Cuộc sống đầy sắc màu của cô gái khiếm thị

Ngày đăng: 03/12/2021 - 1216 lượt đọc

Bên cây đàn piano, đôi tay của An Như lướt nhẹ trên phím đàn, bản nhạc Nocturne Op. 9 No. 1 của Chopin vang lên tràn ngập căn phòng nhỏ. Hơn một giờ đồng hồ sau, những thanh âm tiếp tục vang lên từ chiếc đàn tranh với giai điệu mộc mạc.

Đôi mắt không nhìn thấy xung quanh, âm nhạc đã giúp An Như khám phá được những thanh âm đầy sắc màu cuộc sống - Ảnh: NVCC

Bước sang tuổi 18, vẻ ngoài xinh đẹp, nụ cười rạng rỡ cùng giọng nói ngọt ngào của cô gái Nguyễn An Như (ở Hà Nội) ngay lập tức thu hút ánh nhìn của người xung quanh.
Buổi sáng, Như cùng các anh chị hòa mình vào không khí sôi động của âm nhạc dance sports. Chiều đến, cô ngồi ngay ngắn bên cây đàn piano luyện những bản nhạc cổ điển sâu lắng, rồi tiếp tục với cây đàn tranh.

Bắt đầu từ những đĩa nhạc "đầy màu sắc"
Hơn 7 năm khổ luyện "ngón đàn" ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Như đã thành thạo chơi các nhạc cụ như đàn tranh, đàn piano. Với đàn violin hay thổi sáo đều "tạm được", nay cô còn theo đuổi bộ môn khiêu vũ thể thao.

11 tháng tuổi, sau một tai nạn, đôi mắt của An Như không còn nhìn thấy sắc màu xung quanh, chỉ nhận biết được sáng - tối. Nhờ gia đình định hướng, Như bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc.

Cô bảo có một số bất tiện nhỏ khi tiếp cận tài liệu. Nhưng Như vẫn cảm thấy bản thân còn may mắn hơn rất nhiều bạn khác.

"Mình không nhìn được, nhưng còn tai để nghe được, còn sự minh mẫn để nghĩ, tưởng tượng mọi điều trong cuộc sống, có thể thu nhận được tri thức, còn có chân có tay để làm được mọi thứ. Còn các bạn không có tay chân, các bạn người điếc hay các bạn bại não khó khăn hơn mình rất nhiều lần" - Như bộc bạch.

Như kể, ngày nhỏ mẹ hay bật cho Như nghe những đĩa nhạc "đầy màu sắc", giúp cô tưởng tượng ra được rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Dù có mệt thế nào, đêm nào Như cũng phải nghe nhạc mới ngủ ngon được.

"Âm nhạc giúp mình gạt bỏ tức giận, những chuyện không vui và xả stress rất tốt. Mình có thể tưởng tượng ra sắc màu, cảm xúc khi chơi một bản nhạc, từ đó có thể điều hòa cảm xúc, kết nối với tất cả mọi người bằng âm nhạc" - Như bộc bạch.

Mang âm nhạc Việt Nam giới thiệu bạn bè quốc tế

Như có tình yêu đặc biệt với cây đàn tranh. Ngày trước, được nghe tiếng đàn của anh chị tham gia dàn nhạc ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Như thích thú và tự hỏi: "Nó được đánh như thế nào nhỉ?".
Từ tò mò đến thích thú, cô kiên trì khổ luyện và quyết tâm thi vào nhạc viện để nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt với cây đàn tranh.
Như chia sẻ, khi được đi ra những đất nước khác, thậm chí ở trong nước thôi cũng khiến cô rất vui bởi mình được ra ngoài, mở mang kiến thức, tìm hiểu được các nền văn hóa, nền âm nhạc khác nhau.

Như cho biết, trước mắt sẽ cố gắng học tốt, chơi tốt những nhạc cụ đang theo đuổi, tích lũy những kiến thức tốt về âm nhạc. Cô mong muốn trở thành cô giáo dạy nhạc để truyền lại cho các bạn những "ngón đàn" đã được học, đồng thời trau dồi ngoại ngữ thật tốt.
 

"Mình muốn nhắn nhủ với các bạn khiếm thị nói riêng và tất cả các bạn khuyết tật nói chung rằng không có gì là các bạn không làm được, chỉ cần các bạn nhìn cuộc sống một cách tích cực, mỉm cười mỗi ngày và hãy yêu bản thân mình.

Đặc biệt, hãy tự tin trau dồi kiến thức, dám nói lên những gì mình cảm nhận để cuộc sống của các bạn trở nên dễ dàng hơn" - Nguyễn An Như giãi bày.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song
 

 


Bình luận

Viết bình luận