Chuyện về thầy giáo khiếm thị luôn nỗ lực tạo ra giá trị của bản thân

Ngày đăng: 13/08/2024 - 1544 lượt đọc

“Không cần cố gắng để trở thành người thành đạt mà hãy cố gắng để trở thành người có giá trị”, đó là phương châm sống của thầy giáo khiếm thị Bùi Ngọc Song - hiện đang công tác tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù. Đây vừa là phương châm sống vừa là nguồn động lực để anh Song vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, công tác tốt và xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.

Ngay từ khi chào đời, anh Song đã là một người kém may mắn vì bị hỏng mắt bởi ảnh hưởng của chất độc da cam. Lớn lên tại một vùng quê nghèo ở ngoại thành Hà Nội, do điều kiện thiếu thốn nên anh chỉ theo học hết được cấp Tiểu học. Sau đó, anh trở thành hội viên Hội người mù, được tạo điều kiện để tiếp tục đi học văn hóa, học nghề, học đại học và làm nghề xoa bóp bấm huyệt.

Anh Bùi Ngọc Song hiện đang công tác tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù.

“Đó là một quá trình dài với không ít khó khăn, nhưng nhờ sự chia sẻ, động viên của các thành viên trong Hội người mù, của gia đình, đặc biệt tôi đã soi vào tấm gương của các bạn đồng tật để không ngừng nỗ lực vươn lên tạo ra giá trị của bản thân”, anh Song tâm sự.

Từ năm 2019, anh Song bắt đầu công tác tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù. Mới đầu là một kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt, ở vị trí này, anh Song luôn không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, tận tình với bệnh nhân, khách hàng, thường xuyên chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm với đồng nghiệp.

Anh Song trao đổi với các kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt.

Nhận thấy năng lực của anh Song, Ban Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù đã phân công anh làm việc tại phòng nghiên cứu khoa học và truyền thông. Tại đây, anh Song đã tích cực tham gia công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh của Trung tâm và của Hội người mù với cộng đồng xã hội thông qua việc phát triển các kênh truyền thông.

Từ năm 2021 đến nay, anh Song tham gia giảng dạy tại lớp xoa bóp bấm huyệt cổ truyền, lớp massage chân, lớp tác động cột sống… của Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù. Các học viên hầu hết là người hỏng mắt với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, nguyên nhân hỏng mắt, hoàn cảnh sống có nhiều khác biệt, trình độ văn hóa không đồng đều, đặc biệt là số lượng học viên ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên việc lựa chọn phương pháp tiếp cận và giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Song tham gia công tác giảng dạy tại lớp xoa bóp bấm huyệt cổ truyền, lớp massage chân, lớp tác động cột sống…

Trước khó khăn đó, anh Song đã không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm của bản thân và luôn chủ động trao đổi với các đồng nghiệp để tìm ra phương pháp tiếp cận, giảng dạy hiệu quả nhất. Ngoài việc giảng dạy tại Trung tâm, anh Song cũng trực tiếp về các địa phương để giảng dạy các lớp xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống do Trung tâm tổ chức. 100% học viên sau khi tốt nghiệp các lớp xoa bóp bấm huyệt đều có việc làm, thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, anh Song cũng cùng với các giáo viên khác xây dựng các chương trình, biên tập và chỉnh sửa các tài liệu, giáo trình như: Xoa bóp bấm huyệt cổ truyền, xoa bóp chân, tác động cột sống… nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập tại Trung tâm; đồng thời cung cấp cho các tỉnh, thành Hội trong cả nước, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm nói riêng, Hội người mù Việt Nam nói chung.

Anh Song hướng dẫn các học viên tại lớp học.

Tự hào khi đánh giá về thầy giáo Bùi Ngọc Song, ông Phạm Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù cho biết: “Thầy Song là một trong những giáo viên có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tốt của Trung tâm và có lối sống hòa đồng, thân thiện, có tấm lòng sẻ chia, luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp, học viên. Dù ở vị trí công tác nào, thầy Song cũng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, dạy nghề cho người khiếm thị”.

Không chỉ khẳng định giá trị của bản thân ở ngoài cộng đồng xã hội, khi về nhà, anh Song cũng luôn nỗ lực để trở thành người chồng, người cha tốt, cùng vợ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. “Tôi và vợ đều là người khiếm thị nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc nuôi dạy con cái nhưng chúng tôi luôn cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Bí quyết của chúng tôi nằm ở sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau”, anh Song chia sẻ.

Anh Song cùng vợ đều là người khiếm thị nhưng đã luôn cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Do đặc thù công việc nên anh Song thường xuyên phải đi công tác xa, những lúc đó, vợ anh ở nhà quán xuyến mọi công việc trong gia đình. Nhưng khi trở về “tổ ấm” của mình, anh Song luôn dành nhiều thời gian nhất có thể để chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình. Chính vì thế, gia đình của anh luôn ấm êm, hạnh phúc. Năm 2024, gia đình anh Song là 1 trong 100 “Gia đình công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu” được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương.

Nguồn: Lao động thủ đô

Sưu tầm: Quỳnh Trang 

 


Bình luận

Viết bình luận