Những cuộc đời không ngừng đi tới

Ngày đăng: 29/04/2020 - 1237 lượt đọc

Anh Lê Việt Cường (44 tuổi, chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art) chia sẻ mỗi thành viên được ví như những mảnh vải vụn, từ những miếng li ti sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ

Các thành viên Hợp tác xã Vụn Art yêu thương nhau như một gia đình - Ảnh: Nam Trần

Thời điểm cách ly xã hội vì dịch COVID-19, nhiều cửa hàng lụa đóng kín cửa, riêng căn phòng nhỏ ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) có 16 thành viên của Hợp tác xã Vụn Art vẫn tỉ mẩn cắt, ghép từng miếng vải vụn lên áo thun hay những chiếc túi đẹp mắt cho kịp hoàn thành đơn hàng.

Từ mảnh vải vụn...

Dung có đôi mắt rất đẹp. Sinh ra và lớn lên ở Vạn Phúc, cô thiếu nữ làng lụa Hà Đông còn có tài vẽ vời. 18 tuổi, cô xin vào hợp tác xã, đảm nhiệm công việc vẽ họa tiết lên giấy. "Vẽ dễ lắm - Dung cười - Nhưng cắt thì khó hơn". 

Bị khuyết tật vận động, bàn tay trái bị teo lại, nhưng cô không dễ dàng từ bỏ. Thay vào đó, cô dùng ngón tay út bên trái cử động linh hoạt nhất tì chặt lên mảnh giấy, tay kia khéo léo đưa chiếc kéo lên cắt thành từng hình tròn to nhỏ, hình chú chuột, cậu bé chăn trâu... Những mẫu họa tiết trên giấy với nhiều hình dáng khác nhau sẽ được các bạn khuyết tật đưa lên vải.

20 tuổi, Lê Nguyễn Thùy An rời xứ Nghệ khăn gói ra thủ đô. Đây là lần đầu tiên An đi xa đến như thế. "Tập thích nghi ở trọ, trước đây mình không biết nấu ăn đâu, giờ thì biết nấu rồi này" - An chậm rãi nói, cố gắng diễn đạt rành rọt từng từ. Khó khăn về giao tiếp, tay chân run rẩy nhưng An cũng chẳng từ bỏ. 

Bằng chứng là nay cô gái xứ Nghệ đảm nhiệm công việc thiết kế ra các mẫu sản phẩm. An chỉ mất nửa tháng để học hết các kiến thức về ghép tranh, nay thì chừng nửa ngày là cô hoàn thiện một sản phẩm. 

"Cứ cắt thôi, tập luyện nhiều hơn, càng tập càng làm được. Thử thách nhất là với áo trơn, tay mình run run nên phải căn chỉnh sao cho đúng mới chuẩn xác được. Nhưng thấy áo đẹp, túi đẹp, thích lắm" - An nói, mắt ánh lên niềm vui.

"Mỗi người khuyết tật chúng tôi như miếng vải vụn, bơ vơ mỗi người một nơi, nhờ keo kết dính của cộng đồng sẽ thành mảnh vải rất lớn, chứ không còn là vụn nhỏ li ti như mới đầu" - anh Cường chia sẻ. 

Thành lập từ năm 2017, đến nay hợp tác xã đã đào tạo dạy nghề cho 35 người khuyết tật. Hiện nay có 16 thành viên ở lại xưởng làm việc, mỗi người một hoàn cảnh. 

Để kết nối với nhau, anh Cường cho biết hợp tác xã mời giáo viên ngôn ngữ ký hiệu về phiên dịch cho các bạn người điếc hiểu về chuyên môn, chia sẻ thêm về kỹ năng sống. Cùng với đó, các thành viên khác cũng học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu và gắn kết với nhau như một gia đình, yêu thương và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Anh Lê Việt Cường, sáng lập Vụn Art, với sản phẩm áo thun mang thông điệp trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: Nam Trần

Kết dính vì nhau

Anh Cường chia sẻ mới đầu thành lập, Vụn Art đào tạo nghề làm tranh ghép vải, tuy nhiên dòng tranh này khó cạnh tranh được trên thị trường, do đó hợp tác xã chuyển hướng sang các sản phẩm gắn kết với đời sống hằng ngày với bốn dòng sản phẩm chính gồm: tranh ghép vải lụa, túi vải lụa, ví vải lụa và áo phông. 

Khi biết đến phương thức hoạt động của Vụn, nhiều công ty, nhà may mang đến ủng hộ, tặng lại vải vụn đáng lẽ sẽ bỏ đi. Nhận vải về, các thành viên có nhiệm vụ sàng lọc, giặt sạch sẽ rồi đưa vào làm sản phẩm.

Từng bước thực hiện ước mơ của cả nhóm, Vụn Art đã từng mời các họa sĩ như Đặng Thị Khuê, Nguyễn Văn Trường, Lê Thế Anh đến dạy cho người khuyết tật hiểu về bố cục, màu sắc. Không chọn mẫu họa tiết ở trên mạng, thay vào đó các họa sĩ giám tuyển, chọn mẫu cho người khuyết tật thiết kế, vẽ, cắt, dán đến khi nào đưa được sản phẩm vào cuộc sống.

Nhớ lại những bước đi đầu tiên, anh Cường cho biết phải đến tận nhà để vận động người khuyết tật đi học nghề. Bản thân cũng là người khuyết tật, anh thấu hiểu được ý nghĩa khi người khuyết tật có được một công việc ổn định. 

Anh may mắn được một cơ quan nhà nước nhận vào làm việc, làm ở đó chừng 14 năm, sau này chuyển sang làm tư nhân cho đến bây giờ. Tuần hai buổi anh Cường ở cơ quan làm việc, còn lại dành hết thời gian cho việc phát triển Vụn Art.

"Có thể sản phẩm lúc đầu chưa tốt, chưa đạt đến mức tốt 100% nhưng ít nhất từ 70-80% cũng giúp mọi người có cái nhìn khác đi. Người khuyết tật tạo ra được sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, tạo ra việc làm bền vững. Chính điều đó thôi thúc tôi làm, làm sao để cộng đồng thay đổi cách nghĩ về người khuyết tật" - anh Lê Việt Cường quả quyết.

Chiếc áo "giữ bình tĩnh", "rửa tay"

"Keep Calm and Wash Your Hands" (tạm dịch: Giữ bình tĩnh và rửa tay) - thông điệp cực kỳ thời thượng trong mùa dịch COVID-19 được các bạn khuyết tật ở Vụn Art truyền tải lên chiếc áo thun đủ sắc màu. Phía trên là hình ảnh đôi bàn tay được rửa sạch sẽ bằng xà phòng đánh bay virus corona. Anh Cường chia sẻ điều đặc biệt ở mẫu áo này là từ hình ảnh đôi tay cho đến thông điệp đều được ghép hoàn toàn từ lụa.

"Chiếc áo là ý tưởng của bạn Minh bị bại não với mong muốn khuyến cáo mọi người thường xuyên rửa tay để đảm bảo vệ sinh. Thời gian thiết kế, sửa đi sửa lại để hoàn thiện mẫu áo mất 10 ngày" - anh Cường cho biết. Vừa cho "ra lò" đã có khoảng 100 đơn đặt hàng với giá 300.000 đồng/áo thun, mỗi sản phẩm áo sẽ được bảo hành trong vòng 3 tháng, có thể đổi trả nếu phát hiện có lỗi sản phẩm.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song