Có nên tăng tuổi hưu của giáo viên lên 60 và 62?

Ngày đăng: 10/05/2019 - 1002 lượt đọc

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi áp dụng với người lao động làm việc ở một số ngành nghề lao động nặng nhọc hoặc đặc thù, đơn cử như nghề giáo viên

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đang được dư luận quan tâm với nhiều đề xuất mới, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.
Phóng viên Dân trí ghi nhận một số ý kiến liên quan đến những sửa đổi quan trọng này tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo chị Nguyễn Ngọc Hà (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. Quảng Ngãi), cả 2 phương án đều đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. So với thực tế vẫn có một số vấn đề cần xem xét lại một cách thấu đáo hơn.

Nhiều ý kiến của người lao động tại Quảng Ngãi cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức khỏe của người lao động các ngành nghề nặng nhọc.

Viện dẫn nghề nghiệp của mẹ mình là giáo viên, chị Hà cho rằng đây là nghề tương đối "nhẹ nhàng". Tuy nhiên khi đến tuổi về hưu hiện nay là 55 tuổi, chị Hà cho rằng sức khỏe của mẹ mình đã giảm sút rất nhiều.
"Dù công việc không mấy nặng nhọc nhưng khi ở độ tuổi 55 thì mẹ tôi đã mắc nhiều bệnh tuổi già, khả năng vận động không tốt. Nếu tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất, có thể không hiệu quả. Bởi ở độ tuổi này khả năng giải quyết công việc ở một số ngành nghề không cao", chị Hà nói.
Chị Nguyễn Ngọc Hà cũng cho rằng, ở độ tuổi từ 55 - 60 tuổi rất khó có thể giải quyết một khối lượng công việc tương đương với thời điểm hiện tại.
Do đó, nếu được lựa chọn thì phương án 1 sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu thì các đơn vị sử dụng lao động phải tính toán lại khối lượng công việc phù hợp với từng độ tuổi.
"Nếu chỉ có 2 phương án thì phương án 1 có thể hợp lý hơn vì mức tăng chậm hơn. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nam đủ 62 tuổi và nữ 60 tuổi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất công việc ở một số ngành nghề", chị Hà bày tỏ quan điểm.
Cũng bàn về đề xuất tăng tuổi hưu, anh Nguyễn Quốc Đại - công nhân cơ khí tại KKT Dung Quất - cho biết, dù tuân thủ quy định về bảo hộ lao động nhưng trên thực tế ngành nghề này có tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao.
Chỉ cần qua 50 tuổi là sức khỏe nhiều người giảm sút do mắc các bệnh liên quan đến mắt, đường hô hấp...
"Tăng tuổi nghỉ hưu cũng có lợi là tận dụng được tay nghề của những người có kinh nghiệm, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, con số này rất ít và chỉ phù hợp ở vị trí quản lý. Bây giờ lớp trẻ tiếp thu kỹ thuật rất nhanh, lại có sức khỏe nên chỉ cần một thời gian là đảm nhiệm được hầu hết các công việc", anh Đại chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ chỉ phù hợp đối với người lao động trí óc, đặc biệt là lao động nữ.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cần xem xét lại đặc thù nghề nghiệp khi tăng tuổi nghỉ hưu.

"Đối với những công việc có hàm lượng kỹ thuật cao, việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp để tận dụng được chất xám của người lao động. Tuy nhiên, con số này rất ít. Đối với những lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp thì đề xuất này chưa phù hợp", bà Thủy nói.
Nhìn nhận tại KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi, bà Thủy cho rằng số lao động trực tiếp có tuổi từ 50 trở lên khá ít bởi doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng lao động trẻ.
Ở độ tuổi này, những lao động trực tiếp tại một số doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều bệnh nghề nghiệp như bệnh về mắt, vận động, hô hấp... dẫn đến khả năng lao động giảm sút.
"Thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng lao động ở độ tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Sức khỏe giảm sút, hiệu quả công việc không cao nhưng nếu nghỉ sớm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi sau đó. Vì vậy, cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động đều không muốn điều này", bà Thủy chia sẻ và cho biết, nếu phải lựa chọn giữa 2 phương án thì phương án 1 phù hợp hơn.

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Trong đó phương án 1 đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nguồn: Dân trí

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song