Truyền nghề cho trẻ khuyết tật

Ngày đăng: 02/12/2021 - 817 lượt đọc

Không bảng đen phấn trắng, người đứng lớp này cũng chưa từng được đào tạo qua ngành sư phạm… nhưng có một lớp học đặc biệt đã được lập ở Quảng Nam để truyền nghề cho những người kém may mắn.

Lớp học đặc biệt do ông Trương Ngọc Bích (57 tuổi, Hội trưởng Hội Người khuyết tật H.Thăng Bình) quản lý tại TT.Hà Lam luôn ngập tràn tình yêu thương mỗi ngày. Không giống như bao lớp học khác, lớp của “thầy Bích” là nơi sinh hoạt của các học viên khiếm thị, khiếm thính, mắc bệnh bẩm sinh. Ông Bích cũng trở thành người thầy “bất đắc dĩ”, truyền nghề cho 12 học sinh về cách làm hoa giấy để các em có thêm thu nhập.

Em Trịnh Văn Hải đang làm hoa giấy. Ảnh: ĐỨC TÀI

Từ tháng 11.2020, ông Bích mở lớp dạy làm hoa giấy thủ công này, mời các cô giáo từ Hà Nội vào tập huấn. Nhưng lớp truyền nghề gặp chút ít “trục trặc” trong giao tiếp, học viên khiếm thị, khiếm thính không tiếp thu hiệu quả. Ông Bích đã phải tình nguyện làm “học sinh” để học cách làm hoa giấy, rồi sau đó rỉ ra truyền đạt lại cho các em. Từ “học sinh” lớn tuổi, ông trở thành thầy giáo.

Có thể hình dung được những trở ngại trong những ngày đầu truyền nghề, dù ông Bích đã vào cuộc. Nhưng rồi “thầy Bích” vẫn kiên trì. Ông chỉ dẫn từng chút một, luôn động viên an ủi… “Dạy nghề cho các em khiếm thính vô cùng khó. Tôi phải tự học ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện, hướng dẫn…”, ông Bích nói.

Những sản phẩm hoa giấy tại lớp học đặc biệt

Trong lớp học làm hoa giấy của “thầy Bích”, mỗi học trò là một hoàn cảnh riêng. Ông chia sẻ, dạy học bình thường đã khó, dạy các em khiếm thính còn khó hơn. Có những em hơn 10 ngày mà vẫn chưa nắm được các bước cơ bản về việc gấp cánh hoa. Nhưng rồi, sự kiên nhẫn của thầy và trò đã được đền đáp, hiện hầu hết các em đã gấp hoa giấy thuần thục…

Trịnh Văn Hải (18 tuổi, ở xã Bình Sa, H.Thăng Bình) mắc bệnh hở van tim, sức khỏe yếu, phải nghỉ học từ năm 15 tuổi. Sau thời gian ở nhà, Hải được “thầy Bích” vận động và tham gia Hội người khuyết tật. “Em vào lớp học nghề này được 3 tháng, được thầy Bích chỉ dạy cách làm hoa giấy và các sản phẩm thủ công. Ở đây em rất vui, nhiều anh chị giờ đã trở thành bạn bè. Thầy Bích luôn tận tình chỉ dạy nên hiện nay em đã có được một nghề, mong rằng sau này có thể giúp đỡ một phần cho gia đình từ nghề mới này”, Hải nói.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (26 tuổi, xã Bình Đào, H.Thăng Bình) thường xuyên “nhốt” mình trong nhà vì chứng béo phì, ngại ra đường. Biết được hoàn cảnh này, ông Bích đã đến nhà mời tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ. “Mình rất vui khi được chú Bích dạy cho cách làm hoa giấy, sau hơn 1 tuần thì thành thạo. Mình luôn xem chú như người thầy. Công việc này không chỉ cho mình niềm vui mà còn giúp có thêm thu nhập”, Linh tâm sự.

Chính những công việc phù hợp đã giúp các bạn trẻ bước qua những rào cản vô hình để hòa nhập cộng đồng. Tưởng như những bạn trẻ khuyết tật sẽ tiếp tục “thu mình” trong không gian riêng biệt. Nhưng cuối cùng họ đã tìm được nghề, đã làm ra nhiều sản phẩm thủ công như cánh hoa hồng đủ màu sắc, chiếc kẹp tóc duyên dáng... dù rất khó nhọc. Giá bán của những sản phẩm thủ công này cũng tương xứng công sức làm ra, như mỗi bình hoa giấy dao động từ 120.000 - 170.000 đồng. Khoản tiền thu được vừa trang trải sinh hoạt phí vừa giúp các em có thêm thu nhập riêng.

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Ngọc Song
 


Bình luận

Viết bình luận