Công việc mới, độc đáo cho người khiếm thị

Ngày đăng: 04/03/2022 - 896 lượt đọc

Thay đổi cách nhìn nhận về người khiếm thị là sứ mệnh hoạt động của ScriVi, một dự án gỡ băng tiếng Việt do những bạn trẻ khiếm thị điều phối và duy trì hoạt động, nhằm tạo công ăn việc làm cho người đồng cảnh ngộ.

Tên gọi “ScriVi” (trong đó, “Scri” viết tắt cho “Scrivener”, chỉ những người phụ trách công việc liên quan đến giấy tờ; “Vi” vừa viết tắt cho “Visual impairment” - “Khiếm thị”, vừa viết tắt cho “Việt Nam”) đã thể hiện mong muốn được xã hội đánh giá đúng năng lực của người khiếm thị trước khi nhìn vào hạn chế của họ.

Hai thành viên của ScriVi là Khánh Vân (trái) và Tiến Khang

Mang lại cơ hội phát triển cho người khiếm thị

Cô Bùi Thị Thanh Tuyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Illinois Urbana - Champaign (Mỹ) thành lập Scrivi vào ngày 30.11.2020. Là người sáng mắt nhưng cô Tuyền đặc biệt quan tâm và muốn mang lại cơ hội phát triển cho người khiếm thị.

Còn hai bạn trẻ khiếm thị Nguyễn Thành Vinh (28 tuổi) và Nguyễn Phương Anh (24 tuổi) phụ trách điều phối chính ScriVi. Trước đó, cả hai biết đến cô Tuyền khi tham gia một nghiên cứu của cô về sinh viên khiếm thị.

Nơi đây đang là mái nhà chung của khoảng 26 người khiếm thị trong độ tuổi từ 20-30, một số ít lớn hơn 30 tuổi. Các thành viên chủ yếu sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội và TP.HCM.

ScriVi cung cấp 2 dịch vụ gỡ băng: cơ bản (ghi chép chính xác và trung thực nội dung băng, ngoại trừ các từ đệm như: à, ừ, thì, nó, cái...) và nâng cao (ghi chép tất cả những hiện tượng âm thanh xuất hiện trong băng bao gồm từ đệm, âm thanh cảm xúc, âm thanh hành động). Nhóm thường trải qua 6 - 8 giờ để gỡ băng cơ bản và 8 - 11 giờ cho gỡ băng nâng cao.

Thời gian đầu hoạt động, ScriVi đối mặt nhiều khó khăn, chẳng hạn chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, cả nhóm không bỏ cuộc và nỗ lực xây dựng được quy trình gỡ băng.

“Do mất thị lực, người khiếm thị có thể lắng nghe tốt hơn vì sự tập trung được dồn hết cho đôi tai. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một phát triển nhưng máy tính không thể gỡ băng chính xác vì không hiểu các từ đệm, tiếng lóng. Ngoài ra, máy tính không nghe được phương ngữ (giọng Nghệ An, giọng Huế...) mà chỉ nghe được giọng chuẩn”, Phương Anh phân tích.

Hiện khách hàng chính của ScriVi là các nhà nghiên cứu, giảng viên và nhà báo.

Từng là khách hàng của ScriVi với nhu cầu gỡ băng cho một nghiên cứu, chị Nông Thị Dung (sống tại tỉnh Cao Bằng) đánh giá cao những giá trị mà ScriVi đem lại. “Quy trình làm việc chuyên nghiệp, điều khoản bảo mật và hợp đồng rõ ràng, văn bản sau khi gỡ được trình bày chính xác”, chị Dung chia sẻ.

Khao khát chính đáng

ScriVi tuyên bố luôn hướng tới sự chuyên nghiệp và cố gắng mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, chứ không tồn tại vì muốn nhận lấy lòng thương cảm của bất cứ ai. Để làm được điều đó, từng người trong ScriVi phải cam kết không ngừng học hỏi và tiến bộ.

“Chúng tôi luôn thay đổi để trở nên tốt hơn. Giá trị thiết thực mà chúng tôi mang lại cho khách hàng sau mỗi lần hợp tác là thước đo hiệu quả và bền vững nhất để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng”, Thành Vinh nhấn mạnh.

Thu Hà là một trong số các thành viên của ScriVi

Phương Anh cho hay, gỡ băng là công việc mới dành cho người khiếm thị, phần nào giúp họ không bị “đóng đinh” vào các công việc chân tay. Ngoài mục đích tạo công ăn việc làm cho đối tượng này, ScriVi còn hướng đến nâng cao vị thế và quyền của người khiếm thị, giúp họ thể hiện bản thân một cách bình đẳng như người sáng mắt.

Khi được hỏi về động lực cố gắng trong cuộc sống của người khiếm thị, Vinh thẳng thắn chia sẻ: “Khao khát, mong muốn của tụi mình cũng giống những bạn sáng mắt khác. Mình không thích dùng cụm 'người khiếm thị' với 'người bình thường' vì chúng mình cũng bình thường chứ không có gì bất thường. Khao khát được chứng tỏ mình, được công nhận, được cống hiến cho xã hội là những khao khát chính đáng để tạo ra giá trị hạnh phúc bền vững”.

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Tạ Bình

 


Bình luận

Viết bình luận