Phụ nữ khuyết tật có khát vọng lao động gấp đôi người thường

Ngày đăng: 28/10/2020 - 1087 lượt đọc

Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt là một người khuyết tật giàu nghị lực. 7 năm qua, anh cùng cộng sự, là những phụ nữ bị điếc bẩm sinh đã tạo nên một cơ sở khang trang cùng một thương hiệu uy tín trên thị trường sản phẩm quà tặng, thủ công mỹ nghệ.

Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt đã trò chuyện cùng Ngày Nay về câu chuyện khởi nghiệp, khát khao được làm việc, được xã hội công nhận của những người phụ nữ khuyết tật.

Phóng viên (PV): Vì sao công ty của anh đa phần nhân viên lại là những phụ nữ bị khiếm thính?

Anh Phạm Việt Hoài: Tôi có một góp ý nhỏ, mong nhà báo thông cảm, nhân viên của tôi là những người bị điếc bẩm sinh, và đây là cách gọi đã được định danh, cộng đồng của họ đưa “thuật ngữ” này lên làm danh từ và họ cũng mong muốn được gọi như vậy. Nếu biết được chúng ta gọi họ là khiếm thính, họ sẽ không vui. Điếc không phải là cách gọi chúng ta miệt thị họ mà là gọi đúng. Còn khiếm thính thì là một dạng khuyết tật khác, những người khiếm thính có thể nghe không được tốt, nhưng nếu có máy trợ thính thì có thể họ vẫn sẽ nghe được, đó là hai khái niệm khác nhau.

Quay trở lại với câu hỏi của anh, vì sao tôi lại tuyển dụng những phụ nữ bị điếc vào công ty. Vì tôi nhận thấy, họ có khát khao làm việc rất rất lớn, hơn nữa, họ cũng rất khéo tay, chăm chỉ thông minh. Những sản phẩm thiên về thủ công, về may vá họ làm rất tốt, thậm chí là còn tốt hơn những nữ công nhân bình thường. Vì tất cả năng lượng, niềm say mê, hứng thú đều dồn cho công việc, họ cũng rất tập trung, ít bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh. Đó là ưu điểm của họ.

Bản thân tôi là một người khuyết tật. Tôi hiểu rằng, một người bình thường không có công ăn việc làm, không khẳng định được bản thân thì đã khốn khổ đến mức nào. Người khuyết tật, đặc biệt phụ nữ khuyết tật còn khổ hơn nữa vì họ luôn dằn vặt, tự ti, mặc cảm bản thân vì mình là gánh nặng cho gia đình, người thân.

Chính vì vậy, khi nảy ra ý định thành lập một công ty, tập hợp những người khuyết tật lại, tôi đã quyết tâm làm, rất quyết tâm. Nói chung, đây là một quyết định rất liều lĩnh, rất mạo hiểm vì khởi nghiệp với người bình thường cũng là công việc vất vả, khó khăn chứ đừng nói một người ngồi xe lăn như tôi. Thời gian đầu, tiếng là công ty nhưng chỉ có 2 nhân viên, 2 cái máy khâu. Mà nhân viên, lại là hai cô gái không có khả năng nghe, nói. Nhờ vào sự nỗ lực, kiên trì tôi cũng đã coi như tạm thành công, công ty đã trải qua 7 năm phát triển với số nhân viên bây giờ lên tới hơn 20 người, cũng đều là những phụ nữ bị điếc bẩm sinh.

PV: Việc tuyển dụng nhân sự, đào tạo người khuyết tật có gì khó khăn không?

Anh Phạm Việt Hoài: Tôi không gặp khó khăn gì nhiều. Họ thích được làm việc nên học việc rất nhanh. Hiện cộng đồng người điếc tại Hà Nội vẫn còn rất lớn. Nhưng họ rất khó tìm việc. Chúng ta cứ tưởng tượng ra, tại một xưởng may của một khu công nghiệp, nếu doanh nghiệp tuyển một công nhân bị điếc vào, dù họ có tạo điều kiện đến mức nào thì vẫn rất khó. Chẳng lẽ lại đi tuyển thêm người phiên dịch về. Chính vì vậy, họ - những người phụ nữ, những nữ thanh niên điếc đến tuổi lao động rất khó tìm việc làm. Gần như không có cơ hội. Đây là một sự lãng phí nguồn lực vì cộng đồng người điếc trong độ tuổi lao động đang là rất lớn.

Chỗ tôi mới tuyển dụng một nhân sự mới. Đó là một cô gái tên là Huyền, bị điếc và có một chút vấn đề về trí tuệ. Theo bố mẹ của cô ấy, càng lớn, cô bé càng khó chịu, bất hợp tác và không nghe lời người lớn. Tôi có tìm hiểu và nói chuyện thì nhận ra, do cô bé sinh ra đã không có khả năng nghe, nói nên cha mẹ rất nhường nhịn, cưng chiều, ở nhà không bao giờ giao việc và cũng chẳng bao giờ phê bình những việc cô bé làm sai, cư xử không đúng.

