Cô gái khiếm thị trở thành á khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Ngày đăng: 28/10/2019 - 1003 lượt đọc

Dù hai mắt không nhìn thấy gì và học chậm 9 năm, Nguyễn Thị Hồng (31 tuổi) vẫn tốt nghiệp đại học sau 3,5 năm với điểm tổng kết 3,71/4.

"Mời mọi người vào đây uống nước chè?", vừa nói, Hồng vừa bước lên bậc thềm của Trung tâm Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người mù trẻ Hà Nội (21B Lạc Trung, Hai Bà Trưng). Cô gái nhỏ nhắn trong chiếc váy liền màu trắng - đen kéo ghế rồi rót nước mời khách, nhanh nhẹn và thành thục đến mức không ít người bất ngờ khi biết Hồng khiếm thị. 
"Ở đây quen rồi nên thế, chứ giờ ra ngoài đường thì mệt lắm", Hồng cười, vuốt mái tóc đen dài ngang lưng, ám chỉ việc cũng gặp khó khăn khi đi lại ở những địa điểm không quen thuộc.


Nguyễn Thị Hồng tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người mù trẻ Hà Hội. Ảnh: Thanh Hằng.

Sinh năm 1988, Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) lớn lên với đôi mắt sáng. Năm 2002 khi 14 tuổi, Hồng bị vật cứng đâm vào mắt khi đang chơi đùa cùng bạn. Vết thương nặng khiến mắt phải của Hồng hỏng nhãn cầu và tê liệt dây thần kinh, gây ảnh hưởng đến mắt trái.
Được gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương, Hồng trở về nhà với mắt phải là giả, mắt trái thị lực chỉ còn 1/10. Hồng khi đó vẫn có thể hoàn thành những công việc vệ sinh cá nhân hàng ngày dù mắt trái chỉ nhìn được lờ mờ như trời miền Bắc kín sương buổi sớm.
"Lúc đó mình chỉ thấy buồn vì không được đi học và đọc truyện tranh nữa thôi chứ vẫn chưa ý thức rõ được tai nạn này nghiêm trọng như thế nào với cuộc đời mình sau này", Hồng nhớ lại câu chuyện của 17 năm trước.
Sự lạc quan và vô tư của Hồng không kéo dài được lâu khi hàng xóm xì xào "Bị như thế mà còn cười được". Cô dần thấy sợ và khép mình, chỉ ở trong nhà và hay chui vào một góc để khóc, không cho ai biết.
Năm 2006, dịch đau mắt đỏ lớn nhất trong 5 năm ở miền Bắc đã lấy nốt chút ánh sáng ít ỏi từ mắt trái của Hồng, khiến cô không thể phân biệt ngày hay đêm. Hồng chìm sâu trong buồn chán, tự ti.
Người bạn duy nhất của Hồng lúc đó là chiếc đài cassette được mẹ mua về để nghe cho đỡ buồn. Trong một lần tình cờ, Hồng nghe được câu chuyện về một bác bị liệt toàn thân nhưng vẫn đi bán vé số, cả ngày ca hát vui đùa vì "nếu như khóc mà không thay đổi được điều gì thì tại sao không cười?".
So sánh với hoàn cảnh của bản thân, Hồng thấy mình vẫn còn may mắn khi chân, tay lành lặn, nhận thức phát triển bình thường mà "tại sao lại không thể cười?". Tư tưởng thay đổi, cô gái 18 tuổi khi đó trở nên lạc quan hơn và bắt đầu tìm hiểu về các tổ chức hỗ trợ người khiếm thị.


