Người khiếm thị Hà Nội khi nào mới có được một lối đi dành riêng cho mình?

Ngày đăng: 17/10/2019 - 3219 lượt đọc

Hà Nội đã và đang quan tâm xây dựng những vỉa hè có lối đi dành riêng cho người khiếm thị. Tuy nhiên, những công trình đó vẫn còn rất nhiều bất cập không phát huy được tác dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển thuận lợi trên đường. Vậy đến khi nào người khiếm thị Hà Nội mới có được một lối đi dành riêng cho mình?

Đường dành cho người khiếm thị ở trên vỉa hè và các khu vực tập trung đông người như các bến tàu, nhà ga, sân bay,… là sáng kiến của người Nhật và Nhật Bản cũng là nước áp dụng đầu tiên mô hình này. Ngay lập tức mô hình phần đường này phát huy được hiệu quả nên được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam.

 Đây là đường dành cho người khiếm thị ở Nhật Bản được thiết kế đúng quy chuẩn.

Theo đó, nguyên tắc chung của những phần đường này cũng được nhà sản xuất thống nhất để người khiếm thị phân biệt được thông qua cảm giác từ bàn chân và từ đầu gậy dẫn đường của mình. Đối với phần đường được lát gạch nổi các vân dạng que song song nối dài tiến về phía trước, tín hiệu này đồng nghĩa với việc bạn được quyền đi tới hoặc lùi. Còn đoạn đường có ghạch vân nổi hình tròn dùng để đặt ở các ngã ba, ngã tư để người khiếm thị biết rằng cần phải dừng lại để cân nhắc rẽ sang hướng nào. Người Nhật đã sử dụng mô hình này từ những năm 1965.

Hiện nay, ở Việt Nam, tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trên những tuyến phố mới xây dựng hoặc được cải tạo lại vỉa hè đã xuất hiện những đoạn đường có lối đi bộ dành riêng cho người khiếm thị. Tuy nhiên, việc xây dựng những lối đi bộ dành cho người khiếm thị hiện nay cũng còn nhiều bất cập, nên người khiếm thị vẫn còn gặp nhiều trở ngại khi sử dụng các công trình này. Theo quy định, phần đường dành riêng cho người khiếm thị phải được lát bằng 2 loại gạch dẫn đường gồm: gạch sọc để hướng dẫn đi thẳng tiếp, chấm bi để yêu cầu dừng lại. Tại các điểm giao cắt, nhất là tiếp giáp với đường phố phải có gạch chấm bi để cảnh báo người khiếm thị dừng lại. Và phần đường của người khiếm thị phải tránh các nắp cống, cây xanh, tủ cáp quang, trụ điện… Thế nhưng, trong quá trình thi công họ đã không căn cứ vào những quy định đó. Hơn nữa, họ không tìm hiểu kỹ sự di chuyển của người khiếm thị nên khi đưa vào sử dụng, những đoạn đường đó không có tác dụng gì cho việc di chuyển của người khiếm thị.

Vỉa hè trên phố Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội

Ngoài ra, trên một số tuyến phố ở Hà Nội hiện nay, phần đường dành riêng cho người khiếm thị đi bộ không được xây liền mạch ví dụ như trên đường Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu,  Nguyễn Trãi, Mạc Thái Tổ, Lạc Trung, Yết Kiêu… dù đã được lát bằng gạch theo quy định, nhưng trên các lối đi này thỉnh thoảng lại xuất hiện những cái cây, tủ cáp quang trụ điện…, chúng chiếm một nửa, thậm chí hai phần ba lối đi riêng của người khiếm thị. Đáng nói, trên một số đoạn vỉa hè, lối đi của người khiếm thị còn bị người dân ngang nhiên sử dụng để dựng xe máy, quán ăn, quán nước, bày bán hàng hóa làm mất hết lối đi của người khiếm thị. Còn ở những đoạn vỉa hè trước cổng cơ quan, công ty, trường học, thay vì lát làn đường bằng gạch vân dạng que song song, họ lại lát bằng loại gạch thông thường, điều này khiến người khiếm thị không xác định được phương hướng.

Nếu đi đúng phần đường dành cho mình, người khiếm thị sẽ đâm vào "xe máy". 

Hoặc đâm vào ô tô

Chính sự vô ý của người dân và những thiếu sót trong quá trình thiết kế, thi công của các nhà thầu dẫn đến việc người khiếm thị đang di chuyển trên đường bị va vào cột đèn hoặc gốc cây, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đối với người khiếm thị.

Để giúp người khiếm thị Hà Nội có được một lối đi dành riêng cho mình và thực sự mang lại hiểu quả sử dụng đối với những công trình đầy nhân văn này thì trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự góp mặt của các tổ chức của người khiếm thị ngay từ khâu thiết kế, thi công những công trình được xây dựng mới. Đối với những công trình xây dựng cũ, thì cần được sửa chữa, cải tạo lại và thiết kế thêm lối đi dành riêng cho người khiếm thị. Cần tuyên truyền tới người dân về việc không lấn chiếm làn đường dành riêng cho người khiếm thị để đảm bảo sự di chuyển an toàn đối với người khiếm thị.

Bùi Ngọc Song