Doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi

Ngày đăng: 10/06/2019 - 916 lượt đọc

'Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật trong đó có thương binh được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% lao động trở lên là người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về người khuyết tật', Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Thương binh và người khuyết tật.

Doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi

Theo phản ánh của Hiệp hội Thương binh và NKT, người khuyết tật bao hàm cả thương binh, bệnh binh cho nên thực tế đã hình thành các mô hình: doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng cả lao động là thương binh và người khuyết tật. Lại có doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là thương binh.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, bổ sung công nhận các mô hình doanh nghiệp có tính đặc thù, đó là: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh và người khuyết tật trở lên” và “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh trở lên”.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cơ chế hỗ trợ đặc thù cho loại hình “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh trở lên”.
Trả lời Hiệp hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hồ sơ, thủ tục và trình tự công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thực hiện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐ–TB&XH, trong đó, lao động là người khuyết tật phải có bản sao Giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Do vậy, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật trong đó có thương binh được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% lao động trở lên là người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Cùng với đó, Hiệp hội cũng kiến nghị, được miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên.
Đồng thời điều chỉnh quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP: “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật” bằng quy định: “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên".
Theo lý giải của Hiệp hội, quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với thực tế, giữ được sự ổn định để phát triển, đáp ứng nguyện vọng của người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay”.
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Bộ LĐ–TB&XH cho biết, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật.

Nguồn: baomoi.com

Sưu tầm: Ngọc Song