Người khuyết tật tham gia hiệu quả vào công tác phòng, chống thiên tai

Ngày đăng: 14/01/2022 - 769 lượt đọc

Người khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia một cách chủ động và toàn diện vào phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, với tư cách là thành viên trong cộng đồng, cùng hoạch định và triển khai thực hiện các chính sách vì sự an toàn, hòa nhập và thích ứng của chính người khuyết tật và cả cộng đồng trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

Mô hình nhà tránh trú thiên tai ở Nho Quan được xây dựng bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật ở tất cả các dạng tật. (Ảnh dự án cung cấp)

Giúp người người khuyết tật có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cộng đồng

4 năm qua, dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Tổ chức Phát triển quốc tế CBM (Đức), ActionAid Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phối hợp thực hiện đã có nhiều kết quả khả quan.

Thông tin từ hội nghị tổng kết dự án tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội cho biết, dự án được triển khai tại 3 xã của huyện Nho Quan từ tháng 1/2018 với tổng số vốn 18,1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2021, đã bàn giao cho địa phương quản lý sau khi đạt các kết quả thành công. Dự án tập trung vào các hoạt động tạo thu nhập và sinh kế, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trang bị nguồn lực cho người khuyết tật và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nghèo dân tộc thiểu số. Từ đó, nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương và đối phó với các tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Các mô hình tiêu biểu được lựa chọn triển khai, gồm các mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị do người khuyết tật làm chủ, mô hình nhà tránh trú bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật, và mô hình Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai có sự tham gia của thành viên là người khuyết tật. Từ đó, dự án không chỉ đưa các xã ở huyện Nho Quan trở thành nơi có công trình công cộng thân thiện với người khuyết tật, đem đến sinh kế cho hàng nghìn người khuyết tật và gia đình, mà còn góp phần thay đổi cơ bản 1 nhận thức đã ăn sâu vào định kiến rằng “người khuyết tật không thể làm gì trong thiên tai”.

Lần đầu tiên ở Nho Quan, mô hình Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai đã có sự tham gia của thành viên là người khuyết tật. (Ảnh dự án cung cấp)

Trong mô hình này, kế hoạch phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng có sự tham gia của người khuyết tật lần đầu tiên được áp dụng ở cấp thôn, xã và phát huy hiệu quả, được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Các hợp tác xã may, đan bèo bồng xuất khẩu và nuôi ong lấy mật do người khuyết tật và gia đình làm chủ đã được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể tự tin phát triển bền vững trong thị trường, kể cả sau khi dự án kết thúc. Hơn 1,5 tỷ đồng đã được trao để xây dựng và phát triển 3 hợp tác xã, trong đó người khuyết tật tham gia công tác quản trị và quản lý, tự điều hành sản xuất, phân chia lợi nhuận thông qua mô hình tổ nhóm tự nguyện và mô hình hợp tác xã, tự chủ động quản lý sản xuất và kết nối thị trường.

Nhiều hỗ trợ được trao bằng tiền mặt, tập huấn, kết nối thị trường, trang thiết bị sản xuất để sau ba năm thành lập, 133 thành viên của hợp tác xã đều đi từ không đến có thu nhập từ 800 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng, từng bước tự chủ về kinh tế cho bản thân và gia đình, qua đó vươn lên thoát nghèo và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.

Đại diện địa phương nơi thụ hưởng dự án, ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan đánh giá: “Qua 4 năm thực hiện, các mô hình của dự án đã cho thấy được tính thiết thực và sự hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tích cực cho địa phương. Trong đó, điều quan trọng nhất là đã làm thay đổi cách tiếp cận, khi lần đầu tiên, người khuyết tật được tham gia và trở thành thành viên của Ban phòng, chống thiên tai tại địa phương”.

Mô hình mà dự án xây dựng đã thay đổi toàn diện cách nhìn của cộng đồng và chính quyền địa phương về vai trò của người khuyết tật trong phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Người khuyết tật đặc biệt là người khuyết tật nữ có thể tự quản lý được sinh kế của mình theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể chủ động tham gia lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu cấp địa phương, đồng thời thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch đó.

Quan trọng hơn, người khuyết tật khi tham gia dự án đã có không gian và tiếng nói của mình trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở địa phương.

Là 1 người khuyết tật tham gia dự án từ đầu, chị Đinh Thị Yến, thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan cho biết: “Nhờ dự án, tôi cũng như các bạn người khuyết tật khác không còn mặc cảm hay tự ti khi ra xã hội. Chúng tôi tham gia đóng góp ý kiến tại các buổi họp, hoạt động tại cộng đồng. Đồng thời, đã hiểu và biết được những rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở địa phương và cách phòng tránh, chủ động chuẩn bị ứng phó. Các hợp tác xã may mặc, đan bèo bồng, nuôi ong cũng giúp chúng tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và thêm tự chủ”.

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương trong hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập và thích ứng trong phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Các khóa tập huấn, trợ giúp tâm lý và pháp lý, hoạt động tạo thu nhập của dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.500 người khuyết tật và gia đình ở huyện Nho Quan có 1 cuộc sống hài hòa ổn định và có tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhân rộng mô hình thành công, phù hợp đặc điểm từng địa phương

Đánh giá cao các kết quả của dự án, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, khẳng định: “Người khuyết tật có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các đia phương lồng ghép kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương thì người khuyết tật có thể tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch này một cách hài hòa và bền vững”.

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm từ các mô hình phòng, chống thiên tai dành cho người khuyết tật, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đề xuất nghiên cứu, ban hành và nhân rộng khung giảm nhẹ rủi ro thiên tai hòa nhập người khuyết tật (iDRR), bảo đảm khung iDRR được lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống thiên tai, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm và các chương trình, dự án liên quan.

Đồng thời, xây dựng và xem xét ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình phòng, chống thiên tai hòa  nhập người khuyết tật cho Hội Người khuyết tật tại địa phương. Ngoài ra, thu thập, tổng hợp và hằng năm ban hành “Tuyển tập các bài học hay, tấm gương tốt, mô hình hòa nhập cộng đồng hiệu quả”, trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai có hòa nhập người khuyết tật.

Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong đó người khuyết tật càng gặp nhiều khó khăn hơn, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, trong thời gian tới, cần rà soát kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 để phát triển các giải pháp phù hỗ trợ hợp đối với người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Nguồn: nhandan.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận