Cần thiết kế đô thị nhân văn với người khuyết tật

Ngày đăng: 09/08/2021 - 826 lượt đọc

Để người khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, có thể tiếp cận được các không gian công cộng, chúng ta cần quan tâm đến các giải pháp thiết kế sau: Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị. Bãi để ô tô, xe máy phải bố trí chỗ để xe dành riêng cho người khuyết tật tại các vị trí thuận tiện nhất…

Ngày 6/8 đã diễn ra tọa đàm trực tuyến "Thành phố tiếp cận với người khuyết tật: Xây dựng và Giao thông". Đây là một trong các hoạt động của Nhóm Chuyên ngành Hòa nhập người khuyết tật của Cựu sinh Australia do chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn Nhân lực (Aus4Skills) tổ chức và điều phối. 

Mục đích tọa đàm nhằm chia sẻ các góc nhìn của người khuyết tật về tính tiếp cận của thành phố nơi họ sống và làm việc, từ đó cùng góp tiếng nói của người khuyết tật với cộng đồng và các nhà làm chính sách về niềm mong mỏi tính tiếp cận của các đô thị ngày càng được cải thiện.

Ông Michael Sadlon - Giám đốc Aus4Skills - phát biểu

Tại tọa đàm, ông Michael Sadlon - Giám đốc Aus4Skills nhấn mạnh, hỗ trợ người khuyết tật là một trong những ưu tiên của Chính phủ Australia. Người khuyết tật hằng ngày phải trải qua những thách thức về tiếp cận ở các thành phố. Cần lắng nghe những chia sẻ về các rào cản vật chất trong môi trường đô thị cản trở người khuyết tật tiếp cận với giáo dục, cơ hội việc làm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; ngăn cản sự đóng góp và tham gia vào xã hội của họ. Điều này làm gia tăng cả chi phí xã hội lẫn kinh tế. Cần nâng cao nhận thức và vận động cho sự thay đổi và thúc đẩy  tinh thần "Thành phố cho mọi người" vì các vấn đề này cũng tác động đến người già và các bậc cha mẹ có con nhỏ.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ lệ người khuyết tật chiếm 7% dân số Việt Nam, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật.

Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (DP Hanoi), Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam (VFD) đã chia sẻ về giao thông tiếp cận từ góc độ của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội. Theo bà Vân, sự cam kết thực hiện giao thông tiếp cận ở Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ trong các văn bản pháp lý. Bộ Giao thông Vận tải ban hành Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát (hay giao thông cho mọi người) đối với hệ thống giao thông. Và theo quy định của Bộ Xây dựng, các công trình như trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm, chợ, trung tâm ăn uống, công trình công cộng… phải xây dựng lối đi riêng cho người khuyết tật (NKT). Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị. Các lối lên xuống có thay đổi độ cao phải thiết kế đường dốc theo tiêu chuẩn. Bãi để ô tô, xe máy phải  bố trí chỗ để xe dành riêng cho người khuyết tật tại các vị trí thuận tiện nhất…

Thực tế đã có nhiều thay đổi tiến bộ: Nhiều người khuyết tật ra đường để tham gia giao thông hơn trước. Họ đi học, đi làm, đi khám chữa bệnh, tham gia thể thao, văn hoá văn nghệ, vui chơi giải trí, tham gia đóng góp sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh, thành phố, địa phương...

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Một đô thị nhân văn phải được thiết kế thân thiện với người khuyết tật. Nhiều thành phố đã cải tạo một số tuyến đường và vỉa hè tiếp cận được cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập. Có chỗ đường dẫn với gạch (tấm lát) định hướng khi đổi hướng không có gạch (tấm lát) cảnh báo, có chỗ gạch dẫn hướng xuống lòng đường hoặc gốc cây... mà ko có gạch cảnh báo. Bên cạnh đó, đa số các vỉa hè người dân, cơ quan, đơn vị phải tự tạo ra những lối lên bằng tấm xi măng, vài viên  gạch, tấm sắt đan... để phương tiện (xe máy, xe nôi, xe ba bánh...) có thể lên xuống được vỉa hè. Do đó, rất cần tiêu chuẩn xây dựng đường và hè phố phù hợp thực tế và các giải pháp sáng tạo. Tất cả hãy cùng nhau hành động, đồng hành cùng sự hòa nhập của người khuyết tật, làm cho thành phố thân thiện với tất cả mọi người, mọi công dân.

TS Võ Thị Hoàng Yến - Người sáng lập và là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người Khuyết tật (DRD) - nhấn mạnh đến việc thúc đẩy một thành phố hy vọng thì cần thực hiện đúng đầy đủ các quy chuẩn tiếp cận và quyền của người khuyết tật. Cần nâng cao nhận thức để thay đổi suy nghĩ của những người xây dựng chính sách, xây dựng công trình, dự án... Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận động chính sách để thực thi vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Đây là một quá trình rất dài và đòi hỏi bản thân mỗi người khuyết tật phải tự đấu tranh cho bản thân mình để đại diện cho từng dạng khuyết tật, sau đó kết hợp với các tổ chức đại diện của người khuyết tật.

Nguồn: phunuvietnam.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


 


Bình luận

Viết bình luận