Thương binh đầy nghị lực, hết lòng vì những người khuyết tật

Ngày đăng: 28/07/2021 - 646 lượt đọc

Sau chiến tranh, ông Trần Ngọc Hòa chỉ còn lại một chân với những ngày tháng gian khó, nhiều biến cố. Thế nhưng với nghị lực, ông đã vượt qua nghịch cảnh để ổn định cuộc sống, và giúp ích cho đời.

Nghị lực phi thường

Vào một chiều cuối tháng 7, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với thương binh hạng 2/4, Trần Ngọc Hòa (SN 1954), trú tại phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Ông Trần Ngọc Hòa nổi tiếng không chỉ bởi ý chí và nghị lực phi thường mà còn là người luôn đồng hành, giúp đỡ cho rất nhiều người khuyết tật tại địa phương, cùng họ vượt qua số phận, thoát nghèo đi lên.

Thương binh Trần Ngọc Hòa đã mất đi chân phải sau chiến tranh.

Cũng như thế hệ cùng trang lứa, tuổi đôi mươi của ông gắn liền với những trận chiến của một thời hoa lửa. Ông nhập ngũ vào năm 1974 và được phân công làm nhiệm vụ phá đá mở đường, đảm bảo giao thông tuyến chiến lược Đông Trường Sơn.

Mặc dù bị địch ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng với tinh thần "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", ông đã cùng đồng đội không ngại hi sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1975, ông Trần Ngọc Hòa bị thương, mất đi chân phải khi đang làm nhiệm vụ ở sân bay Phú Bài.

Trở về sau cuộc chiến, người thương binh này chỉ còn lại một chân, gian nan, vất vả bủa vây. Trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, gia đình ông gặp phải muôn vàn gian nan, tưởng chừng khó vượt qua được.

"Xuất ngũ trở về thì cơ thể không còn lành lặn, sức khỏe yếu, nhà thì chỉ có vài sào ruộng để sinh sống cùng mảnh vườn nhỏ, lại phải nuôi đến 4 người con. Năm 1989, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Lâm trường Đồng Hới, vợ chồng tôi nhận được 10 ha rừng làm kinh tế vườn đồi. Cuộc sống đỡ hơn một chút thì vợ tôi không may gặp tai nạn", ông Trần Ngọc Hòa nhớ lại.

Vụ tai nạn giao thông mà ông nhắc đến xảy ra vào năm 2002, khiến vợ ông liệt nửa người phải đi điều trị trong thời gian dài. Nỗi lo kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, nuôi 4 con ăn học càng đè nặng lên đôi vai ông.

Để chăm lo cho vợ con, Thương binh Trần Ngọc Hòa đã vượt qua những nỗi đau thể xác, thức khuya dậy sớm làm đủ thứ việc để kiếm tiền, từ trồng rừng, làm ruộng đến chăn nuôi.

Sau những cố gắng, chịu khó lam lũ suốt nhiều năm liền, kinh tế của gia đình Thương binh Trần Ngọc Hòa dần được cải thiện. Diện tích rừng ông trồng đã có thể thu hoạch, đàn lợn, đàn gà cũng mang lại nguồn kinh tế đủ để ông chạy chữa cho vợ, lo cho các con ăn học. Từ đó, vợ ông đã bình phục phần nào, các con đã trưởng thành.

Để có được cuộc sống hiện tại, Thương binh Trần Ngọc Hòa đã phải nỗ lực rất nhiều, làm đủ thứ việc từ trồng rừng đến chăn nuôi.

"Tiếp sức" cho người khuyết tật

Vượt qua những nỗi đau chiến tranh, với nghị lực phi thường, cuộc sống của gia đình Thương binh Trần Ngọc Hòa đã có nhiều thay đổi với mức thu nhập khá. Đây cũng là thời điểm ông muốn giúp đỡ cho người khuyết tật, những người có cùng hoàn cảnh.

"Việc kết nối, thành lập một tổ chức để giúp đỡ cho thương binh hay người khuyết tật tôi ấp ủ lâu rồi nhưng vì hoàn cảnh, cuộc sống còn khó khăn nên đến năm 2007 mới làm được. Tôi đã đến từng gia đình thương binh, khuyết tật, vận động họ thành lập và tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật, qua đó cùng giúp đỡ nhau vượt khó với phương châm "tàn nhưng không phế"", ông Trần Ngọc Hòa chia sẻ.

Lúc mới ra đời, Câu lạc bộ người khuyết tật phường Bắc Nghĩa chỉ có 34 thành viên nay đã tăng lên gần 100, trong đó hơn 30% là thương binh. Với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông đã vận động, tổ chức được nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong đó có việc vận động ủng hộ, tạo sinh kế cho người khuyết tật, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ con em hội viên nghèo hiếu học... Ngoài ra, với kiến thức có được, ông Trần Ngọc Hòa còn chữa bệnh miễn phí cho thương binh, người khuyết tật bằng các bài thuốc Nam.

Bên cạnh đó, ông còn trăn trở tìm hướng làm ăn cho các hội viên. Không quản ngại khó khăn, hàng ngày người thương binh này đi đến các gia đình của người khuyết tật cầm tay chỉ việc.

Ngoài ra, ông còn vận động, xin phường cấp cho 140 m2 đất để làm bãi giữ xe ở chợ của địa phương, tạo việc làm cho người khuyết tật, lấy kinh phí để hỗ trợ cho các hội viên khác.

Nhờ mô hình này mà hội viên có nguồn thu nhập ổn định, Câu lạc bộ có nguồn kinh phí để tổ chức các sự kiện, thăm hỏi, động viên các hội viên khi ốm đau, hay cho các hội viên vay vốn tạo việc làm... Nhờ vậy mà khi thành lập, Câu lạc bộ có hơn 50% là hộ nghèo thì đến nay chỉ còn một hội viên là hộ nghèo.

Anh Phan Văn Hảo (SN 1975) là một trong những trường hợp được Thương binh Trần Ngọc Hòa giúp đỡ, từ một người tự ti, cuộc sống phải đi ở nhờ tại lán trại của người quen, anh đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

"Bên cạnh việc tặng bò để phát triển kinh tế, ông Trần Ngọc Hòa và các hội viên Câu lạc bộ còn đến động viên, khích lệ để tôi cố gắng vượt qua khó khăn. Nhờ đó tôi từng bước mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, tôi cũng đã thoát nghèo, có thể xây dựng được căn nhà nhỏ, ổn định cuộc sống", anh Phan Văn Hảo tươi cười nói.

Với những đóng góp của mình, thương binh Trần Ngọc Hòa được chính quyền và người dân tín nhiệm bầu làm ủy viên Mặt trận tổ quốc phường. Ông từng được chọn là cá nhân xuất sắc tại hội nghị biểu dương người khuyết tật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình tổ chức và được UBND phường Bắc Nghĩa tặng Giấy khen cá nhân xuất sắc.


Nguồn: dantri.com

Sưu tầm: Ngọc Song
 


Bình luận

Viết bình luận