NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA ĐÔI SONG SINH MÙ LÒA, SINH NON 3 THÁNG

Ngày đăng: 13/01/2020 - 1035 lượt đọc

Lúc chào đời chỉ nặng khoảng 1 kg, năm lên 3 tuổi bị mù cả 2 mắt, ít ai tin rằng cặp song sinh Trường - Thọ có thể sống khỏe mạnh. Sau nhiều năm, cặp song sinh ấy chẳng những lớn lên, khỏe mạnh, mà còn đoạt giải nhất, nhì của Cuộc thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần II năm 2019.

Sống sót nhờ trái tim yêu
“Mẹ hiền ơi, ở quê nhà chớ trông con về/vì nơi xứ người con phiêu bạt bán thân cho đời/từng đêm mình con bật khóc nhớ mẹ, nhớ cha…”.

Giọt đàn, tiếng ca của cặp song sinh Trường - Thọ cất lên mênh mang cùng bài hát Nỗi lòng của con do nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác. Tạm ngưng phím đàn, Trường nói đây là bài hát hai người dành tri ân đấng sinh thành. Nhờ đó mà em và em trai song sinh được sống, được hít thở bầu không khí hiền hòa của mẹ thiên nhiên.


Hình ảnh cặp song sinh Trường - Thọ lúc sơ sinh đến 4 tuổi.

Thời điểm Trường và Thọ lọt lòng mẹ chỉ là 6 tháng, tức sinh non 3 tháng 10 ngày so với trẻ em bình thường. Lúc đó, mỗi em chỉ nặng chưa đến 1 kg, người thân thuộc và những ai chứng kiến ca sinh ngày đó đều không tin 2 đứa trẻ có thể sống được.


Trường - Thọ mù lòa từ năm lên 3 tuổi dù người thân tìm mọi cách chạy chữa.

Nhưng rồi nhờ sự thương yêu, chăm sóc của người thân và y bác sĩ, hai em dần ổn định sức khỏe và lớn lên, dù thường xuyên bị bệnh tật. Thương 2 cháu và để phần nào đỡ gánh nặng cho em gái, ông Phạm Văn Nghĩa (58 tuổi, cậu ruột của Trường - Thọ, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đón 2 cháu về nuôi dưỡng từ lúc mới lọt lòng.

Thời gian trôi, Trường và Thọ tròn 2 tuổi. Quan sát cháu mỗi ngày, ông Nghĩa phát hiện mắt của cả 2 đứa không phản ứng với ánh sáng. Mọi hoạt động quờ quạng không giống những đứa trẻ bình thường.

Nghi chuyện chẳng lành, ông vay mượn tiền bạc đứa cháu đi khám ở TP.HCM.

"Bác sĩ nói mắt 2 đứa bẩm sinh không có giác mạc, phải chịu cảnh mù lòa suốt đời", ông Nghĩa kể lại, nhớ như in giây phút mình chết lặng, đờ đẫn, chỉ biết khóc. Lúc đó, ông không không còn đủ minh mẫn để đặt vé xe về lại quê nhà, phải nhờ một người lạ giúp.

"Tôi bàng hoàng, tưởng như một nửa thân mình đã vào cõi chết".

Chính ông Nghĩa cũng là người bị tật nguyền từ nhỏ. Đôi tay ông yếu đến mức không thể đưa cao ngang đầu. Đôi chân ông bị biến dạng do những cơn bạo bệnh ngày nhỏ.


Vợ chồng ông Nghĩa không có con, xem Trường - Thọ là mảnh ghép yêu thương. 2 cháu cũng chăm ngoan, xem cậu mợ như cha mẹ ruột của mình.

Vợ ông cũng bệnh triền miên từ nhiều năm trước, không ít lần phải nhập viện cấp cứu vì chứng hen suyễn. Trường - Thọ 17 tuổi thì cũng ngần ấy năm, vợ chồng ông Nghĩa bám nghề bán vé số để mưu sinh và cưu mang cháu.

Dù vậy, sức khỏe và những dị tật không làm ông chùn bước hay âu sầu. Người đàn ông khuyết tật nói rằng mình khá lạc quan và muốn giữ mãi tinh thần này dù trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống.

Hai vợ chồng ông tìm được đồng cảm, chia sẻ cùng nhau cảnh đói nghèo và trong những cơn bệnh dai dẳng. Căn nhà họ ở vẫn thường khi rộn ràng tiếng nói cười.

Về nhất, nhì giọng hát người khuyết tật toàn quốc

Khi hai em Trường - Thọ 5 tuổi, vợ chồng ông Nghĩa đưa cả hai đến trường trẻ em khuyết tật tỉnh An Giang học chữ. Cũng trong thời gian học tại đây, hai anh em sớm bộc lộ khả năng ca hát, trở thành cây văn nghệ của lớp dành cho người khiếm thị. Được thầy cô và gia đình động viên, Trường và Thọ bắt đầu làm quen với đàn organ từ năm 9 tuổi. Một thời gian ngắn sau đó, 2 em có thể tự đàn hát những bài hát mình yêu thích và đàn đệm cho bạn bè hát.


