Chống dịch virus corona, có thể cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần

Ngày đăng: 06/02/2020 - 717 lượt đọc

Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1 diễn ra chiều nay 5-2 trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona gây ra đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đã làm triệt để và phân cấp rõ, không để qua lại và lây lan dịch bệnh. Những nơi có học sinh nghỉ học cũng phải đảm bảo tuyệt đối cho học sinh, có thể cho nghỉ thêm 1-2 tuần để đảm bảo 100% trường học phải vệ sinh khử trùng.

Miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ năm 2020. Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận công tác phòng chống dịch, các phương án đối phó, đánh giá tác động của dịch tới tăng trưởng kinh tế, công tác xây dựng luật, pháp lệnh…

Theo đó, công tác phòng chống dịch đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ với nhiều giải pháp, là lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch sau khi có thông báo và quyết định của Bộ Y tế về dịch và đã có nhiều địa phương công bố dịch.

Nhiều biện pháp áp dụng được thực hiện cao hơn so với dịch SARS năm 2003, cao hơn mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.

"Chúng ta thực hiện việc kiểm soát dịch với các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, vĩ mô, vi mô, xử lý cụ thể có. Chúng ta vừa phòng chống dịch nhưng cũng phải thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng", bộ trưởng cho rằng Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất nếu không làm tốt công tác phòng chống vì có hơn 1.000km đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều đường mòn lối mở, lao động hai nước làm việc, khách du lịch qua lại.

"Nếu ta chủ quan, khinh suất thì sẽ gánh hậu quả khôn lường. Các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang".

Bộ trưởng cũng cho biết Thủ tướng nhận định dịch tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống người dân, vấn đề đầu tư, thương mại và du lịch, làm giảm mức tăng trưởng kinh tế so với chỉ tiêu dự kiến.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu khống chế dịch trong quý 1 thì tăng trưởng năm 2020 là 6,27%, khống chế dịch trong quý 2 thì tăng trưởng là 6,09% - đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8%, cần có giải pháp bù đắp thua thiệt, không ảnh hưởng tăng trưởng.

Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, coi việc phòng chống dịch là ưu tiên nên tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Các trưởng ngành, người đứng đầu địa phương phải nhận diện đúng khó khăn thách thức và đề xuất giải pháp phòng ngừa, hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2020 như Tổng bí thư nêu là phải thắng lợi hơn, toàn diện hơn.

Công tác chống dịch cũng phát sinh các vấn đề liên quan đối ngoại, nên Thủ tướng nhấn mạnh phải rất cẩn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.

Chính phủ khẳng định nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng phát triển bền vững, dù khó khăn nhưng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Vận dụng linh hoạt chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời bất lợi, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tập trung giảm giá thịt heo về mức bình thường, theo dõi biến động giá thị trường để có giải pháp, hạn chế tăng bất thường giá cả.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan ở biên giới, chuyển hàng và chuyển xe ngay tại cửa khẩu.

Chính phủ cũng thống nhất cao là miễn thuế nhập khẩu với khẩu trang y tế và nguyên liệu sản xuất khẩu trang, miễn thuế nhập khẩu với nước khử trùng phòng chống dịch.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời tại họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG

Cách ly là cách hữu hiệu nhất

Phòng chống dịch virus corona là vấn đề được các cơ quan truyền thông quan tâm nhất, đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề cách ly người nghi nhiễm, xử lý những người đưa thông tin sai lệch, trong đó người dân bình thường thì bị xử lý rất nhanh và nghiêm mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân... thì xử lý kéo dài, chậm trễ...

* Báo Tuổi Trẻ: Nhiều chính phủ các nước đã công bố các giải pháp, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vậy Chính phủ sẽ có biện pháp gì?

Hiện Chính phủ đang thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân, đưa công dân từ các vùng dịch về nước, việc này đang được thực hiện cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Long - phó Ban Tuyên giáo trung ương, thứ trưởng Bộ Y tế: Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng nhanh chóng từ Trung Quốc, biện pháp cách ly là hiệu quả, hữu hiệu ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Ta cách ly 3 vòng, cụ thể với người dân nghi nhiễm bệnh cách ly ngay tại cơ sở y tế; với công dân, người nước ngoài đi từ hoặc đi qua vùng Hồ Bắc về Việt Nam thì lập tức được cách ly tại các cơ sở do UBND tỉnh, TP chỉ định, chuẩn bị cho việc cách ly tập trung; với những người đi từ các vùng khác của Trung Quốc về thì lập tức cách ly tại gia đình.

Năm 2003 dịch SARS phòng chống thành công là do thực hiện hiệu quả việc cách ly, nên nếu thực hiện kiên quyết việc này sẽ đảm bảo hiệu quả.

Chưa tính tới gói hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Hiện mức độ ảnh hưởng của dịch tới kinh tế là rất nghiêm trọng. 

Bộ KH-ĐT kiến nghị 2 giải pháp rõ ràng: Bối cảnh dịch thì tập trung ưu tiên, dành sức lực và nguồn lực để tập trung chống dịch; và có giải pháp khắc phục thiệt hại cho sản xuất kinh doanh. Gói hỗ trợ là phương án cần tính đến nhưng cần phụ thuộc vào nguồn lực. 

