Khoan thư sức dân thế nào khi dịch Covid-19 kéo dài?

Ngày đăng: 21/08/2020 - 668 lượt đọc

Các chuyên gia cho rằng khoan sức dân trước hết là giảm gánh nặng các khoản phải đóng cho doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài thì phải phục hồi được sản xuất, kinh doanh.

Trong cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 20/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nếu dịch Covid-19 kéo dài, có thể phải tính đến yêu cầu khoan thư sức dân. Đây là điều mà Thủ tướng đã từng nói đến nhiều lần, và khi dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội kéo dài thì việc khoan thư sức dân lại càng được quan tâm.

Khoan thư sức dân là gì?

“Khoan thư sức dân” hay nói ngắn gọn “khoan sức dân” được hiểu là nới lỏng sức dân. Đó là từ dùng để chỉ các chính sách để hỗ trợ người dân giảm các gánh nặng, qua đó tạo điều kiện vượt khó, vươn lên, phát triển.

Trong lịch sử Việt Nam, “khoan thư sức dân” được nhắc đến nhiều lần như một chính sách đặc biệt để chăm lo đời sống và nuôi dưỡng nguồn lực trong nhân dân. Điển hình là câu chuyện của Trần Hưng Đạo trước lúc lâm trung đã nói với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu dịch Covid-19 kéo dài, có thể phải tính đến việc khoan thư sức dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Năm 2020, Việt Nam đối mặt với biến cố lớn khi dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế - xã hội. Nhiều nhà kinh tế dự báo dịch còn ảnh hưởng trong dài hạn, không chỉ trong năm 2020 mà còn nhiều năm sau. Do đó, Chính phủ phải có chính sách hiệu quả, phù hợp với hình hình hiện nay.

Cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 19/8 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam. Lúc này là thời điểm Chính phủ phải tính đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới, dự trù kế hoạch thu - chi ngân sách Nhà nước các năm tiếp theo.

Giữa bối cảnh này, việc lập kế hoạch và dự trù là điều không hề đơn giản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh không được bị động trong việc lập kế hoạch, nghĩa là mọi phương án phải được tính đến. Trong đó, nếu dịch kéo dài thì phải “khoan thư sức dân”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho rằng “khoan sức dân” trước hết là việc “giảm gánh nặng về các khoản phải đóng” của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí...

“Giống như cơ thể yếu thì không nên bắt lao động nặng nhọc vậy”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho rằng “khoan sức dân” trước hết là việc “giảm gánh nặng về các khoản phải đóng” của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: HC.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã giảm 15% tiền thuê đất của năm 2020 cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nghị định 41 ban hành hồi tháng 4 cũng cho phép gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính phủ cũng giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… Hiện tại, Chính phủ cũng giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, các chính sách hỗ trợ có thể phải được gia hạn và bổ sung. Các chính sách cần gia hạn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, tiền thuê đất...

Đồng tình, một lãnh đạo của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng việc “khoan sức dân” phải đảm bảo được ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “khoan dân” cũng có nghĩa là giúp ổn định về tâm lý, không bị bất an, không bị phân tâm.

Ông nhấn mạnh các chính sách ban hành đều phải hướng đến giúp người dân an tâm, ổn định sản xuất và kinh doanh, không vì những ảnh hưởng của dịch bệnh mà bất an.

Yếu tố thị trường là chìa khóa

“Khoan sức dân” là quan trọng nhưng về lâu dài, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho rằng vẫn cần doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Để doanh nghiệp phục hồi, thì yếu tố thị trường là “chìa khóa”, giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển.

“Khi có thị trường thì sản xuất, cung trong nền kinh tế sẽ tăng theo”, ông nói.

Ông chỉ ra vấn đề hiện tại của doanh nghiệp là thiếu hụt dòng tiền. Vốn được ví như máu của cơ thể, thiếu hụt dòng tiền quá lâu có thể dẫn tới doanh nghiệp “chết”, trong khi doanh nghiệp chính là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tạo dòng tiền sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua, giúp họ tồn tại và có cơ hội cho phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc này không dễ bởi yếu tố thị trường (hay còn nói là nhu cầu) hiện nay đang rất yếu. Cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đang rất yếu dẫn tới tổng cung yếu theo.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năng lực sản xuất có thể không tổn hại nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn sản xuất do không bán được hàng. Đây cũng là lý do của tình trạng dù giá vốn (lãi suất tín dụng) khá hấp dẫn, doanh nghiệp không vay nhiều.

“Về lâu dài, thị trường là chìa khóa. Có thị trường, tự khắc sản xuất sẽ tăng theo”, ông nhấn mạnh.

“Khoan sức dân” là quan trọng nhưng về lâu dài vẫn cần doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng tình với điều này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng điều quan trọng hiện nay còn phải kích cầu tiêu dùng, tạo ra thị trường, từ đó mới khuyến khích sản xuất, kinh doanh.

Ở một góc nhìn khác, ông cho rằng “khoan sức dân” còn có nghĩa phải có chính sách huy động được nguồn lực trọng xã hội, khuyến khích người dân sản xuất, kinh doanh.

Một trong những cách để hút vốn toàn xã hội chính là đầu tư công. Ông Ngân lấy ví dụ ở TP.HCM, một đồng vốn đầu tư công giúp lan tỏa và thu hút đến 14-15 đồng vốn đầu tư xã hội. Trong khi mức trung bình của cả nước chỉ là 5 đồng.

“Tôi cho rằng cần làm sao thu hút được nguồn lực của tất cả thành phần kinh tế, thu hút doanh nghiệp dân doanh. Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của nền kinh tế”, ông nói.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì nên tập trung vào đầu tư công, vào những công trình trọng điểm quốc gia, kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn trong giao thông, y tế, giáo dục... Từ nguồn lực đó sẽ lan tỏa việc thu hút vốn trong dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về lâu dài.

Ông Ngân cũng đề xuất Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế. Những lĩnh vực ưu tiên được ông nhắc đến là chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các lĩnh vực giảm thiểu sự tiếp xúc con người với con người… Bởi đó là lĩnh vực về lâu dài sẽ cần thiết trong nền kinh tế bất chấp có dịch Covid-19 hay không.

Cách làm là Ngân hàng Trung ương cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 0%, các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất đã cộng thêm chi phí hoạt động của mình (chỉ khoảng 2-3%). Như vậy, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi đặc biệt với mức lãi suất chỉ khoảng 2-3%.

“Nghệ thuật điều hành của Chính phủ trong bối cảnh này là rất quan trọng”, ông nói.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song