Phát động cuộc thi 'Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh'

Ngày đăng: 07/08/2020 - 922 lượt đọc

Hưởng ứng 'Tuần lễ học tập suốt đời' năm 2020, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cộng đồng người khiếm thị, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Người mù Việt Nam tổ chức cuộc thi 'Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh'.

Cuộc thi dành cho đối tượng dự thi là người khiếm thị trên toàn quốc. Thí sinh tham dự cuộc thi bằng hình thức làm bài trả lời các câu hỏi của ban tổ chức. Hình thức có thể là viết bài (viết tay, đánh máy hoặc bằng chữ nổi với độ dài tối thiểu 2.000 chữ, tối đa 5.000 chữ) hoặc ghi âm, quay clip (độ dài tối thiểu là 7 phút, tối đa 12 phút).

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Mỗi bài dự thi phải đảm bảo các tiêu chí, trả lời đầy đủ 4 câu hỏi được đặt ra trong nội dung thi. Các câu hỏi đều liên quan đến việc tự đọc, tự học. Trong đó, 2 câu liên quan đến tấm gương ham đọc và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 2 câu còn lại liên quan đến kế hoạch tự đọc và tự học tập suốt đời của thí sinh, các đề xuất để tạo ra môi trường tự đọc, tự học trong cộng đồng.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 06 giải ba, và 40 giải khuyến khích. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao các giải phụ: Kinh nghiệm đọc và tự học hiệu quả; ý tưởng đề xuất với kênh "Cùng bạn đọc sách" hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận thông tin, tri thức, học tập suốt đời sáng tạo, hợp lý và hiệu quả; clip hay được nhiều người yêu thích nhất; và giải đã có cống hiến vì người khiếm thị.

Ban tổ chức bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 03-8-2020 đến hết 25-9-2020. Thí sinh dự thi gửi bài theo 2 địa chỉ: Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (51-53 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trung ương Hội Người mù Việt Nam (số 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Cuộc thi "Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" năm 2020 được tổ chức nhằm tạo nên một sân chơi, một diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời, qua đó góp phần phát triển năng lực tự học, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo; đọc và tự học trong phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách,… vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, khẳng định những giá trị tốt đẹp của việc đọc và tự học đối với sự phát triển của con người, đặc biệt là người khiếm thị.


Nguồn: Báo mới
Sưu tầm: Phạm Mai