Nhà hàng hạnh phúc của Thảo

Ngày đăng: 06/04/2022 - 1071 lượt đọc

Ở nhà hàng đặc biệt này, bà chủ Hồ Thị Hương Thảo (SN 1981, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam) luôn bận bịu. Với đôi nạng kẹp ở nách, chị thoăn thoắt như con thoi qua quầy bar, nhà bếp… để làm cầu nối giữa khách hàng với những nhân viên khiếm thính của mình và đôi khi là cả giữa những nhân viên khiếm thính với nhau.

Chị Thảo hướng dẫn nhân viên nhận đơn đặt hàng online bằng ngôn ngữ kí hiệu

Ảnh: Giang Thanh

Nghị lực xương rồng

Vốn sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, một tai nạn vào năm 6 tuổi đã khiến đôi chân của chị Thảo bị nhiễm trùng. Tuổi thơ của chị không phải là những ngày tháng cắp sách đến trường hay chơi đùa với bạn bè mà phải làm quen với mùi thuốc sát trùng, những ca mổ liên tục, những lời động viên của bác sĩ.

Đến năm 2001, bác sĩ thông báo chị phải thực hiện phẫu thuật cắt chân. Tuổi 20 của Thảo lại là chuỗi ngày làm quen với đôi nạng gỗ, tập tễnh học bước đi. “Nhiều năm liên tục, tôi luôn cảm thấy mình là gánh nặng của ba mẹ. Khi mất đi đôi chân, áp lực đó càng nặng nề hơn. Lúc đó, tôi chỉ có mơ ước giá mình có thể đi làm, kiếm tiền để ba mẹ không phải vất vả vì mình nữa”, chị Thảo kể. Thời điểm đó, biết được thông tin ở Đà Nẵng có một tổ chức hỗ trợ chỗ ở cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chị đăng kí ngay dù chưa biết mình ra Đà Nẵng để làm gì và lấy gì để sống.

Nhiều năm qua, Happy Heart luôn đồng hành với Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng để hỗ trợ các bữa ăn dinh dưỡng mỗi tuần cho các em nhỏ đang học tập và sinh hoạt ở đây. Chị Thảo cũng kết nối để các tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ cũng như dạy học ở trung tâm.

Những ngày đầu ở Đà Nẵng, chị Thảo làm đủ thứ nghề, tuy nhiên, đôi chân tật nguyền luôn là trở ngại khiến chị không thể gắn bó lâu với công việc nào. May mắn là đến năm 2005, chị Thảo gặp gỡ với một chủ nhà hàng người nước ngoài đang xây dựng mô hình hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật và làm việc ở đó. Ở chỗ làm mới, chị gặp được nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, có người khuyết tật câm điếc, có người bị tật chân tay…

Ngoài được đào tạo về phục vụ nhà hàng, chị Thảo còn tranh thủ học thêm các lớp ngôn ngữ kí hiệu, ngoại ngữ do ông bà chủ tổ chức để có thể hỗ trợ các đồng nghiệp câm điếc giao tiếp với khách hàng đa phần là người nước ngoài. Đến đầu năm 2018, vợ chồng chủ nhà hàng trở về nước và sang nhượng lại quán. Nhận thấy chủ mới muốn định hướng quán phát triển theo hướng khác, chị Thảo ấp ủ mở một nhà hàng cho riêng mình, trước hết để tạo việc làm cho các đồng nghiệp đã làm việc cùng mình mười mấy năm, sau là hỗ trợ những người khuyết tật câm điếc hòa nhập cộng đồng.

Vạch sẵn kế hoạch, chị tìm đến một người bạn người Canada đang mở trung tâm tiếng Anh ở Đà Nẵng để khởi nghiệp với ấp ủ của mình. “Lúc đó, tôi không có tiền, tất cả những gì tôi có là một kế hoạch trong đầu cùng đội ngũ nhân sự sẵn sàng làm việc. May mắn là bạn đó đồng ý và Happy Heart ra đời ngay ở mặt bằng tầng 1 của trung tâm tiếng Anh”, chị Thảo nhớ lại.

