một mắt 1/60. Mắt con kém nhưng chị Thủy nói con còn may mắn hơn nhiều người, còn có thể nhìn được dù chỉ một chút ít, với khoảng cách vài mét con có thể di chuyển được.

"Mẹ ơi, sao mẹ đẻ ra con mắt như thế này?". Chị Thủy vẫn chẳng thể nào quên được câu hỏi ngày bé của con gái. Chị chẳng biết trả lời con ra sao, chị quyết tâm tìm giải pháp tốt nhất.

Để giúp Tú Anh hòa nhập với cộng đồng, chị đưa con đi học chữ ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Mới đầu con còn học chữ sáng, sau thấy con đánh vật với chữ sáng nên thầy cô quyết định chuyển con sang học chữ nổi. Đến năm Tú Anh lên cấp III, chị đưa con đi học một trường hòa nhập ở Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội).

Biết con có thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa, chị Thúy luôn ở cạnh giúp con vượt qua khó khăn. Chị động viên con: "Con còn may mắn hơn rất nhiều các bạn khác là có đủ bố mẹ chăm sóc con, đôi mắt của con vẫn còn có thể nhìn được. Bên ngoài kia rất nhiều người thiệt thòi hơn nhưng là tấm gương tự vươn lên từ khó khăn và rất thành công. Không có lý do gì mà con không thể thành công".

Nhưng để tiếp cận chương trình học ở môi trường hòa nhập là cả chặng đường gian nan. Tú Anh được xếp ngồi bàn đầu, cũng chẳng thể nào nhìn được bảng. Viết không đuổi kịp bạn bè, em toàn phải mượn vở bạn chép. Đi thi, phải mất gấp đôi thời gian mới đọc xong đề, hầu như chẳng bao giờ em làm được hết bài thi.

"Hồi nhỏ, mình nhớ có khoảng thời gian mình hơi u uất. Mình mong mắt chỉ cần sáng hơn một tí thôi là nhìn được bảng rồi. Rất nhiều người trong giới mình được nhìn được bảng, còn mình thì không được", Tú Anh bộc bạch.

Mới đầu có khó khăn nhưng rồi Tú Anh học cách vượt qua rào cản. Ngày trước em chỉ thích ở nhà trong không gian an toàn, nay có mẹ thúc đẩy nắm chặt tay giúp em bước ra hòa nhập với xã hội.

Suốt 26 năm qua nhờ sự động viên của mẹ, sự dìu dắt của thầy cô, Tú Anh đã hoàn thành xong chương trình THPT. 

Thợ thủ công của mẹ

Suốt 30 năm gắn bó với thời trang áo dài, chị Thủy tạo dựng một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Chị nhận ra, Tú Anh - con gái chị - ngoài gương mặt thanh tú, đôi tay còn rất khéo léo, em có thể tự tạo hình bằng giấy rất đẹp.

Tú Anh ngoài gương mặt thanh tú, đôi tay còn rất khéo léo, em có thể tự tạo hình bằng giấy rất đẹp - ẢNH: HÀ THANH

"Con sẽ là thợ thủ công của mẹ", chị nghĩ.

Nghĩ là bắt tay vào làm, với mỗi chiếc áo dài có phần đính kết rất tinh xảo, chị giao lại việc đó cho Tú Anh. Mỗi ngày chị "đặt hàng" Tú Anh một chiếc áo dài, hướng dẫn cho em đính kết như thế nào.

Mỗi ngày dạy cho con gái một chút, dần dần Tú Anh đã trở thành "nhân công" của mẹ, phụ trách đính kết cho những chiếc áo dài do mẹ thiết kế.

"Mình đính theo hướng dẫn của mẹ. Khi đính tầm 30 phút đến một giờ, mình phải đứng dậy đi lại, tập mắt cho đỡ mỏi mới làm tiếp.

Nếu không có hàng, mình tự tìm kiếm ảnh trên mạng tự tay mày mò những sản phẩm mình thích thú, kiếm hạt đính kết sản phẩm. Mình rất thích tặng quà cho bạn bè", Tú Anh cười nói.

Mới đây Tú Anh tham gia chương trình Nữ chiến binh cùng cộng đồng khuyết tật. Sắp tới mẹ cô dự định động viên tham gia chương trình Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.

"Nếu Tú Anh trước đây là một cô bé tự ti, rụt rè thì giờ đây, tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên khi thấy Tú Anh đã thay đổi, mạnh dạn hơn rất nhiều", chị Thủy tự hào nói.

Khi hỏi Tú Anh muốn gửi lời gì đến mẹ nhân ngày 20-10, cô xúc động: "Có thể con không như người bình thường khác, họ đi bình thường, rất nhanh nhưng chắc con chỉ đi từ từ được thôi. Nếu không có mẹ, chắc con chỉ đứng im thôi, có mẹ thúc đẩy thì con mới đi được".

Chị Thủy ngồi bên cạnh khích lệ: "Không sao, con cứ tiến lên phía trước là được".

Tú Anh còn là "người mẫu" riêng của mẹ để thử những thiết kế áo dài - ẢNH: HÀ THANH

Nguồn:tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Bình