Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và thế giới

Ngày đăng: 31/07/2019 - 1173 lượt đọc

Trong thế giới công nghệ thông tin ngày càng phát triển, dường như khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới và cộng đồng ngày càng được thu hẹp hơn. Những người khiếm thị, khiếm thính có thể cảm nhận được thế giới muôn màu xung quanh, hay những người tàn tật có thể bước đi bình thường dưới sự trợ giúp của máy móc, công nghệ.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 285 triệu người bị hạn chế về tầm nhìn trong số 1 tỷ người khuyết tật. Khi tuổi thọ của họ tăng lên, họ sẽ gặp những hạn chế về khả năng vận động. Khi đó, thị trường công nghệ cho người khuyết tật sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Phát triển công nghệ cho người khuyết tật không những mang lại giá trị về khía cạnh đạo đức và nhân văn mà còn đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế cho các công ty công nghệ.

Gậy thông minh cho người khiếm thị.
 

Hai giải pháp công nghệ cao tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động trong cuộc sống, đó là xe lăn có thể leo cầu thang và gậy đi bộ thông minh. 
Jose Di Felice, đến từ Thụy Sĩ, bị liệt cả hai chân và một cánh tay sau tai nạn xe máy tốc độ cao 3 năm trước. Trong khi thích nghi với cuộc sống trên xe lăn, anh nhận ra rằng cầu thang là rào cản lớn nhất của anh. Jose Di Felice đã lên YouTube để tìm kiếm các lựa chọn thay thế và phát hiện ra xe lăn Scewo-được thiết kế, phát triển bởi nhóm nghiên cứu sinh từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và Đại học Zurich. Với thiết kế hiện đại và ứng dụng công nghệ tự cân bằng, xe lăn Scewo có thể giữ được sự thăng bằng, ổn định ngay cả khi đang leo cầu thang xoắn ốc. Xe lăn Scewo dự kiến ​​sẽ được phân phối cho người dùng vào cuối năm 2019 và Jose Di Felice sẽ là một trong những người đầu tiên nhận được sản phẩm.
Gậy đi bộ thông minh là sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật được thiết kế bởi các kỹ sư từ Học viện Young Guru (YGA) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gậy đi bộ thông minh được đặt tên là gậy WeWalk có một cảm biến siêu âm để phát hiện chướng ngại vật và sử dụng những rung động để cảnh báo người sử dụng. Nó có thể ghép nối với điện thoại thông minh để giúp điều hướng và được tích hợp với trợ lý giọng nói và Google Maps.
Theo lời giám đốc điều hành và người sáng lập của WeWalk, ông Kursat Ceylan-người bị mù từ khi mới sinh, việc kết nối chiếc gậy với Internet và các tiện ích thông minh khác dành cho người khuyết tật giúp nó trở nên thân thiện hơn với người dùng. "Là một người mù, khi tôi ở ga tàu điện ngầm, tôi không biết đó là lối ra của mình... Tôi không biết xe buýt nào đang đến gần hoặc cửa hàng nào xung quanh tôi. Những thông tin đó có thể được cung cấp với gậy thông minh WeWalk ", ông Kursat Ceylan cho biết thêm.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những giải pháp công nghệ cao được phát triển và nghiên cứu cho người khuyết tật. Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Facebook, Intel... cũng tuyên bố tham gia tích cực vào nỗ lực nhằm xóa bỏ mọi rào cản cho người khuyết tật khi hòa nhập xã hội. Hy vọng trong tương lai gần, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, câu chuyện về việc làm, kết nối xã hội cũng như tham gia đầy đủ vào cuộc sống hiện đại đối với người khuyết tật sẽ thiết thực và rõ ràng hơn.
 

Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song