Nhiều năm học đàn hát, hiện Trường - Thọ chơi đàn organ thành thạo. Ngoài ra, khả năng hát của cả 2 em đều tốt.

Cuối năm 2016, khi học xong lớp 5 (chương trình dành cho người khiếm thị), Trường và Thọ trở về nhà. Cũng trong năm này, ông Nghĩa đưa hai cháu mình học thêm đàn cổ nhạc tại Hội người mù tỉnh Kiên Giang. Tại đây, kỹ năng đàn, hát nhạc, cổ của hai cháu được rèn luyện hàng ngày.

Không biết từ lúc nào, tình yêu đối với bộ môn đàn hát dần lớn, Trường - Thọ ước mơ có ngày mình sẽ trở thành những nhạc công, người có thể hát phục vụ tại các quán cà phê, hay những tụ điểm hát với nhau tại quê nhà. 2 em nói rằng đó cũng là cách duy nhất để có thể trả công ơn, góp thu nhập phụng dưỡng đấng sinh thành.


Trường - Thọ xuất sắc đoạt 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc tại Cuộc thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ II năm 2019. Trước đó năm 2014, cặp song sinh này từng đoạt Huy chương bạc ở cuộc thi đàn hát tương tự.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, Trường - Thọ nhắc đến thành tích đáng tự hào của hai em trong cuộc thi tiếng hát dành cho người khuyết tật vừa được tổ chức cách đây vài tháng. Đó là thành quả mà hai em muốn dành tặng cho cậu mợ mình, để họ có động lực và cảm thấy vui vì các em đã dần trưởng thành. Với tiết mục hát song ca, 2 em xuất sắc giành huy chương vàng (Vòng Chung kết khu vực phía Nam, tháng 3/2019) và huy chương bạc (Vòng chung kết tổ chức ở Hà Nội, ngày 19/6/2019).

Tiếng đàn hát đã bớt xót xa

Bà Thu (ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã nhiều năm góp gạo, cho tiền để vợ chồng ông Nghĩa có thêm chút vật chất trang trải cuộc sống và để chăm lo cho 2 cháu Trường - Thọ. Hơn 5 năm trước, hễ khi có dịp đến nhà ông Nghĩa, nghe 2 cậu nhóc mù lòa đàn hát là mỗi lần bà giàn giụa nước mắt.

Càng về những năm gần đây, người phụ nữ này bớt xót lòng vì trong những tiếng đàn, câu hát của Trường - Thọ, bà tìm thấy đâu đó niềm vui, niềm hy vọng. 2 em lớn khôn ngày càng lễ phép, biết yêu thương nhau, vâng lời người thân.

Bà thêm vui bội phần khi nghe tin Trường - Thọ đoạt huy chương vàng, huy chương bạc tại cuộc thi hát dành cho người khuyết tật toàn quốc. Ông Nghĩa nói hiện mỗi tuần, Trường - Thọ có 1-2 buổi hát tại một quán cà phê cách nhà khoảng vài km. Mỗi tối hát, 2 em được những vị khách cho trên dưới 100.000 đồng.

Một ngày mới của Trường và Thọ vì thế mà ý nghĩa và rộn vui hơn. Sáng sớm, 2 em vệ sinh cá nhân, ăn uống rồi luyện đàn. Khoảng 17h cũng là lúc căn nhà nhỏ của họ rộn vui nhất, bởi mọi người chuẩn bị cho Trường - Thọ đi hát.

Cậu Nghĩa trêu "Đi hát có nhiều người đẹp đừng có yêu thích mà quên đường về nghe không?". Trường lanh miệng nói con có thấy gì đâu mà biết ai đẹp, ai xấu.

Nói thì nói vậy, chứ theo lời ông Nghĩa, có một cô bé nhà bên rất quý Trường. Em thường sang nhà nghe Trường - Thọ đàn hát. Nhắc đến đây Trường đùn đẩy ngăn cậu, đỏ mặt tía tai vì ngượng.


Hát tại quán cà phê, Trường - Thọ được những vị khách tặng hoa, cho ít tiền.

Đêm ấy, tôi cùng Trường - Thọ và ông Nghĩa đến nơi 2 em thường hát. Trên đường đi, 3 người họ quấn quýt không rời. Ông Nghĩa nói vui ông là ánh mắt của 2 cháu, sáng thì nhờ, tối thì chịu. Đang vui tự nhiên ông bật khóc. Ông kể lể nếu lỡ chẳng may ông qua đời, thì chẳng biết tìm đâu, một ánh mắt nào cho 2 cháu.

Nguồn: news.zing.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song