Nghị lực vươn lên của những mảnh đời bất hạnh

Ngày đăng: 15/01/2021 - 857 lượt đọc

Những người khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và ý chí vượt lên, nhiều người khuyết tật đã biết vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng.

Những ngày cuối năm, được gặp và trò chuyện cùng với chị Ôn Thị Hồng Nhan, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thật cảm phục. Chị là một trong số những người khuyết tật đầy nghị lực phi thường. Chị Nhan nhớ lại, những năm tháng tự ti, sống khép mình, ít tiếp xúc với mọi người, vì bệnh tình ngày càng trở nặng, đôi chân ngày một teo dần và sinh hoạt trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng bằng nghị lực, tình yêu thương của gia đình chị Nhan đã xóa bỏ mặc cảm, tự ti về những khiếm khuyết trên cơ thể, vươn lên trong cuộc sống.

Cách nay hơn 10 năm, tức vào năm 2007, chị Nhan tự tìm đến cơ sở Nhịp Cầu để học nghề thủ công mỹ nghệ; chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ gáo dừa. Sau đó, chị được tham gia vào khóa học thiết kế đồ họa, do Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ hỗ trợ và giao thiết kế những sản phẩm đồ họa phục vụ hoạt động của Hội. Chị Nhan tâm sự, sau khi hoàn thành khóa học, chị tự đăng ký tìm việc qua các trang thông tin giới thiệu việc làm trên mạng.         

Đến năm 2019, chị bắt đầu nhận việc và giao sản phẩm qua mạng cho một Công ty quảng cáo ở thành phố Hồ Chí Minh, với mức lương khá. Tuy nhiên, một năm sau chị đã quyết định không làm việc qua mạng, vì lý do khách quan, chị không muốn mình thui thủi suốt ngày với màn hình vi tính và bốn bức tường. Điều chị mong muốn được làm việc chung với mọi người nên chị tiếp tục tìm kiếm công việc tại Cần Thơ. Số phận đã mỉm cười với chị một lần nữa, cộng với sự kiên trì, chị nghe được thông tin từ một người bạn là Công ty TNHH Vật tư Quảng cáo - in ấn Phát Thành, ở quận Bình Thủy có tuyển dụng người Khuyết tật, chị nộp hồ sơ và may mắn được tuyển vào làm việc đến hôm nay.

Chị Nhan xúc động chia sẻ thêm, có lẽ đây là sự may mắn, bởi khi vào làm việc tại Công ty, chị được các đồng nghiệp yêu thương, cảm thông trên tinh thần không xem nhẹ chị là người khuyết tật. Chị luôn được đồng nghiệp quan tâm, đặc biệt lãnh đạo Công ty tạo mọi điều kiện tốt nhất như thiết kế nhà vệ sinh riêng, làm đường dốc để chị dễ dàng di chuyển trên chiếc xe lăn của mình. Chị không ngại khó, ngại khổ, cố gắng hoàn thành tốt công việc hằng ngày là tiếp nhận mail và xử lý những file thiết kế của khách hàng gửi về như: Các file thiết kế về Logo, bảng hiệu và banner...

Chị Nhan ngồi trên chiếc xe lăn. Trong lần được mời để chia sẻ kinh nghiệm học trong dự án nhỏ của Liên Minh Na Uy tài trợ, để chia sẻ cho các cô chú, anh chị ở Cà Mau.

Chị Nhan nói, sẽ cố gắng hết sức mình làm thật tốt công việc, để không phụ lòng tin của người đã đồng ý tuyển dụng người khuyết tật như chị đây: “Nói chung em rất may mắn, bởi có một câu nói rất đúng “ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Năm em 9 tuổi, em mới bị bệnh viêm tủy sống, lúc đó đang học lớp 2. Nhà thì không có điều kiện, khó khăn, nghèo nhưng nhờ ba thường hay mua sách báo cho đọc, trau dồi thêm. Từ đó, mình cũng chịu khó học, đọc nhiều; nói chung là tự học nhiều. Bây giờ, ước mơ đã thành sự thật, đến thời điểm hiện tại, sau khi học xong làm cho một công ty cho đến bây giờ. Cuộc sống bây giờ là sống thoải mái”.

Một trường hợp khác cũng khiến bao người cảm phục vì nghị lực vươn lên trong cuộc sống; đó là anh Trần Thành Hiếu, nhà ở quận Ninh Kiều. Anh Hiếu không may bị sốt bại liệt từ năm anh lên 3 tuổi, với thân hình nhỏ nhắn, xương sống cong vẹo anh không thể ngồi lâu như người bình thường. Anh đã phải nỗ lực vượt lên số phận đầy gian nan, đến nay được 33 năm.

Anh Hiếu kể lại: Từ nhỏ sống trong sự yêu thương và chăm sóc của người mẹ hiền, cha đã bỏ anh đi từ khi còn nhỏ; một mình mẹ hiền vất vả nuôi anh khôn lớn. Có lẽ, thương mẹ và không muốn mình trở thành gánh nặng trong gia đình; bằng ý chí vươn lên dù rằng cơ thể không hoàn hảo và sức khỏe kém hơn người khác. Anh cũng là một trong những người khuyết tật được sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ giới thiệu tham gia học lớp thiết kế đồ họa cùng với chị Ôn Thi Hồng Nhan. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, anh không thể ngồi lâu nên đã quyết định chọn cho mình công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Hiếu và chị Nhan ngồi trên xe lăn (ở giữa) trong đợt tập huấn Luật người khuyết tật và Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật.

Anh Hiếu chia sẻ: “Lúc đầu em đi bán vé số; sau đó Hội hỗ trợ em học thiết kế, cho đến khi tốt nghiệp xong là em ra làm online luôn. Em không muốn mình đi bán vé số cả đời nên em muốn cho mình một cơ hội. Ngay tháng đầu tiên em đã kiếm được vài triệu đồng khiến em rất mừng so với bán vé số mà không phải dãi nắng dầm mưa".

Chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung – Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ cho biết, mong muốn của Hội tạo cơ hội cho các bạn hòa nhập với cộng đồng và điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy để tìm kiếm cơ hội việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bởi lẽ, có việc làm và thu nhập đủ sống là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hội viên người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống. Chính vì vậy, Hội chủ động kết nối sự hỗ trợ từ các đơn vị, cá nhân, tạo điều kiện cho hội viên học nghề phù hợp và có thu nhập ổn định. Trên cơ sở tài trợ của Tổ chức Liên minh Na Uy, Hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức được 2 khóa đào tạo nghề thiết kế đồ họa cho 11 hội viên. Kết quả, đến nay có 6 người ứng dụng tay nghề, thu nhập rất tốt. 

“Chị đang nói tới Nhan và Hiếu, khi mà các bạn gặp chị, lúc đó thật sự chưa có nghề. Chị phải tìm nghề nào mà một mình các bạn có thể tự làm được, lâu dài và bền vững”, chị Nhung chia sẻ.     

Vẫn còn rất nhiều người khuyết tật đang từng ngày phải vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Những tấm gương như chị Nhan và anh Hiếu mà chúng tôi vừa kể rất đáng được mọi người cảm phục. Tin tưởng, nghị lực, sự lạc quan yêu đời và ý chí phi thường sẽ giúp họ tiếp tục đứng vững, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội./.

Nguồn: vov.vn

Sưu tầm: Ngọc Song