Chàng sinh viên cho ra đời bộ ảnh chụp người khuyết tật

Ngày đăng: 05/07/2021 - 1074 lượt đọc

Học chuyên ngành kiến trúc nhưng đam mê nhiếp ảnh, hễ rảnh rỗi là chàng sinh viên điển trai xách chiếc máy lang thang Hà Nội.

"Nhiếp ảnh gia" Trần Văn Trà chụp hình với vợ chồng thầy giáo tí hon - Ảnh: T.TRẦN

Mới đây, anh chàng trình làng những bộ ảnh về người khuyết tật "gây sốt" cộng đồng mạng như bộ ảnh kỷ niệm 1 năm ngày cưới của vợ chồng thầy giáo tí hon, người phụ nữ truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân bên đóa hoa sen.

"Hôm đó chị Vân rủ rê mình chụp ảnh trong lúc làm trà sen. Lên đến phòng thấy nhiều bông sen, nhiều lá sen to quá, mình nảy ra ý tưởng chụp chân dung chị Vân với hoa sen. Tận dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ, mình đặt chị nằm trong lá sen rồi rải chung quanh là bông sen để tạo cảm giác như đang ở hồ sen. Sau khi đăng tải trên Facebook, bộ ảnh nhận được rất nhiều lời khen ngợi" - Trần Văn Trà, 22 tuổi, ở Hà Nội, chia sẻ về ý tưởng cho ra đời bộ ảnh hoa sen mới trình làng.

"Người mẫu" của bộ ảnh mới này là chị Nguyễn Thị Vân (người điều hành Trung tâm Nghị lực sống và sáng lập Công ty Imagtor) - top 100 người phụ nữ truyền cảm hứng nhất thế giới do BBC bình chọn. Chính chị Vân cũng là người truyền cảm hứng cho anh chàng sinh viên trở thành tình nguyện viên thân thiết của Trung tâm Nghị lực sống.

Từ điện thoại đến chiếc máy ảnh đầu tiên

Đang là sinh viên năm thứ tư khoa kiến trúc Trường ĐH Xây dựng, hễ rảnh rỗi là Trà xách máy ảnh lang thang khắp nơi để thỏa đam mê chụp hình. Bắt đầu từ một chiếc điện thoại thông minh, cậu sinh viên ngỏ lời chụp ảnh cho những người xung quanh và gửi tặng cho họ những bức hình ấn tượng mang màu sắc tươi mới.

Nhưng không thể mãi chụp ảnh với chiếc điện thoại. Nhìn thấy anh chị nhiếp ảnh gia bên cạnh dàn máy ảnh "khủng", Trà cũng ao ước lắm nhưng điều kiện tài chính không đủ. Không thể xin tiền bố mẹ, cậu quyết định vừa học vừa làm thêm để tích cóp tiền. 15 triệu đồng là số tiền chàng sinh viên tích cóp được trong thời gian làm thêm. Với số tiền đó, Trà "tậu" chiếc máy ảnh cũ Canon 6D bắt đầu thử sức với những "shoot" hình chân dung đầu tiên.

"Bộ ảnh đầu tiên là chụp chân dung... chị hàng xóm. Hồi đó muốn khai máy ảnh mới nên mình đề nghị: "Chị có thể làm mẫu ảnh cho em chụp được không?". Chụp xong mình đăng tải trên Facebook không ngờ nhận được hơn 1.000 lượt thích", Trà nhớ lại cảm xúc với bộ ảnh đầu tiên.

Có lợi thế về chuyên ngành kiến trúc, chàng sinh viên ứng dụng những kiến thức, tư duy màu sắc được học, cho ra đời những gam màu mới lạ trong nhiếp ảnh. Là "tay ngang" đến với nhiếp ảnh, Trà phải mày mò tự học rất nhiều kiến thức, trau dồi thêm kiến thức trên mạng, qua những video hướng dẫn của các anh chị đi trước. Chàng trai 9X cho rằng chụp ảnh không hề khó, bất kỳ ai cũng có thể chụp được ảnh nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người sẽ tạo ra được những xúc cảm riêng biệt đối với từng bộ ảnh của mình.

