Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh: 20 năm chia sẻ và vun trồng yêu thương

Ngày đăng: 06/09/2019 - 936 lượt đọc

20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã trở thành mái nhà chung ấm áp, chia sẻ và vun đắp tình yêu thương cho những cảnh đời khó khăn trong xã hội.


Chăm sóc đối tượng người có công và bảo trợ xã hội là tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trung tâm.

Dù có đến trung tâm bao nhiêu lần đi nữa thì mỗi lần bước qua rặng phi lao phía ngoài cổng, qua những dãy hành lang lặng lẽ, chúng tôi cũng cứ có cảm giác như mình đang đến một miền ân tình sâu nặng. 20 năm qua, trung tâm đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm giữa nhân viên và các cụ thuộc đối tượng người có công lẫn đối tượng bảo trợ xã hội. Câu chuyện nào cũng thật nhiều tình yêu thương, cũng khiến người nghe rưng rưng cảm động.
Ông Trần Viết Tới - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh cho biết: “Hiện chúng tôi đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 100 đối tượng, trong đó, có 1 Mẹ Việt Nam anh hùng; 12 thương binh, vợ, con liệt sỹ; 28 người khuyết tật nặng và 60 cụ cao tuổi. May mắn lớn nhất của trung tâm là luôn có một đội ngũ nhân viên nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm, giàu lòng trắc ẩn. Nhờ đó, khó khăn nào cũng được hóa giải”.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm sóc từng bữa ăn cho các đối tượng

Hiện, trung tâm có 46 cán bộ, nhân viên (CBNV). Mỗi người khi đến làm việc tại đây, ngoài chuyên môn, đều mang trong mình một từ tâm rất lớn.
Trong rất nhiều câu chuyện xúc động về các nhân viên của trung tâm, chúng tôi đã rất cảm động khi biết về hoàn cảnh của nhân viên y tế Thái Thị Trà ở Hương Sơn.
Làm việc tại trung tâm đã 8 năm, do hoàn cảnh chồng là bộ đội xa nhà, 2 con còn nhỏ nên đều đặn hàng ngày, Trà sáng đi tối về. Những ngày thời tiết đẹp đã đành, những ngày mưa bão, Trà vẫn miệt mài đi về không chút nề hà.
Thái Thị Trà cho biết: “Các đối tượng ở trung tâm, hầu như ai cũng cần tình thương yêu. Càng gắn bó với trung tâm, càng tiếp xúc với nhiều cảnh đời cô đơn, bệnh tật, lòng trắc ẩn trong tôi càng lớn. Hàng ngày, chứng kiến các cụ tinh thần phấn chấn khi nhận được sự quan tâm của CBNV trung tâm, tôi càng có thêm động lực để cố gắng”.


Trung tâm đã đầu tư, sửa chữa, cải tạo nhà chuyên biệt và cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ

Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh hiện có 3 phòng chuyên môn nhưng hầu như các nhân viên ở đây đều tự nguyện đảm nhận trên 2 đầu việc. Không chỉ chăm sóc theo chuyên môn được phân công, đội ngũ nhân viên của trung tâm còn là những người con, người cháu, người anh, người chị tận tình chăm sóc sức khỏe các đối tượng thông qua việc giúp đỡ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện phục hồi chức năng hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, 80 tuổi ở xã Phương Mỹ (Hương Khê) cho biết: “Tôi vào đây đã 15 năm theo diện được bảo trợ cho người không nơi nương tựa có hoàn cảnh khó khăn. 15 năm qua, tôi coi đây là mái ấm của mình. Ở đây, tôi có những người bạn tuổi già. Đặc biệt, tôi có những người con nhân nghĩa là CBNV trung tâm. Những năm tháng “xế chiều” với tôi như thế này là quá hạnh phúc”.
Ngoài ra, trong các dịp lễ tết, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội, trung tâm cũng tổ chức nhiều chương trình vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho các đối tượng; tổ chức đưa các đối tượng đi tham quan, thắp hương tại nhiều địa chỉ lịch sử, văn hóa.
Nhờ sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên về mọi mặt của đội ngũ CBNV nên đời sống vật chất - tinh thần của đối tượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, người khuyết tật nặng.


Khám bệnh cho người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm

20 năm là mái ấm cho những mảnh đời neo đơn, những hoàn cảnh tật nguyền khó khăn, trung tâm đã quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 189 đối tượng. Từ một cơ sở được chuyển đổi, bàn giao lại, hàng năm, trung tâm đều được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại.
Đến nay, đơn vị đã có 2 cơ sở gồm Trung tâm và khu nuôi dưỡng tập trung tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) với diện tích 1,92 ha; cơ sở 2 là khu điều dưỡng người có công tại xã Thạch Bằng (Lộc Hà) với diện tích 1,5 ha.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, trung tâm còn đầu tư, mua sắm các phương tiện, máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị. Đặc biệt, đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng. Trong đó, năm 2018 và 2019, trung tâm đã đầu tư, sửa chữa, cải tạo nhà chuyên biệt và cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ. Với 20 giường đã được đầu tư, môi trường sống của các đối tượng cải thiện rõ rệt. Sự cải tiến này cũng góp phần giảm nỗi vất vả cho CBNV trung tâm.
Giám đốc Trung tâm Trần Viết Tới cho biết thêm: “Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, chúng tôi vui mừng vì những ý nghĩa mà mình đã mang lại cho xã hội. Hy vọng, trung tâm sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng của các đối tượng người có công, đối tượng xã hội và đối tượng tự nguyện. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung phấn đấu để từ năm 2020 trở đi sẽ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung từ 130 đối tượng trở lên và điều dưỡng luân phiên cho khoảng 6.000 đối tượng/năm”.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song