Những người phụ nữ, nữ thanh niên đến tuổi lao động rất khó tìm việc làm. Gần như không có cơ hội. Đây là một sự lãng phí nguồn lực vì cộng đồng người điếc trong độ tuổi này là rất lớn.

Nhưng đó là cách dạy con sai lầm do quan niệm sai lầm. Rất nhiều gia đình có con em khuyết tật đã mặc định suy nghĩ rằng, thôi, thế là chấp nhận nuôi “báo cô” nó cả đời. Quan điểm này gần như “nhốt” người khuyết tật vào một cái khung và lâu dần, không ai muốn thoát ra khỏi cái khung ấy nữa. Phàm đã là con người, ai cũng mong muốn được lao động, được chính những người trong gia đình mình công nhận rồi sau đó mới đến sự công nhận của xã hội.

Khi Huyền đến chỗ chúng tôi, cháu được làm việc, được chỉ bảo, khi làm tốt được tổ trưởng, tổ phó khen ngợi, khi sai, chậm bị phê bình nghiêm khắc. Nhưng cháu rất vui, giống như con chim sổ lồng vậy. Đến nay Huyền đã trở thành một nhân sự rất tốt, rất vui vẻ, hòa đồng chứ không cáu bẳn, khó chịu như lúc ở nhà.

PV: Ngoài khó khăn trong đào tạo, công ty anh còn vấp phải gặp khó khăn gì nữa không?

Anh Phạm Việt Hoài: Chúng tôi kinh doanh một số dòng sản phẩm, đó là đồ chơi như gấu bông, đồ décor để trang trí nhà cửa, và cuối cùng là những đồ ứng dụng như túi xách, chăn ga gối, túi ngủ cho học sinh sinh viên... Trước khi có dịch COVID-19 chúng tôi làm ăn tốt, công ty có lợi nhuận, có tăng trưởng. Nhưng từ đầu năm thì mọi việc khó khăn không thể tưởng tượng. Các đối tác nhập hàng lớn như công ty du lịch, quà tặng doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn nên chúng tôi đã phải hoạt động cầm chừng, chờ dịch đi qua vậy.

PV: Tôi muốn hỏi thẳng, mong anh đừng tự ái. Sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong khoảng 7 năm vừa qua có phải do anh làm truyền thông tốt nên nhận được sự thông cảm, chia sẻ của cộng đồng chứ không hẳn là sản phẩm thực sự đặc biệt?

Anh Phạm Việt Hoài: Tôi có thể tự tin khẳng định, chúng tôi dù là tập hợp của những người khuyết tật nhưng đã đứng trên đôi chân của mình trong suốt 7 năm qua. Chúng tôi không dựa dẫm vào bất cứ ai. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã ghi rõ trong hồ sơ là công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội hay bất cứ dạng thức nào khác. Chúng tôi phải cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường nhờ bàn tay, khối óc của mình. Tất nhiên cũng có những khách hàng đã ưu ái chọn sản phẩm của Kym Việt nhưng sản phẩm cũng phải tốt thì mới ưu ái được. Hồi công ty mới thành lập, có ai biết chúng tôi là doanh nghiệp của người tật đâu. Thậm chí khi tôi mang sản phẩm đi chào hàng, có người không mua nhưng lại tìm cách tặng một số tiền nhỏ. Họ coi đó như làm phúc chứ không phải đối tác.

PV: Việc mở ra Kym Việt Space, bao gồm tổ hợp quán café, xưởng may, nơi giao lưu giữa khách hàng, trình diễn các công đoạn làm sản phẩm cũng nhằm mục tiêu để cho khách hàng, đối tác thấy, doanh nghiệp của anh đúng là sử dụng những công nhân điếc bẩm sinh?

Anh Phạm Việt Hoài: Đó cũng là một lý do để tôi thành lập cơ sở này. Nó đúng như tôi mơ ước, hình dung. Đây là nơi của những người khuyết tật làm việc, như một ngôi nhà đầy năng lượng, đầy tiếng cười. Đây cũng đồng thời là quán café, khách tới đây vừa uống nước, vừa quan sát công nhân của tôi làm việc, sau đó họ sẽ lựa chọn những sản phẩm ưng ý.

Trước đây, tôi đã phối hợp được với các công ty du lịch để họ đưa khách tới tham quan, trải nghiệm tại cơ sở này. Đặc biệt là các đoàn khách nước ngoài. Khi nhìn thấy phụ nữ khuyết tật Việt Nam làm việc, họ rất cảm phục ý chí, tinh thần lao động của con người Việt Nam.