Hàng chục ngàn lượt thích và bình luận

Cuối năm 2020, Trần Văn Trà "trình làng" bộ ảnh vợ chồng thầy giáo tí hon nhân kỷ niệm 1 năm ngày cưới. Ngay lập tức, bộ ảnh đã gây "bão mạng" với hàng chục ngàn lượt thích và bình luận bày tỏ xúc động khi chứng kiến chuyện tình lãng mạn của cặp vợ chồng tí hon Văn Hùng - Diễm My. 

"Anh chị tí hon tuy nhỏ bé về vóc dáng nhưng có nghị lực phi thường. Mình muốn kể về câu chuyện hạnh phúc của anh chị bằng những bức hình, nhờ đó có thể truyền cảm hứng, truyền động lực cho rất nhiều người trong cuộc sống", Trà bộc bạch.

Trà nhớ lần đầu tiên "thử sức" chụp chân dung về người khuyết tật là bộ ảnh về cô gái Vũ Thương ngồi xe lăn. Chàng sinh viên nhớ lại, bữa đó mấy chị em rủ nhau đến vườn hoa Long Biên chụp hình, trời nắng nhưng đổi lại chính nhờ nụ cười rạng rỡ, thần thái tự tin "ngút ngàn" của cô người mẫu đặc biệt khiến Trà dù vóc dáng mảnh khảnh vẫn sẵn sàng cõng cô đi hết vườn hoa này đến vườn hoa khác để tạo dáng, chọn góc chụp làm sao tạo được khuôn hình tự nhiên nhất.

"Chụp ảnh cho người khuyết tật cũng giống như chụp những người khác thôi, không có gì khó đâu", anh chàng khiêm tốn. Với mỗi dạng tật, Trà sẽ lên ý tưởng chụp khác nhau để làm sao tạo cảm giác thoải mái nhất trong quá trình chụp hình. Chẳng hạn như vợ chồng thầy giáo tí hon có thể đi lại được nên lựa chọn bối cảnh ngoài trời, song có những dạng khuyết tật không đi lại được, khi đó ý tưởng chụp là làm sao để "người mẫu" chỉ ngồi một vị trí mà vẫn giúp họ cảm thấy thoải mái, tự tin trước ống kính.

"Vừa chụp mình cũng hay tạo cảm hứng bằng những lời động viên các anh chị người mẫu, tếu táo đôi ba câu chuyện cười tạo bầu không khí thoải mái", Trà bộc bạch.

Với chàng sinh viên kiến trúc, đến nay khó nhằn nhất là thuyết phục chụp bộ ảnh về cô bé bị mất một cánh tay. Từ trước đến nay khi chụp hình, cô bé rất ít khi để lộ phần cánh tay bị khuyết, thay vào đó sẽ chọn áo dài tay để che đi hoặc giấu về phía sau. 

"Lên ý tưởng cho bộ ảnh này, mình thuyết phục em khoe vẻ đẹp của phần cơ thể bị khiếm khuyết gắn với tay giả để tạo điểm nhấn cho bộ ảnh. Khi đăng tải trên mạng xã hội, chính cánh tay khiếm khuyết ấy lại trở nên đặc biệt giúp em tỏa sáng, xinh đẹp trong từng khuôn hình", Trà chia sẻ đầy hào hứng.

Vừa học kiến trúc vừa theo đuổi đam mê chụp hình, vừa là tình nguyện viên của Trung tâm Nghị lực sống, tháng 3 vừa rồi Trà chuyển đến ở cùng các anh chị ở trung tâm cho tiện việc di chuyển. Ở phòng trọ đều là người khuyết tật, anh chàng dí dỏm nói "chỉ mỗi mình khác biệt". Được sống cùng họ giúp Trà hiểu hơn về cuộc sống của cộng đồng người khuyết tật và sẵn sàng làm nhiếp ảnh gia bất cứ lúc nào khi có ai đó ngỏ ý muốn chụp hình.

"Mỗi lần chụp được một bộ ảnh ưng ý về người khuyết tật mình cảm thấy rất vui, vui vì tạo ra được những bức ảnh đẹp cho mọi người. Các anh chị bày tỏ bất ngờ, có người xúc động khi nhìn thấy những bức hình của chính bản thân mình. Mình thấy may mắn vì được gặp, được sống cùng các anh chị khuyết tật, biết đến câu chuyện nghị lực của họ là động lực để mình sống tốt hơn trong cuộc đời này", Trà tâm niệm.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song