Niềm vui là được lao động sáng tạo

Ngày đăng: 26/03/2020 - 709 lượt đọc

Bà Hoàng Thị Hậu (sinh năm 1965) người làng rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) bị khuyết tật đôi chân nên chẳng bao giờ đứng thẳng được.

Bà ngồi trong xưởng sản xuất tranh ghép vải vụn tỉ mẩn cắt ghép những bức tranh rực rỡ sắc màu. Chiếc kính trễ, đôi sợi tóc lòa xòa xuống mặt, chỉ có nụ cười là luôn thường trực trên môi. Mới nhìn bà ngồi làm việc, ít ai biết rằng cuộc đời người phụ nữ ấy từng trải qua bao nhọc nhằn.

Sinh ra trong thời chiến, cô bé Hậu cất tiếng khóc chào đời ở nơi sơ tán; lên 3 tuổi bỗng dưng sốt cao nằm vật vã trên giường, bố mẹ cấp tốc đưa đến bệnh viện dã chiến. Thời kỳ khó khăn, gia đình cố gắng chạy vạy chữa trị mới qua cơn nguy kịch nhưng di chứng để lại là đôi chân bị liệt. Khuyết tật bản thân, bé Hậu cố gắng theo chúng bạn học hết cấp hai. Sau đó vì nhà nghèo lại đông anh em, phương tiện đi lại không có nên Hậu ở nhà phụ giúp công việc gia đình. Cô gái làng rèn ấy nghĩ mình không được đi học nhưng phải có một cái nghề. Thế là chị Hậu xin đi làm thuê cho các hộ sản xuất trong làng. Nghề rèn với người khỏe mạnh đã vất vả, đằng này chị lại là người khuyết tật nên nỗi cực nhọc gấp trăm bề. Không nề hà, chị học thổi bễ, gia công mài giũa, làm chuôi, tra cán dụng cụ. Những ngày đầu chưa quen, dao kéo cứa đứt tay là chuyện bình thường.


 Bà Hoàng Thị Hậu khéo léo làm ra những bức tranh từ ghép vải vụn.

Khi thạo nghề, chị Hậu quyết định trở về cùng với chị gái mở lò rèn. Hai người phụ nữ nương tựa vào nhau vượt qua những ngày khó khăn. Nhiều lúc ngồi trong căn nhà cũ của cha mẹ, xung quanh là nghèo khó bủa vây nhưng chị không bao giờ đổ cho số phận mà luôn có một suy nghĩ tích cực, đó là chịu khó “gieo trồng” mai sau sẽ được hưởng “trái ngọt”. Gần hai chục năm làm nghề rèn, bao vất vả, nhọc nhằn đè nặng lên vai người phụ nữ khuyết tật. Khi sức khỏe giảm sút, cô Hậu không kham được việc nặng đành chuyển sang bán rau phụ giúp chị gái. Hai chị em chạy chợ đắp đổi qua ngày, cuộc sống cũng dần khấm khá hơn. Là người khuyết tật nhưng cô không bao giờ nghĩ mình là một người thừa, sống phụ thuộc vào người thân.

Bền bỉ bươn trải cuộc sống cho đến khi mái đầu pha sương, lúc nào bà Hậu cũng nỗ lực cố gắng vượt qua khiếm khuyết bản thân để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Năm 2017, khi Hội Người khuyết tật quận Hà Đông mở lớp dạy nghề làm tranh từ vải vụn, bà đăng ký tham gia, sau được nhận vào cơ sở sản xuất của anh Lê Việt Cường ở làng Vạn Phúc. Đến đây, bà gặp gỡ nhiều mảnh đời khiếm khuyết. Quá trình làm việc, bà có cơ hội giao lưu, san sẻ những khó khăn, động viên nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Từ những mảnh vải vụn ở các cơ sở dệt lụa, qua đôi bàn tay của bà trở thành những bức tranh sinh động, sắc màu tươi tắn. Những tác phẩm tranh phong cảnh, tĩnh vật, tranh dân gian được bà cắt dán khéo léo, đẹp mắt. Làm tranh nghệ thuật không chỉ cần bàn tay khéo mà còn phải có mắt thẩm mỹ. Bà Hậu vui vì công việc phù hợp với sức khỏe của mình, vui hơn là được lao động và sáng tạo. 

Sản phẩm tranh vải ghép hoàn thành, bà Hậu thấy phấn khởi khi có người yêu mến mua về để trang trí. Thành quả làm việc được ghi nhận đã tiếp thêm động lực để bà hăng say hơn trong công việc. Qua lao động, bà nhận ra rằng, dù trong hoàn cảnh nào, nếu người khuyết tật biết cố gắng vươn lên thì giá trị bản thân sẽ được cộng đồng xã hội ghi nhận. Chính niềm hăng say lao động, đam mê sáng tạo đã đem lại hạnh phúc cho bà để từ đó tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: Ngọc Song