Cần phải thay đổi định kiến có từ lâu nay đó là, đã khuyết tật chỉ có "bỏ đi", không làm được gì, không giúp ích được gì cho xã hội. Quan niệm đó rất cay nghiệt và sai lầm.

Nhưng mục tiêu, thông điệp ở phía sau mà tôi muốn gửi gắm tới xã hội, tới truyền thông và cả lớp người trẻ tuổi, đó là phải dần dần thay đổi định kiến đã có lâu nay đó là, đã khuyết tật thì chỉ có “bỏ đi”, không làm được việc gì, không giúp ích gì cho xã hội.

Quan niệm đó rất cay nghiệt và sai lầm. Người khuyết tật, nếu nói theo kiểu của dân gian, ông trời lấy đi của họ thứ này thì sẽ bù đắp cho họ thứ khác. Chúng ta, xã hội cần nhìn nhận họ như người bình thường, hoặc nếu không thì phải tạo ra một môi trường, không gian phù hợp thì họ sẽ phát huy khả năng, sẽ trở thành niềm cảm hứng, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho xã hội. 

PV: Sau đợt dịch này, anh có muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình?

Anh Phạm Việt Hoài: Tất nhiên là tôi luôn mong muốn cơ sở của mình sẽ phát triển được hơn nữa. Thậm chí tại mỗi tỉnh thành sẽ có một hoặc 2 cơ sở như vậy. Nhưng mơ ước là một chuyện, sức người có hạn. Tôi là một người khuyết tật nên chắc chắn có những yếu tố hạn chế. Hiện nay, việc đảm bảo đời sống cho hơn 20 nữ công nhân tại đây cũng đang là bài toán nan giải. Trung bình mỗi người đang nhận lương khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng, chưa kể cơm trưa, bảo hiểm.

PV: Kym Việt đã bao giờ đề xuất với chính quyền địa phương hoặc thành phố Hà Nội về việc được thuê đất với giá ưu đãi hoặc được các chính sách ưu đãi khác như tiền điện, nước, thuế…?

Anh Phạm Việt Hoài: Tôi quả thực chưa làm việc đó. Vì như đã nói, từ khi thành lập doanh nghiệp tôi luôn có tâm niệm rằng, mình làm một công ty như những người khác, cùng chạy đua sòng phẳng, cùng cạnh tranh lành mạnh. Cái này cũng không hẳn là tự tin thái quá mà chỉ đơn giản, chúng tôi muốn được nhìn nhận như một doanh nghiệp bình thường.

Nhưng bây giờ thì thời thế đang thực sự khó quá. Có lẽ tôi cũng phải tính thêm phương án đề xuất. Bởi với riêng cá nhân tôi thì không thành vấn đề nhưng phía sau tôi là công ăn việc làm của rất nhiều người khác, họ cũng lo lắng lắm nên luôn cố gắng làm việc và làm việc.

Hôm nay, tôi đi nhận giải thưởng Hà Nội Giftshow (Giải thưởng dành cho doanh nghiệp có sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời trang được nhiều khách hàng bình chọn) lẽ ra với những giải như thế này thì những công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm sẽ đi cùng giám đốc lên nhận giải. Nhưng mọi người không đi, họ vẫn ở nhà làm việc dù tôi có cho phép nghỉ để đi nhận giải cho vui, phấn khởi.

 

PV: Sự đồng cam, cộng khổ của nhân viên và giám đốc Kym Việt có lẽ là trường hợp đặc biệt. Vì tôi được biết, hiện nay có không ít những nơi có kiểu cách làm việc, nói thẳng ra, là có những chiêu thức rất tinh vi để lợi dụng vào người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật để trục lợi và tìm kiếm… những thứ khác?

Anh Phạm Việt Hoài: Tôi biết, ở đây cũng có nhiều cháu đã chia sẻ, trước khi đến đây, họ bị lợi dụng nhiều thứ, nhưng vì họ là người khuyết tật nên đôi khi khó có thể thể phản kháng với những hành vi sai trái. Tôi mong muốn rằng, xã hội cần quan tâm hơn nữa đến người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ. Họ thiệt thòi vô cùng.

Hãy cùng nhau tạo ra cơ hội để họ bước ra ánh sáng, hòa nhập và tự tin hơn. Khi họ tự tin, không còn yếm thế, không lo sợ và hiểu biết hơn thì không ai có thể làm hại họ. Hiện nay, theo tôi được biết, thì riêng cộng đồng người khuyết tật tại Hà Nội thôi, những người có khả năng lao động cũng lên tới hàng vạn người. Nếu không sử dụng được họ, đó là sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn.

Xin trân trọng cám ơn anh!

Nguồn: ngaynay.vn

Sưu tầm: Ngọc Song