Hưng Yên mở rộng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Ngày đăng: 18/06/2020 - 701 lượt đọc

Thực hiện đề án "Ðổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã mở rộng nhóm đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, áp dụng cho người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng.

Dạy nghề may công nghiệp tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: LỆ THU

Toàn tỉnh hiện có hơn 15 nghìn người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng này, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ðối với người khuyết tật, trong những năm qua, tỉnh triển khai nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ như: Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, tặng xe lăn, cấp học bổng, dạy nghề, trợ giúp tìm việc làm, trợ giúp pháp lý; trong đó, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Với sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên còn chủ động ban hành nhiều chính sách đặc thù của địa phương như: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; quy định các mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi từ 70 tuổi đến hơn 100 tuổi.

★ Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó BÐKH đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, UBND tỉnh tập trung thực hiện các khâu đột phá: Ðầu tư hạ tầng thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của địa phương và thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã góp phần bảo đảm tưới, tiêu nước chủ động phục vụ sản xuất; nâng tổng số kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên là 81,2 km (năm 2015, các địa phương chỉ mới kiên cố hóa được 4,38 km). Về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tỉnh đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án; triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư; đã phê duyệt và triển khai 11 dự án trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước tác động ngày càng lớn của BÐKH, tỉnh xác định mục tiêu lãnh đạo toàn ngành nông nghiệp khai thác tốt nhất lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn; hoàn thiện hệ thống thủy lợi; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả đặc thù. Tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thủy lợi Tân Mỹ, hồ chứa nước Sông Than, hệ thống hồ Kiền Kiền, các dự án kết nối liên thông hồ chứa. Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng ít sử dụng nước, gắn phát triển du lịch; hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; áp dụng nhiều công nghệ khoa học trong nuôi tôm giống.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song