Những đối tượng chịu thiệt hại hiện nay là nông dân trồng thanh long, dưa hấu...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng Dũng thì nhấn mạnh phải nhìn tổng thể và thời điểm này chưa đặt vấn đề này. Khi dịch bùng phát mạnh hơn thì mới tính đến và đảm bảo chỉ số lạm phát, vĩ mô, nên cân nhắc kỹ lưỡng. Các nước như vậy nhưng ta chưa đến mức như vậy.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VIỆT DŨNG

Không đưa nông sản lên biên giới, để tiêu thụ nội địa

Trả lời câu hỏi về tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết đã phối hợp với Bộ Công thương bàn giải pháp để tháo gỡ. Đến trưa nay đã thông quan hàng hóa, tuân thủ đúng quy định người Trung Quốc sang cách ly 14 ngày.

Về giải pháp, trước mắt là không chuyển hàng lên biên giới mà tập trung tiêu thụ nội địa, tăng chế biến và tạm trữ kho lạnh. "Tuần tới bộ trưởng đi kiểm tra việc cơ cấu sản xuất và tái cơ cấu lại sản xuất để giải quyết kịp thời", ông Tiến nói.

Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cũng cho rằng dịch này ảnh hưởng thương mại không chỉ thị trường Trung Quốc mà cả thị trường thứ ba. Đơn cử như dệt may xuất nhiều sang EU và Mỹ nhưng lại nhập nhiều từ Trung Quốc. Do đó, dịch này tác động trực tiếp, gián tiếp kể cả biên giới và nội địa, nên Bộ Công thương đã tăng cường giải pháp trong ngành.

Chính phủ đã có công văn tiếp tục xuất nhập khẩu qua biên giới nhằm tạo thuận lợi thương mại, không làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, tạo cho sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Nhưng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, liên kết tiêu thụ nội địa để không quá phụ thuộc vào một thị trường.

Người bị phạt vì tung tin giả nhiều hơn người nhiễm bệnh thật

Trả lời câu hỏi về việc xử lý đối với những cá nhân tung tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV, ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) - cho biết đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý các nghệ sĩ đăng tin sai sự thật về dịch bệnh.

Việc xử phạt được thực hiện quyết liệt, như tại Hà Nội triệu tập 1 đối tượng, TP.HCM là 17 trường hợp, Thanh Hóa 3 đối tượng, Đà Nẵng 2 trường hợp, Quảng Ninh 1 trường hợp, Cần Thơ 1 cá nhân, Thái Nguyên 2 đối tượng…

Cơ quan chức năng không chỉ chờ các cá nhân tung tin giả mới xử lý mà chủ động phối hợp với trang mạng xã hội để gỡ thông tin giả do các cá nhân tung từ nước ngoài. Facebook, Google cũng sắp có trang thông tin chính thống về dịch bệnh…

Cho biết thêm về việc xử lý những người loan báo tin sai sự thật về dịch bệnh, ông Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết thời gian qua đã triệu tập hơn 170 đối tượng, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính viễn thông, loan tin đồn sai sự thật, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Hiện đang tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện để xử lý hình sự khi đủ điều kiện, tránh gây hoang mang cho dư luận.


Ông Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bố trí thêm sân bay đón công dân từ vùng dịch về

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về các biện pháp bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Hiện có 24 công dân và 3 người nhà trong vùng dịch Vũ Hán, 19 người có nguyện vọng trở về Việt Nam. Thủ tướng giao cơ quan chức năng tổ chức đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước, cách ly tập trung 14 ngày, giao Bộ Quốc phòng đảm bảo điều kiện về ăn, ngủ, nghỉ, cung cấp thông tin.

"Sẽ bố trí sân bay tại Vân Đồn và sân bay ở miền Trung, miền Nam. Giải pháp để cách ly tuyệt đối. Còn với công dân ta sang nước bạn làm việc có nguyện vọng về thì giao cho các tỉnh biên giới. Thực hiện cách ly tập trung nhưng phải phối hợp với Bộ Y tế để không ra khỏi khu cách ly và cộng đồng xung quanh. Đây là chủ trương lớn và Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - khẳng định mục tiêu sức khỏe là trên hết nên đã thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong phòng chống dịch. Theo đó, việc nghỉ học và cho đi học phải xuất phát từ tình hình dịch, chủ tịch UBND tỉnh, TP sẽ quyết định việc cho đi học lại.

Hiện nay 63 tỉnh, TP đã cho học sinh nghỉ học, đồng thời nâng cao nhận thức của giáo viên để chuẩn bị điều kiện tốt hơn, vệ sinh sạch sẽ trường lớp, tăng cường trang thiết bị y tế tại trường.

Các kịch bản phòng chống dịch cũng được đưa ra như học sinh phải rửa tay trước khi vào lớp, đeo khẩu trang khi vào lớp ở vùng có dịch.

Thời gian nghỉ là 1 tuần, có thể học bù. Trường hợp đặc biệt nếu kéo dài thì bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, kết thúc muộn hơn ngày 31-5, điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia...

Thị trường chứng khoán đã giảm điểm sâu và đang hồi phục

Bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết trong 2 phiên giao dịch đầu tiên ngày 30 và 31-1, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh mất gần 45 điểm, tương đương 4,54%, do sau kỳ nghỉ tết kéo dài và phần nào do tâm lý dịch bệnh. Mức giảm này là tương đương với nhiều nước và thấp hơn so với một số nước phát hiện các ca nhiễm bệnh. Từ tháng 2 thị trường thu hẹp đà giảm, đến ngày 4-2 sắc xanh đã trở lại.

Bà Mai cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán tích cực tuyên truyền và thông tin tới nhà đầu tư, giám sát chặt chẽ thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán, xử lý nghiêm việc tung tin đồn...

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Ngọc Song