Anh Toàn có thể đảm đương nhiều vị trí mà không gặp trở ngại nào vì khuyết tật của mình. Ảnh: Giang Thanh

Lúc mới bắt đầu, Happy Heart chỉ tập trung kinh doanh cà phê. Sau đó, các nhân viên ở quán chủ động đề xuất với chị Thảo để mở rộng thêm về bánh mì và đồ Tây như mô hình cũ bởi đa phần các bạn đều đã được đào tạo và có kỹ năng. Dần dần, Happy Heart trở thành một điểm đến yêu thích của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế khi đến Đà Nẵng, nhận được đánh giá cao trên Trip Advisor. Khi việc kinh doanh đã ổn định, người bạn của chị Thảo phải về nước, chị vay mượn bạn bè để tiếp quản nhà hàng, chuyển mặt bằng về khu phố Tây An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và tiếp tục duy trì mô hình hỗ trợ việc làm cho các bạn khuyết tật.

Mái nhà chung của thanh niên khuyết tật

Nằm trên khu phố Tây An Thượng sầm uất của Đà Nẵng, qua hai năm dịch bệnh, nhà hàng Happy Heart vẫn bình lặng nép mình sau những chậu cây xanh um, vẫn đón khách vào ra, trái với cảnh tiêu điều của những nhà hàng, quán sá, bar, pub bên cạnh. Thấy vị khách quen đẩy cửa bước vào, anh Phạm Toàn Tài (nhân viên quán) niềm nở ra đón với quyển menu trên tay. Dường như đã quen, vị khách ra dấu thủ ngữ để chào anh Toàn rồi nhanh chóng viết đặt hàng lên tờ ghi chú được kẹp sẵn.

Anh Toàn vốn là đồng nghiệp với chị Thảo ở nhà hàng cũ, khi nhà hàng được sang nhượng, anh về Happy Heart làm việc.

“Ở đây, tôi được làm công việc mình yêu thích. Khoản thu nhập từ tiền lương, thưởng, tiền tip của khách giúp tôi trang trải cho gia đình nhỏ, lo việc học hành cho con trai. Đối với một người câm điếc bẩm sinh như tôi, không dễ gì kiếm được công việc có đãi ngộ tốt như thế này”, anh Toàn thoăn thoắt khua những ngón tay “trò chuyện” với chúng tôi.

Từ khi hoạt động đến nay, Happy Heart đã đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên khuyết tật câm điếc bẩm sinh cũng như các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ được đào tạo các kỹ năng để làm bồi bàn, các bạn còn được hướng dẫn các công việc ở bếp, chế biến các món ăn và cả làm bánh mì.

“Tôi mong muốn rằng, khi làm việc ở đây, các bạn không phải chỉ làm công ăn lương, các bạn sẽ học được các kiến thức, kỹ năng về nghề bếp, nghề bánh, biết cách vận hành một nhà hàng hoặc một cửa hàng nhỏ. Thứ tôi cho các bạn không chỉ là lương tháng mà còn là kinh nghiệm, kỹ năng để nếu không còn ở Happy Heart, các bạn hoàn toàn có thể làm việc ở một nhà hàng, quán cà phê khác hoặc tự mình kinh doanh về dịch vụ ăn uống”, chị Thảo chia sẻ.

Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhà hàng Happy Heart luôn có khoảng 15 nhân viên full time là người khuyết tật câm điếc, chưa kể những bạn trẻ khuyết tật xin học nghề hoặc được các Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật gửi đào tạo. Chị Thảo dành hẳn khu vực tầng 3 để làm kí túc xá cho những nhân viên khó khăn, xa quê về Đà Nẵng làm việc.

Nguồn: tienphong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận