Thông điệp trân quý bản thân từ những người khiếm thị

Ngày đăng: 23/11/2020 - 812 lượt đọc

Một buổi giao lưu ra mắt sách độc đáo diễn ra tại Đường sách TP.HCM sáng 17-11. Những người khiếm thị và giới làm sách đã cùng chuyển tải thông điệp quan trọng: Hãy trân quý bản thân.

Cô Lê Dương Thể Hạnh (thứ 2 từ phải) đang kể câu chuyện mình trở thành người khiếm thị tại buổi giao lưu - Ảnh: L. ĐIỀN

Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị là một trong bốn quyển sách được ra mắt trong đợt này. 

Ba quyển còn lại đều là những sách chuyên dùng cho người khiếm thị và những ai quan tâm đến thế giới của người khiếm thị: Những khái niệm cơ bản về khiếm thị, Phương pháp dạy chữ nổi cho thanh thiếu niên và người trưởng thành, Phương pháp dạy chữ nổi cho trẻ em.

Ba quyển này đều là giáo trình của Trường khiếm thị Hadley School for the Blind (Ilinois, Hoa Kỳ), cho phép Mái ấm Thiên Ân chuyển ngữ và thầy giáo Nguyễn Quốc Phong - người sáng lập mái ấm Thiên Ân - là dịch giả chính.

Chương trình khiến mọi người rơi vào một khoảng chùng lòng, khi khách mời là thầy Nguyễn Quốc Phong và cô Lê Dương Thể Hạnh có mấy lời tự bạch về hoàn cảnh dẫn đến khiếm thị của mình.

Từ một người sáng mắt, do nghịch cảnh khiến phải sống phần đời còn lại trong thế giới mù lòa, cảm giác ban đầu và những chuyển biến trong nội tâm lẫn các phản ứng của bản thân và tâm tư tình cảm... là những trạng thái không phải người mù nào cũng giống nhau, và càng khó khăn để những người đang sáng mắt có thể chia sẻ.

Chính vì vậy, việc phổ biến các sách chuyên ngành, có nội dung tích cực và thông điệp lành mạnh về người khiếm thị cho cả người sáng mắt, là việc cần thiết không bao giờ muộn.

Đây cũng chính là niềm ấp ủ của thầy Nguyễn Quốc Phong từ năm 1998 lúc ông rơi vào tình trạng mù lòa và được học hàm thụ với trường Hadley School for the Blind, được tiếp cận giáo trình Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị và cứ nghĩ biết bao giờ người khiếm thị Việt Nam mới được đọc bản dịch sách này.

Thế rồi cơ duyên cũng đến. "Phải nhờ phần mềm sách nói, nhờ máy tính, nhờ anh bạn cộng sự, tôi mất hơn mười năm mới dịch xong quyển sách này" - ông Phong tâm sự.

Duyên may tiếp theo là cô Lê Dương Thể Hạnh vì có mối liên hệ gắn bó với ông Phong, đã đề nghị đưa bản thảo dịch phẩm ấy cho NXB Phụ Nữ để ấn hành; tiếp theo là PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng hay tin về chương trình xuất bản bộ 4 quyển sách cho người khiếm thị như vậy, đã nhiệt tình đập ống heo và dành hết nhuận bút ba bài viết tựa sách để tài trợ toàn bộ chi phi in ấn loạt sách này.

Đây là sự cộng hưởng bước đầu đáng quý. Bản thân bà Hạnh cũng từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi cơn bệnh quái ác đã đẩy cô vào trạng thái mù lòa, thế nhưng, cũng nhờ lời khuyên từ ông Phong, từ những mái ấm chân tình, bà Hạnh đã đứng lên, "xây dựng lại từ đống đổ nát của số phận mình" và làm việc không ngừng nghỉ cho các chương trình dạy ngoại ngữ, hỗ trợ người khiếm thị như mình.

Lê Dương Thể Hạnh, trong điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, đã từng là tác giả của quyển sách Có một mặt trời không bao giờ tắt rất được bạn đọc đón nhận; đến nay bà Hạnh đã ra 3 đầu sách của riêng mình, và quyển sách thứ 4 nhan đề Sứ mệnh của hoa - tập trung nội dung tôn vinh người phụ nữ sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Tập thể người khiếm thị đồng diễn văn nghệ chào mừng chương trình giao lưu - Ảnh: L. ĐIỀN

Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị của hai tác giả Dean W. Tuttle & Naomi R. Tuttle, là giáo trình quan trọng, phân tích sự mất thị lực trong khung cảnh đan xen giữa sự phát triển cảm thức trân quý bản thân và và tiến trình thích nghi với tổn thương của thể chất/ xã hội.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song