Những cuốc xe công nghệ chở người khiếm thị

Ngày đăng: 13/01/2021 - 816 lượt đọc

Câu chuyện của cậu học sinh khiếm thị có việc làm khi chưa ra trường, chàng trai khuyết tật phụ mẹ nuôi em... tiếp thêm nghị lực, lạc quan cho ông Triệu.

Chạy xe công nghệ vào năm 2015 sau một biến cố kinh tế của gia đình, ông Phạm Thành Triệu lúc đó không nghĩ rằng công việc này sẽ mang cho ông trải nghiệm về cuộc sống đến vậy.

Cách đây khoảng 6 năm, gia đình ông bị lừa một khoản tiền lớn, đến mức suýt phải bán nhà để giải quyết hậu quả. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số khiến công việc quay phim chụp ảnh của ông không còn hút khách như ngày trước.

Một tuần 7 ngày, ông chỉ có việc trong một ngày, còn 6 ngày ngồi chơi, nên tư tưởng không được thoải mái. Tình cờ đọc mẩu quảng cáo tuyển đối tác lái xe hai bánh của Grab, ông đăng ký. "Kinh tế là một vấn đề - vì cả gia đình đang cùng nhau kiếm tiền để giữ lấy ngôi nhà tại quận Bình Thạnh, TP HCM mà chúng tôi đang ở, nhưng quan trọng hơn là tôi có công việc làm mỗi ngày", ông Triệu nhớ lại.

Từ những vị khách đặc biệt...

Được làm việc, ông hiểu rằng mình vẫn còn có ích cho gia đình và xã hội. Điều đó khiến người đàn ông ngoài 60 tuổi tận tụy với từng cuốc xe. Gặp rất nhiều kiểu khách, từ khó chịu đến dễ thương nhưng ông chỉ lưu lại những cảm xúc tích cực cho bản thân.

Như một cái duyên, ông chở khá nhiều vị khách khiếm thị, và rất nhiều người trong số này, ông chở vài ba lần. Mặc dù ban đầu ông không nhớ gì về họ nhưng nghe giọng nói của ông, họ ngay lập tức nhận ra đã từng ngồi sau xe ông. "Điều đó khiến tôi bất ngờ và chú ý đến mọi người nhiều hơn", ông nói.

Ông vẫn còn nhớ một sinh viên công nghệ thông tin, thường được mẹ đặt xe từ nhà ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh đến một công ty ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Khi cậu chuẩn bị tốt nghiệp thì được công ty tuyên bố nhận vào làm. "Thời buổi kiếm việc không đơn giản, mà một người khiếm thị chưa học xong đã nhận được việc", ông Triệu gật gù khâm phục vị khách hàng mà ông đã chở ít nhất 3 lần.

Ông cũng không khỏi bất ngờ trước một khách hàng là người khiếm thị nhưng làm không hết việc. Anh hay đặt xe đi từ Vạn Kiếp (Bình Thạnh) tới một tiệm massage ở Gò Vấp. Mỗi lần đến đón, ông đều thấy anh này mang theo một cây đàn. Ông tò mò thắc mắc thì được biết, sau giờ làm nhân viên massage, bạn đó còn chơi đàn cho một quán cà phê. "Cách nói chuyện của bạn ấy rất vui vẻ lạc quan khiến tôi cũng vui lây", ông Triệu chia sẻ.

Rồi một chàng trai 18 tuổi ở Bình Phước xuống TP HCM học một khóa công nghệ thông tin để về làm việc cho công ty của gia đình. Trong thời gian đi học, em vẫn chăm chỉ đi massage bấm huyệt - công việc em đã được đào tạo khi còn ở quê - vì muốn phụ giúp mẹ nuôi em cũng khiến ông Triệu nhớ mãi.

"Tôi còn nhớ lần đầu đón cậu bé ở bến xe miền Đông đi Đầm Sen, cậu bé mặc áo sơ mi trắng ngắn tay mà chân không mang dép. Đi công viên Đầm Sen mà không mang dép thì đi đâu được, tôi chở cậu qua chợ mua dép", ông Triệu kể. Người giúp việc cửa hàng dép nói giá 40.000 đồng nhưng khi thu tiền, người chủ chỉ lấy 25.000 đồng vì muốn chia sẻ với cậu bé. Hành động nhỏ thôi nhưng ông thấy cuộc đời dù bon chen, xô lấn nhiều nhưng vẫn còn rất nhiều người tốt.

"Tụi con lỡ mang khiếm khuyết, nếu không biết gạt đi để bước qua thì sẽ không đi đến đâu hết", lời chia sẻ của một nữ sinh sư phạm quê Bến Tre khi ngồi xe ông chở khiến ông không khỏi xúc động. Cô bé không nhìn thấy gì từ 9 tuổi nhưng vẫn muốn vươn lên bằng nghề sư phạm. Còn ông trước đây chỉ vì tự ái cá nhân đã bỏ học sư phạm để đi làm.

Đến những việc chiêm nghiệm cuộc đời của người tài xế già

Những cuộc gặp gỡ với khách hàng đặc biệt đó khiến ông suy nghĩ rất nhiều. "Tôi nhận ra thất bại về kinh tế cũng như tự ái của bản thân trước là quá nhỏ bé so với khó khăn mà những bạn khiếm thị này đã gặp phải", ông Triệu kể.

