Chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật

Ngày đăng: 09/03/2022 - 825 lượt đọc

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 40 nghìn người khuyết tật, trong đó hơn 40% là phụ nữ. Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Chị em phụ nữ trong CLB Khuyết tật Bắc Ninh hưởng ứng tuần lễ áo dài nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 (Ảnh tư liệu).

Tự lực vươn lên
Bị khuyết tật từ nhỏ, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chị Đỗ Thị Huế (xã Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn) không phó mặc cho số phận. Không chỉ vươn lên tự tạo lập cuộc sống, chị còn đứng ra thành lập CLB Khuyết tật Bắc Ninh là cầu nối tập hợp những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ, trợ giúp lẫn nhau. Thấu hiểu những khó khăn của phụ nữ khuyết tật, chị dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động trợ giúp chị em trong CLB, thay đổi nhận thức của cộng đồng và chính bản thân những phụ nữ khuyết tật, giúp họ tự tin trong cuộc sống.
“NKT nói chung vốn chịu nhiều thiệt thòi, NKT là nữ giới lại càng gặp nhiều khó khăn bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong một bộ phận dân cư. Chỉ riêng trong CLB Khuyết tật Bắc Ninh có hơn 20 NKT nữ thì phần lớn đều không lập gia đình hoặc làm mẹ đơn thân. Hoàn cảnh của các chị em đa phần rất khó khăn. Không chỉ vất vả mưu sinh, họ ít có cơ hội được học tập hay tham gia vào các hoạt động xã hội. Hiểu biết hạn chế khiến phụ nữ khuyết tật tự ti, không biết cách tự bảo vệ bản thân, dễ bị lợi dụng, lừa gạt…”, chị Đỗ Thị Huế cho hay.
Với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và Tổ chức Cựu sinh viên Úc, chị Huế có cơ hội được tham gia dự án về thúc đẩy quyền của phụ nữ khuyết tật. Từ những kiến thức học hỏi được chị triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong CLB như: Tổ chức các buổi gặp mặt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày phụ nữ Việt Nam (20-10), hỗ trợ chị em may và mặc áo dài hưởng ứng tuần lễ áo dài Việt Nam; tham gia may khẩu trang vải ủng hộ địa phương phòng chống COVID-19; may áo ấm tặng trẻ em vùng cao… Những việc làm tưởng chừng đơn giản với phụ nữ bình thường nhưng với phụ nữ khuyết tật có ý nghĩa lớn lao. Qua đó, phụ nữ khuyết tật được lồng ghép tuyên truyền về Luật Người khuyết tật; Luật Bình đẳng giới; chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật…
Chị Nguyễn Thị Sự, thành viên CLB chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ, khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội, tôi tự thấy tự tin hơn, lần đầu tiên khoác lên mình tà áo dài, đặt chân đến những vùng đất mới, đóng góp công sức vào các hoạt động chung. Đặc biệt, cách nhìn nhận, ứng xử của xã hội có ý nghĩa quan trọng tiếp thêm động lực để chị em phụ nữ khuyết tật phấn đấu, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên khẳng định bản thân, hòa nhập cộng đồng”.
Cần tăng cường các chính sách trợ giúp
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8 triệu NKT từ 5 tuổi trở lên, trong đó hơn 4 triệu người là phụ nữ và 1,2 triệu trẻ em gái. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 40 nghìn người khuyết tật, trong đó có hơn 40% là phụ nữ. Chia sẻ với những khó khăn của người khuyết tật, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo, bảo đảm 100% NKT nặng đều được trợ cấp thường xuyên. Công tác tuyên truyền cũng được các sở, ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với NKT..
Riêng với đối tượng phụ nữ khuyết tật, các chính sách trợ giúp còn được thực hiện qua nhiều cấp hội, đoàn thể địa phương như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ; chú trọng việc dạy nghề, hỗ trợ tín dụng, sinh kế, chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên do những định kiến, rào cản về giới trong cộng đồng mà nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội phát triển cá nhân, hạn chế trong tiếp xúc xã hội, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân…
Bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho rằng: “Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật luôn là những đối tượng có nguy cơ bị phân biệt đối xử, dễ bị lạm dụng, các quyền của họ ít được quan tâm và đảm bảo. Để giúp họ vượt qua mặc cảm tự ti, vươn lên tự tạo lập cuộc sống cần nhiều hơn nữa sự chung tay của người dân cùng các cấp ngành   thay đổi các định kiến giới ăn sâu trong xã hội, tăng cơ hội để họ được học tập, nâng cao học vấn, đào tạo nghề và việc làm”.
Một trong những nội dung quan trọng các chương trình, đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 là tăng cường phối kết hợp liên ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan tăng cường triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật (lồng ghép trong các chính sách chung về phòng chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái); tổ chức nhiều diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, kiến thức, kinh nghiệm cho phụ nữ khuyết tật; tăng cường đào tạo, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch định hướng tư vấn việc làm, ưu tiên phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp…
Hơn tất cả, động lực lớn nhất để NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng vươn lên là sự cảm thông, sẻ chia, động viên của cộng đồng, những người xung quanh. Sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện trong môi trường thân thiện, hòa nhập sẽ là tiền đề để phụ nữ khuyết tật tự tin khẳng định giá trị bản thân, tự lập trong cuộc sống và đóng góp thiết thực cho xã hội.

Nguồn: baobacninh.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận