Phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam"

Ngày đăng: 06/12/2019 - 821 lượt đọc

Ngày 5-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, chương trình không chỉ để công bố sáng kiến mà còn là một cuộc tổng kết về quá trình thực hiện các chính sách xã hội và đóng góp vào an sinh xã hội. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn đối tượng là những người khuyết tật để giúp đỡ và chia sẻ.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cam kết phát triển bền vững. Theo đó, cần thực hiện 3 trụ cột về phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau như Liên Hợp quốc đã khẳng định. Cụ thể, trụ cột thứ nhất là phát triển kinh tế gắn với xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế đã bao hàm các yếu tố xã hội mà động lực chính là sức mạnh của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trụ cột thứ 2 là thực hiện bình đẳng xã hội, chăm lo những người yếu thế, phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật để thể hiện sự bình đẳng. Trụ cột này rất cần sự tham gia của nhiều người trong cộng đồng xã hội kể cả các tổ chức và cá nhân. Trụ cột thứ 3 là nâng cao năng lực quản trị xã hội bao gồm năng lực thể chế, năng lực điều hành, năng lực hoạch định chính sách có sự tham gia của ngành kế hoạch và đầu tư.

Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó, cần có những trái tim nhân hậu. Sáng kiến hôm nay chính là những trái tim nhân hậu, là tình yêu thương giữa những con người.

Các đại biểu trao biểu trưng cây gậy trắng.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hy vọng, những chương trình ý nghĩa như sáng kiến cây gậy trắng cho người mù của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lan tỏa rộng khắp, trở thành cầu nối giúp người yếu thế hòa nhập cộng đồng tự tin hơn, an toàn hơn, vì một xã hội nhân văn và ngày càng văn minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người khuyết tật cần an toàn hơn, văn minh hơn, đó là lý do vì sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhóm người yếu thế trong xã hội. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội, tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa đối với người nghèo, những người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội, với mục tiêu là vì sự phát triển của cộng đồng. 

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, cả nước có 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội; trong đó, có hơn 6 triệu người khuyết tật; riêng người mù và người khiếm thị là hơn 3 triệu người. “Đây là những con số đáng suy nghĩ để có giải pháp bảo đảm cho sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cần có các cơ chế, chính sách được lồng ghép trong các chiến lược phát triển của đất nước, các kế hoạch, chương trình của nhà nước; đồng thời cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi lễ

Sau buổi lễ, hơn 10.000 cây gậy trắng sẽ được trao đến tay những người khiếm thị. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng trong thời gian tới, sáng kiến gậy trắng cho người mù Việt Nam sẽ được nhân rộng, thu hút đủ nguồn lực để tất cả người khiếm thị đều được tặng gậy...Quang cảnh buổi lễ

Mỗi cây gậy trắng - biểu tượng của người khiếm thị thế giới, là công cụ thiết thân để người khiếm thị và người mù có thể tự đi lại an toàn. Gậy trắng còn là biểu tượng của người khiếm thị trên thế giới, thể hiện sự tự tin xuất hiện và hòa nhập trong cộng đồng của người khiếm thị. Sáng kiến cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư khởi động và bảo trợ sẽ góp phần quan trọng thay đổi thực tế còn vô vàn khó khăn với người mù Việt Nam.

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song