Xây dựng khung pháp lý để người khiếm thị dễ dàng tiếp cận thông tin

Ngày đăng: 28/09/2022 - 1618 lượt đọc

Hiện chỉ có khoảng 0,6% người khiếm thị, người thị lực kém sử dụng dịch vụ thư viện. Thực trạng khan hiếm các ấn phẩm, tài liệu mà người khuyết tật nhìn có thể tiếp cận được tại Việt Nam đang tạo ra khoảng cách lớn trong tiếp cận tri thức, phát triển bản thân.

Đây là thực tế được đưa ra tại Hội nghị Phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sáng 27/9, tại Hà Nội.

Nước ta hiện có khoảng 2 triệu người mù và người thị lực kém, chiếm 13,84% người khuyết tật. Dù vậy hiện các ấn phẩm, tài liệu mà người khuyết tật nhìn có thể tiếp cận còn ít và chỉ có khoảng 12.000 người khuyết tật nhìn sử dụng dịch vụ thư viện.

Bà ĐINH VIỆT ANH - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam: “Số lượng các tài liệu chuyển sang định dạng dễ tiếp cận (với người khuyết tật nhìn) ở các nước đang phát triển như Việt Nam chỉ khoảng 1%. Số sách giáo khoa tiểu học chuyển sang chữ nổi mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.”

Để hỗ trợ cho người khuyết tật về thị giác có cơ hội tiếp cận sản phẩm văn hóa, ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3 vừa qua đã bổ sung Điều 25a về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Đây là một trong những Điều luật chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác tiếp cận với các tác phẩm thuận lợi hơn qua các định dạng như audio, chữ nổi, văn bản điện tử…

Bà PHẠM THỊ KIM OANH - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả: “Khi công nghệ phát triển, chữ nổi không chưa đủ, để đáp ứng nhu cầu, sự thiếu thốn về thông tin, tư liệu, tài liệu, để họ tiếp cận thuận lợi hơn cần có sự sửa đổi với những giới hạn ngoại lệ. Không chỉ Việt Nam, Hiệp ước Marrakesh được thông qua với 89 quốc gia sẽ là một khung pháp lý giúp người khuyết tật tiếp cận với sản phẩm khoa học.”

Đáng chú ý, Hiệp ước quy định ngoại lệ cho phép tạo ra các bản sao dễ tiếp cận cho người khuyết tật nhìn, có nghĩa là không cần sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Đồng thời quy định ngoại lệ cho phép phân phối định dạng dễ tiếp cận cho người khuyét tật nhìn kể cả truyền dẫn kỹ thuật số, tạo sự bình đẳng và hòa nhập cộng đồng.

Nguồn: Báo mới

Sưu tầm: Đinh Thị Quỳnh Trang


Bình luận

Viết bình luận