Nguyễn Thị Hồng trong bộ ảnh kỷ yếu tốt nghiệp đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi được dạy bảng chữ nổi và cách sử dụng máy tính tại Hội người mù huyện Thanh Trì, Hồng đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) để học hết chương trình phổ thông đang bỏ dở. Hồng học vào những ngày cuối tuần, còn ngày thường thì làm xoa bóp, thu nhập 17.000-18.000 đồng một giờ, một tháng kiếm được khoảng 600.000 đồng. Số tiền không lớn, nhưng giúp Hồng không phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Tốt nghiệp lớp 12 năm 2015, Hồng nộp học bạ vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) theo diện xét tuyển đối với người khuyết tật, may mắn trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội, khoa Xã hội học.
Lý giải việc chọn ngành, Hồng chia sẻ muốn trở thành trung gian, kết nối người khuyết tật và xã hội bởi cô thấy hai bên đang có nhận thức chưa đúng về nhau. Nhiều cá nhân, tổ chức muốn giúp đỡ người khuyết tật nhưng không thật sự hiểu họ cần gì dẫn đến việc mua quà lãng phí. Ngược lại, những người khiếm thị cần được giúp đỡ nhưng lại thiếu thông tin và không biết bắt đầu từ đâu.
"Trở thành một nhân viên công tác xã hội, mình có thể giúp đỡ và kết nối hai bên với nhau để không bên nào thấy khó khăn và đơn độc", Hồng nói.
Học kỳ đầu tiên tại một ngôi trường bình thường và không sử dụng chữ nổi, Hồng rơi vào khủng hoảng vì lạc lõng, không theo kịp những bài giảng của giáo viên. Mong muốn duy nhất của cô lúc đó chỉ là có thể ra trường đúng hạn, bằng trung bình cũng được vì nghĩ "với tình trạng như này không biết có theo được hay không".
Sau đó, Hồng sử dụng cách trên lớp sẽ đặt máy ghi âm lời giảng viên và nghe lại vào buổi tối. Hồng không thể sử dụng giáo trình, thay vào đó sẽ lên mạng, tìm những tài liệu liên quan và cùng quan điểm với bài giảng để nghe thông qua một phần mềm đọc dành riêng cho người khiếm thị. Khi bắt đầu có bạn, với những tài liệu khó tìm, cô sẽ nhờ những người bạn cùng lớp kém mình 9 tuổi giúp đỡ.
Những môn thi viết thì Hồng phải trả lời vấn đáp hoặc làm trắc nghiệm để thay thế. Đối với những môn làm tiểu luận, Hồng làm trên máy tính và nộp bài bình thường như các bạn.
Dần lấy lại sự tự tin, trong những bài tập nhóm, Hồng đảm nhận việc tìm tài liệu và thuyết trình. "Có khi không nhìn thấy lại giúp mình đỡ run hơn", Hồng đùa. Cô từng nhận lời "thử thách" của giảng viên khi thuyết trình một bài 3 tiếng xuyên suốt buổi học, mang về điểm 10 cho mỗi thành viên trong nhóm.


Hồng (bên trái) chụp cùng bạn trong bộ ảnh kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trần Minh Anh luôn khâm phục nghị lực của người bạn cùng lớp Công tác xã hội. Với Minh Anh, Hồng là chị nhiều hơn là bạn, hai người đã có khoảng thời gian ở chung trong kỳ thực tập. "Mình học được từ chị Hồng ý chí mạnh mẽ, nghị lực vươn lên bất chấp hoàn cảnh cuộc sống. Chị Hồng không muốn bị thương hại nên đều cố gắng tự làm mọi việc", Minh Anh nói.
Trong quá trình học, Hồng tự đánh giá mình mạnh về những môn đại cương hơn chuyên ngành vì có tuổi đời và sự trải nghiệm nhiều hơn các bạn cùng lớp. Môn học duy nhất cô được điểm C+ là "Thực hành văn bản tiếng Việt", còn lại hầu hết là B+ và A. Hồng tốt nghiệp trong 3,5 năm với kết quả 3,71/4.
Số điểm này giúp Hồng trở thành thủ khoa Xã hội học, á khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khóa 60. Ngày 28/10, cô sẽ cùng 81 sinh viên xuất sắc nhận bằng khen tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sau lễ vinh danh, Hồng tiếp tục hành trình tìm việc. Trước mắt, Hồng vẫn nhận xoa bóp, tẩm quất cho khách tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người mù trẻ Hà Nội với thu nhập 25.000-35.000 đồng một giờ. Cô mong muốn có thể làm việc trong một tổ chức phi chính phủ về các hoạt động xã hội để thực hiện ước mơ và dự định trước khi vào đại học.
"Mình nộp hồ sơ đi mấy nơi rồi nhưng chưa có chỗ nào phản hồi, tuần sau in thêm giấy tờ và công chứng rồi nộp tiếp xem sao", Hồng nói, tay khẽ miết trên bảng điểm đại học rất nhiều điểm A của mình.

Nguồn: vnexpress.net
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song