Những câu chuyện góp nhặt cùng khách hàng mỗi ngày khiến ông càng thêm gắn bó với nghề chạy xe, công việc mà ông làm ban đầu vì sự bất đắc dĩ. Càng gặp nhiều người, ông càng có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc đời.

Ông cho rằng, trước đây mình sống khá ích kỷ - tức là chỉ biết nghĩ những điều tốt cho bản thân mà không thể lan tỏa điều tốt đó cho mọi người. Chính sự lạc quan và ý chí của những người khách khiếm thị đã khiến ông suy nghĩ và thay đổi.

Từ tò mò tại sao các em ấy dù không nhìn thấy nhưng vẫn nhận biết khi đi qua chợ, nghe giọng nói nhận ngay ra người quen, ông nhận thấy trước đây mình sống khá vô tâm. Ông không làm hại ai, không quấy rầy ai nhưng thực ra không giúp gì cho ai và không để ý cảm xúc của người khác.

Còn bây giờ ông hiểu rằng, một lời hỏi thăm bạn bè khi họ bệnh, một lời động viên khi ai đó gặp khó khăn, một hành động dang tay giúp đỡ khi người khác cần sẽ giúp lan tỏa tinh thần tích cực cho mọi người.

Vì thế, trong một lần nhận giao hàng, là một món quà tặng sinh nhật của cô gái gửi tặng bạn, nhưng mẹ cô gái lúc thay con đưa hàng cho ông lại quên không trả phí ship, ông đã sẵn sàng không nhận tiền công từ người bạn cô gái.

"Tôi hiểu nếu tặng quà cho bạn mà bắt bạn trả tiền ship sẽ rất áy náy, nên khi người khách thảng thốt, giờ con phải làm sao khi mẹ con quên trả tiền chú, tôi nói luôn là chú không lấy tiền mà chẳng đắn đo", ông Triệu kể lại. Sau đó ông cũng quên mất cuốc xe miễn phí của mình.

Hai tháng sau, ông bất ngờ khi cô gái đó nhận ra ông trong một lần đặt xe Grab. "Tôi rất vui vì cô gái đó vẫn canh cánh mong muốn gặp được mình để trả tiền. Trong cuộc đời, người tốt và người ngay thẳng vẫn nhiều lắm", ông Triệu chia sẻ. Ông cảm thấy may mắn là đã lớn tuổi rồi mà vẫn còn thấy được những tấm gương trong cuộc sống, để có tinh thần lạc quan, tích cực.

Bà Đặng Thị Kim Anh, vợ ông Triệu cho biết, mỗi ngày đi làm về, ông vẫn kể cho bà nghe về những khách hàng của mình. Bà cũng được lan truyền tinh thần tích cực, lạc quan yêu đời từ câu chuyện của chồng. So sánh với vị khách khiếm thị, cả hai vợ chồng đều cảm thấy những khó khăn thất bại mà họ đã trải qua cũng không quá lớn, vợ chồng bà vẫn may mắn vì còn sức khỏe, còn ngôi nhà và gia đình, vẫn còn có thể làm việc.

Bà Kim Anh cũng cảm thấy rất vui, vì từ ngày chạy Grab, gặp nhiều khách hàng, ông Triệu sống cởi mở hơn. Bà cảm thấy rất yên tâm khi chồng làm tài xế công nghệ, bởi rất nhiều bạn bè của bà tin tưởng Grab, sẵn sàng để Grab chở con cháu đi học.

Với mong muốn lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người, trong các cuộc gặp mặt với các đồng nghiệp, khi anh em than thở về công việc, ông Triệu thỉnh thoảng kể lại câu chuyện về những người khách hàng đặc biệt của mình, coi đó như động lực để mọi người cùng vượt qua khó khăn.

Ông không đặt chỉ tiêu một ngày phải chạy bao nhiêu tiền, mà quan niệm cứ làm và trải nghiệm, làm sao hôm nay phải sống tốt hơn hơn hôm qua. Ông cho rằng trong tình hình Covid-19 mà người tài xế vẫn làm ra tiền thì phải cảm ơn công sức xã hội đã ngăn chặn bệnh không lây lan.

Vì thế, ông luôn chuẩn bị sẵn khẩu trang để tặng cho khách nếu họ lên xe mà không có khẩu trang. "Đây chính là hành động giúp cộng đồng không lây nhiễm chứ không phải để đòi khách tiền khẩu trang. Không có dịch, kinh tế phát triển, mình cũng kiếm được. Giúp người khác cũng là giúp mình", người tài xế 66 tuổi trải lòng và cho biết sẽ giữ sức khỏe để theo đuổi lâu dài với công việc tài xế công nghệ.

Mới đây, ông Triệu là một trong những đối tác tài xế được Grab khen thưởng vì những nỗ lực cống hiến và đồng hành lâu năm với Grab. Chính tinh thần tích cực mà ông nhận được sau những cuốc xe đã giúp bản thân gắn bó và yêu thích công việc này.

"Tôi không buồn vì những thất bại trước đây, nhờ những va vấp đó mà tôi có được nhiều bài học cho bản thân. Giờ tôi nghèo, chạy xe kiếm sống không có nghĩa phải kiếm tiền bằng được. Nhờ chạy xe, gặp nhiều người tốt, tôi mới có được tinh thần lạc quan thế này", ông Triệu tâm sự.