Giúp học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục toàn diện

Ngày đăng: 18/12/2019 - 1021 lượt đọc

Xuất phát từ sự đồng cảm với học sinh khuyết tật, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã hoàn thành đề tài "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật tại Đà Nẵng". Đề tài này vừa đạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.


Đề tài "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật tại Đà Nẵng" đạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019.  

Nhóm sinh viên gồm: Lê Thị Thúy Hằng, Phạm Thị Ái Đông và Nguyễn Thị Khánh Hương cùng theo học ngành Công tác xã hội, Khoa Tâm lý giáo dục. Mục đích của 3 bạn trẻ khi triển khai nghiên cứu đề tài nhân văn hướng đến học sinh khuyết tật là chỉ ra được những rào cản khiến học sinh khuyết tật tự ti, khó hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa cũng như với cộng đồng, xã hội. Từ đó, những giải pháp thiết thực, kịp thời giúp đỡ học sinh khuyết tật tiếp cận với giáo dục toàn diện, hiệu quả hơn cũng đã được đưa ra.

Theo Lê Thị Thúy Hằng, người khuyết tật (NKT) là một trong những đối tượng yếu thế của xã hội, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, trong đó có khả năng tiếp cận giáo dục. Theo báo cáo quốc gia về NKT, tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi trưởng thành từ 16 tuổi trở lên tốt nghiệp tiểu học là 47,57%, thấp hơn đáng kể so với người không khuyết tật trong cùng độ tuổi (82,9%). Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 182.000 NKT, trong đó có 12.634 NKT nặng trở lên. "Như vậy, có thể thấy rằng, khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của học sinh khuyết tật trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn hạn chế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều đó nhưng vẫn chưa có những dịch vụ hỗ trợ cụ thể để học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục một cách toàn diện và bền vững", Hằng cho hay.

Cũng theo Hằng, trên cơ sở phân tích thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật, nhóm đã đề xuất biện pháp, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục phù hợp cho NKT tại thành phố Đà Nẵng. "NKT cũng như người bình thường, luôn khát khao được tiếp cận giáo dục toàn diện và cống hiến cho xã hội hết sức có thể. Song, không phải ai cũng có điều kiện và may mắn để thực hiện hóa giấc mơ. Thế cho nên, phải có những tư duy mới, cách giáo dục mới để chúng ta giúp đỡ học sinh khuyết tật", Hằng bộc bạch.

Theo Nguyễn Thị Khánh Hương, kết quả nghiên cứu đề tài của nhóm cho thấy, khó khăn của NKT ở trường học là: Tiếp thu bài chưa nhanh, khả năng giao tiếp còn hạn chế, e ngại vì bản thân còn khiếm khuyết. Ngoài ra còn áp lực học tập từ gia đình, khó khăn trong thiết lập quan hệ bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể, đi lại... "Kết quả nghiên cứu thực trạng đã làm rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng bao gồm: cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội với các mức độ khác nhau. Trên cơ sở phân tích thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật, đề tài đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật. Các biện pháp này có mục tiêu, nội dung và phương pháp thực hiện. Tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp cũng đã được khẳng định bởi học sinh, phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý liên quan đến học sinh khuyết tật", Hương thông tin.

Để hoàn thành được đề tài, 3 thành viên của nhóm phải "mất ăn mất ngủ", chạy đôn chạy đáo khảo sát, theo dõi, kiểm chứng những giả thuyết liên quan đến NKT trong gần một năm trời. Công sức bỏ ra không hề nhỏ nhưng thành quả đổi lại cũng đáng tự hào. Theo các thành viên trong nhóm, đây mới là giai đoạn đầu của dự án. Vì, để dự án lan tỏa thì những giải pháp nghiên cứu phải được triển khai trong thực tế. "Chúng tôi vui vì giải thưởng một nhưng vui vì hiệu ứng đề tài 10. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô và nhà trường. Các chuyên gia nghiên cứu khoa học trong thành phần Ban Giám khảo cuộc thi cũng đánh giá cao đề tài vì tính nhân văn", Hằng chia sẻ.

Sau khi xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài để cán đích ở vị trí thứ nhì, kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng sẽ sớm được công bố rộng rãi trong và ngoài nước. Khi kết quả ấy được triển khai vào thực tế, học sinh khuyết tật có quyền hy vọng về một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới, nơi mà họ dễ dàng nghe nhìn, thấu hiểu và có nhiều điều kiện để "kích hoạt" tất cả khả năng bản thân.

Nguồn: cadn.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song