Lạng Sơn: Không ngừng nâng cao vai trò của nghề công tác xã hội

Ngày đăng: 08/10/2020 - 917 lượt đọc

Nhằm giúp những đối tượng yếu thế tiếp cận được các quyền lợi cũng như dịch vụ trợ giúp xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng phát triển, mở rộng hệ thống nghề công tác xã hội, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề công tác xã hội.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh hàng chục nghìn đối tượng khó khăn cần được trợ giúp, tỉnh Lạng Sơn có 3 cơ sở bảo trợ xã hội và 1 cơ sở Mái ấm tình thương thuộc Sở LĐ-TB&XH quản lý trực tiếp. Hiện 4 cơ sở này đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 187 đối tượng, do đó nghề công tác xã hội đóng vai rất quan trọng trong việc giúp đỡ những đối tượng này tiếp cận được với các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Trao quà cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ảnh minh họa)

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống Bưu điện đảm bảo nhanh gọn, kịp thời cho 19.604 người, gồm trợ cấp cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi con, đối tượng nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, nuôi dưỡng trong trung tâm Bảo trợ xã hội… trợ cấp mai táng phí cho 425 đối tượng; nuôi dưỡng chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập 117 đối tượng. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp 6 tháng đầu năm 2020 là 52.487 triệu đồng.

Nhằm giúp những đối tượng yếu thế tiếp cận được các quyền lợi cũng như dịch vụ trợ giúp xã hội, hàng năm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) duy trì, lập trình thiết kế nâng cấp chuyên mục tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, trong đó có các nội dung, bài viết tuyên truyền về Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội.

Tổ chức kết nối mạng lưới các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội gồm: Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Cơ sở cai nghiện ma tuý; tuyên truyền sâu rộng về vai trò quan trọng của Đề án phát triển nghề công tác xã hội, các chính sách liên quan đến đề án, các chính sách trợ giúp về nuôi dưỡng. chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hướng nghiệp, dạy nghề... qua đó đã nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ người dân gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng chuyên môn về công tác xã hội cho 245 cán bộ công chức và cộng tác viên làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đúng theo kế hoạch đề ra. Nội dung chương trình tập huấn gồm các kiến thức công tác xã hội chuyên sâu về cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng là người cao tuổi, khuyết tật, người nghèo... Qua đợt tập huấn, bồi dưỡng 100% các học viên được nâng cao kiến thức về nghề công tác xã hội, cơ bản nắm bắt được nghiệp vụ cơ bản về nghề công tác xã hội.

Ngành Y tế thực hiện khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 615 lượt người bệnh; 11/11 huyện, thành phố, tổ chức 3 lớp tập huấn cho gần 400 đại biểu là cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội.

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Dự án Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2019 đối với các đối tượng yếu thế, xây dựng nội dung truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng này cũng như kỹ năng trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội, do đó vị thế của nghề công tác xã hội trong sự phát triển chung của địa phương ngày càng được khẳng định.

Cùng với ngành LĐ-TB&XH, nhằm cung cấp thông tin, tư vấn về các dịch vụ y tế, hỗ trợ, vận động, kết nối sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ngành Y tế tỉnh Lạng Sơn cũng rất quan tâm đến công tác phát triển nghề công tác xã hội tại các cơ sở y tế.

Trong những năm qua, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã phát huy vai trò thực hiện các hoạt động hỗ trợ người bệnh tại bệnh viện và với cộng đồng, là cầu nối cung cấp thông tin, giúp họ được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh, đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đồng thời thường xuyên kết hợp với các câu lạc bộ, nhóm từ thiện tổ chức tặng quà cho người bệnh nhân dịp các ngày lễ lớn. Để hỗ trợ người bệnh, Phòng Công tác xã hội cử nhân viên hỗ trợ trực tiếp người bệnh tại khoa Khám bệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn bệnh nhân quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh, giải đáp thắc mắc người bệnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Đề án 32, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện việc tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm CTXH theo hướng hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời đề xuất xin thêm kinh phí để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở dịch vụ CTXH; kiểm tra, giám sát nghề CTXH; khắc phục những hạn chế, tồn tại, tuyên truyền và mở rộng mạng lưới cộng tác viên thôn bản… Để làm được điều này, rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với nghề CTXH.

Nguồn: baodansinh.vn

Sưu tầm: Ngọc Song